Chủ nhật, 24/11/2024 11:59 (GMT+7)
Thứ hai, 16/03/2020 07:50 (GMT+7)

Có nên 'nhốt' trẻ mãi trong nhà?

Theo dõi KTMT trên

Thưa các bà mẹ. Tôi là một ông bố, có con trai nhỏ 10 tuổi. Như mọi đứa trẻ ở Việt Nam, cháu không được đến trường đã gần 2 tháng. Và như phần lớn những đứa trẻ ở thành thị khác, phần lớn thời gian con tôi loanh quanh trong nhà - một căn hộ chung cư lơ lửng giữa lưng trời.

Đúng 10 năm trước, tôi từng phỏng vấn 1 ông cụ ở khu tái định cư Văn Giang. Tầng 17 - tôi nhớ như in. Ông cụ vốn ở phố Hàng Bạc, sau chấp nhận di dời vì chỗ ở cũ nhỏ hẹp xập xệ quá, đổi chục mét phố cổ lấy căn chung cư ngoại thành, cũng được.

Cuộc phỏng vấn về cuộc sống ở nơi mới, cuối cùng chủ yếu nói về nơi cũ. Nhà nhỏ, nhưng bước 1 bước là ra ngoài, có xóm giềng phố xá, đi dạo vòng quanh Hồ Gươm, ra chợ mua mớ rau con cá, ghé quán nước chè hút điếu thuốc lào ăn cái kẹo lạc dưới tán cây bàng.

Đấy là một cuộc sống có giao lưu.

Ở chung cư, lối sống hơn 70 năm bị đảo lộn. Ông cụ bị hạn chế giao tiếp xung quanh đã đành (vì chung cư thì ban ngày toàn khóa cửa cho cẩn thận), cái tù túng nhất là không có chỗ nào để đi. Mạch giao tiếp bị cắt đứt, con người trống rỗng.

"Đêm giao thừa nào tôi cũng ngóng về phố, chú ạ" - Tôi vẫn nhớ câu nói ấy của ông cụ, rất xót xa.

Bọn trẻ của chúng ta, những đứa trẻ phố thị, vốn đã đứt mạch phố phường từ lâu. Chúng không còn biết phân biệt mùa qua những loài hoa, không biết ngửi mùi rêu biết cơn mưa sắp ập đến, không biết đổ dế bắt ve, không biết bắn bi thả diều, không thuộc những con ngõ ngang dọc nối liền thành phố.

Bọn trẻ của chúng ta thành thạo sử dụng máy tính bảng, điện thoại thông minh, rành rẽ YouTube, và lơ ngơ không biết quá 5 đứa bạn cùng tòa nhà.

Cách duy nhất để chúng nó có kết nối với xã hội, là đến trường. Nếu không đến trường, thì phải gặp bạn bè cùng lứa, cùng học hoặc chí ít là cùng chơi với nhau. Cách duy nhất để trẻ con hoàn thiện thể chất của chúng, là được hoạt động thể dục.

Hoạt động thể dục, là chạy nhảy, hít thở, la hét, mồ hôi mồ kê, lăn lê bò toài thậm chí thâm tím mình mảy. Chứ không phải là bật cái máy Wii lên và cầm cái remote chơi tennis giả lập trong nhà. Cẩn thận thì đúng rồi, nhưng hãy tìm hiểu các con số một chút.

47.000 ca nhiễm virus Covid-19 ở Vũ Hán, duy nhất 1 ca tử vong dưới 20 tuổi, không có 1 ca dưới nhiễm dưới 10 tuổi nào tử vong. Đó là trường hợp xấu nhất là đứa trẻ nhiễm virus nhé.

Con bạn sẽ an toàn nếu:

- Cho con chơi ở nơi thoáng đãng như vườn hoa, công viên. Không chạm tay vào các đồ vật nhiều người sử dụng. Để an toàn, bạn mang đồ cá nhân đi (ghế xếp, bình nước, đồ ăn nhẹ...), rửa tay bằng dung dịch trước và sau khi chơi.

- Tiếp xúc với nhóm an toàn. Chẳng hạn 1 bọn trẻ cùng chung cư và không có diện F (1, 2, 3..) nào trong khu vực, thì sao không cho chúng nó chơi vơi nhau?

- Đeo khẩu trang khi vào thang máy, và không chạm vào thang máy (virus corona sống khá lâu trên bề mặt kim loại). Cẩn thận nữa thì rửa tay và thay quần áo cho luôn vào máy giặt sau khi ra ngoài chơi.

- Uống nhiều nước ấm trong quá trình chơi (bạn có thể cho nước ấm vào bình giữ nhiệt cho con mang theo). Các vận động viên chuyên nghiệp cũng uống nước ấm, luôn tốt cho vận động hơn là nước lạnh.

- Bổ sung vitamin C và các khoáng chất khác hơn mức bình thường một chút.

- Tốt nhất, bố mẹ dành thời gian cho con ra ngoài chơi mỗi ngày 1-2 giờ. Có thể vào sáng sớm hoặc chiều tối trước bữa ăn.

Bạn hãy xem cái ảnh tôi chụp lại 1 sân chơi ở 1 tòa chung cư lớn. Trước dịch, lúc nào cũng có trẻ con chơi ở đấy. Còn lúc tôi chụp, một ngày cuối tuần đẹp trời, vắng tanh. Hai đứa trẻ nào đó được bố mẹ cho ra ngoài (hoặc rất có thể là lén trốn ra), vào sân chơi một lúc thì chán quá, bỏ về.

Có nên 'nhốt' trẻ mãi trong nhà? - Ảnh 1
"Có hai đứa thì chơi trốn tìm chán lắm" - tôi nghe một nhóc nói thế, là cậu nhóc không đeo khẩu trang.

Dịch sẽ còn hoành hành chưa biết đến bao giờ mới thực sự an toàn để mọi nhịp sống trở lại như cũ. Cả thế giới như đang đông cứng lại. Nhưng bọn trẻ của chúng ta, chúng nó cần lớn, chúng nó đang lớn mà?

Phạm Gia Hiền

Bạn đang đọc bài viết Có nên 'nhốt' trẻ mãi trong nhà?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới