Chủ nhật, 24/11/2024 08:53 (GMT+7)
Thứ ba, 04/02/2020 14:15 (GMT+7)

Cổ phiếu dược 'dậy sóng' nhờ dịch corona, song rủi ro vẫn rình rập

Theo dõi KTMT trên

Trong cơn hoảng loạn bán tháo cổ phiếu sau Tết, nhóm cổ phiếu ngành dược như DHG, DVN, JVC, BBT... lại có những phiên giao dịch "thăng hoa" khi tăng trần liên tiếp, thanh khoản tăng đột biến.

Sau hai phiên giao dịch hoảng loạn bán tháo, thị trường chứng khoán đã có sự hồi phục đáng kể vào đầu phiên chiều 3/2. Chỉ số VN-Index chốt phiên giảm hơn 8 điểm xuống 928,14 điểm dù trong phiên có thời điểm rơi sâu xuống mức 892 điểm. Nhóm cổ phiếu ngân hàng, sữa, dược phẩm... là những "trụ cứng" duy trì mức giá quanh tham chiếu, hồi phục tích cực trong phiên chiều như CTG tăng 3,07%, BID tăng 3,9%.... Các cổ phiếu vốn hoá lớn vẫn giảm như VNM (-0,2%), VHM (-2,6%), PLX (-3,8%), TCB (-0,7%), MSN (-0,2%), MBB (-2,16%), FPT (-0,96%).

Ngược lại, cổ phiếu hàng không tiếp tục lao dốc do chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch corona bùng phát trên toàn cầu với số ca tử vong lên tới hơn 400 ca, như HVN giảm 5,1%, VJC giảm 3,6%, đều giảm sàn phiên thứ 3 liên tiếp... Các cổ phiếu lớn khác cũng giảm như BVH (-5,44%), MWG (-1,8%), PNJ (-1,8%)...

Cổ phiếu dược 'dậy sóng' nhờ dịch corona, song rủi ro vẫn rình rập - Ảnh 1
Cổ phiếu dược phẩm bất ngờ tăng trần giữa "tâm bão" dịch viêm phổi Vũ Hán

Điểm sáng trên thị trường là nhóm cổ phiếu dược phẩm hưởng lợi khi lực mua mạnh, giá tăng và thanh khoản tăng tích cực. Nhất là cổ phiếu của doanh nghiệp được đầu ngành là DHG của Công ty Cổ phần dược Hậu Giang (DHG) tăng trần phiên thứ 2 liên tiếp ở cuối phiên sáng với mức tăng 6,9%, đóng cửa ở mức 102.600 đồng/CP. Cổ phiếu DHT và DNM lần lượt tăng trần ở mức 9,11% và 10%.

Mặc dù thời gian qua, nhóm cổ phiếu ngành dược ít được quan tâm, thanh khoản giao dịch thấp nhưng cổ phiếu duy trì mức giá ổn định cao nhờ tính đặc thù y tế là ngành thiết yếu, doanh nghiệp làm ăn có lãi cao và ổn định, cổ phiếu "cô đặc" trong tay các cổ đông Nhà nước, tổ chức lớn... Đáng chú ý, Dược Hậu Giang luôn có mức giá cao nhờ kết quả kinh doanh tăng trưởng cao, chính sách cổ tức lớn và trả đều đặn hàng năm cho cổ đông. Hiện, DHG đã tăng 21% kể từ mức giá ổn định 95.000 đồng/CP trước thời điểm bùng phát dịch corona. Biến động giá DHG cũng chịu ảnh hưởng từ hoạt động M&A do Taisho đã mua thành công 20,6 triệu trong tổng số 28,3 triệu cổ phiếu chào mua công khai cổ phiếu DHG để nâng sở hữu lên 50,78%.

Song năm 2019, hoạt động kinh doanh có sự sụt giảm đáng kể, nhất là trong quý 3 DHG chỉ còn lãi sau thuế 117,4 tỉ đồng, giảm 15,4% so với cùng kỳ quý 3/2018... Trong 9 tháng đầu năm 2019, DHG ghi nhận tổng doanh thu thuần đạt 2.617 tỉ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 66% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 481 tỉ đồng, hoàn thành 64% kế hoạch và lãi sau thuế đạt 427,4 tỉ đồng, giảm 4,7%. so với cùng kỳ.

Cùng là doanh nghiệp lớn ngành dược, Tổng công ty Dược Việt Nam (mã: DVN) lại có kết quả kinh doanh khá khiêm tốn trong các quý gần đây. Cụ thể, trong quý 3/2019 DVN chỉ đạt lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 50,13 tỉ đồng, giảm mạnh 21% so với cùng kỳ năm trước do hoạt động kinh doanh ở một số công ty liên kết giảm thấp hơn. Còn theo báo cáo riêng lẻ quý 4/2019, luỹ kế lợi nhuận trước thuế cả năm của DVN đạt 173 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2018. Lãi sau thuế là 172,8 tỉ đồng. Hiện, công ty chưa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất của tổng công ty.

Trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu DVN đã giảm rất mạnh trong năm 2019, xuống mức đáy 9.600 đồng/CP. Tuy nhiên, ngay khi thông tin dịch corona lan truyền, ngày 22/1 cổ phiếu DVN đã lập tức tăng trần liên tiếp 3 phiên, lên mức đỉnh 14.700 đồng/CP, thanh khoản tăng vọt. Đến phiên hôm nay 4/2, đà tăng giá DVN đã chững lại và đảo chiều giảm mạnh, xuống còn 14.400 đồng/CP. Song thị giá hiện tại của DVN vẫn tăng 50% so với thời điểm trước khi bùng phát dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán.

Cổ phiếu dược 'dậy sóng' nhờ dịch corona, song rủi ro vẫn rình rập - Ảnh 2
Doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành dược. Nguồn: Báo cáo tài chính doanh nghiệp

Theo nhận định của SSI Reseach, nhóm cổ phiếu dược có diễn biến tích cực nhờ tâm lý thị trường trong ngắn hạn và chưa có thay đổi đáng kể nào về bản chất đối với các công ty dược niêm yết do virus corona. SSI Research dự báo quy mô thị trường dược phẩm trong năm 2020 sẽ tăng trưởng từ 9-10% nhờ đặc điểm dân số và xu hướng tiêu dùng nhằm chăm sóc sức khỏe, nhu cầu thuốc kháng sinh tăng cao... Tổng cục Thống kê cũng dự báo, dân số Việt Nam từ 65 tuổi trở lên dự kiến đạt 7,4 triệu người, tăng 7,9% trong tổng dân số vào năm 2020 và tăng 18,1% vào năm 2049.

Tuy nhiên, Việt Nam hiện đang phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên phụ liệu dược phẩm từ Trung Quốc nhưng lại đang yếu thế hơn trong cuộc đua nghiên cứu, đầu tư và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất thành phần dược phẩm... Do đó, các công ty ngành dược nội địa có thể phải đối mặt với biến động khi hoạt chất dược phẩm tăng cũng như rủi ro tỷ giá biến động mạnh, làm giảm hiệu quả kinh doanh.

Nhật My

Bạn đang đọc bài viết Cổ phiếu dược 'dậy sóng' nhờ dịch corona, song rủi ro vẫn rình rập. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới