Pháp và Việt Nam hợp tác song phương về triển khai giảm phát thải carbon
Ngày 8/11, trong khuôn khổ Hội nghị COP27, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã trao đổi và làm việc với ông Remy Rioux, Tổng Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD).
Theo Bản ghi nhớ, trong vòng 5 năm tới, Bộ TN&MT Việt Nam và Cơ quan Phát triển Pháp sẽ cùng phát triển một chương trình nghiên cứu, nhằm đóng góp cho các chính sách công trong những lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ Việt Nam. Chương trình bao gồm 3 định hướng.
Trước tiên, hai bên sẽ triển khai áp dụng mô hình kinh tế vĩ mô được xây dựng bởi dự án GEMMES Vietnam và kết hợp mô hình này với một mô hình năng lượng nhằm phân tích những hệ quả kinh tế - xã hội của quá trình chuyển dịch năng lượng hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” ở Việt Nam. Chương trình cũng định hướng nâng cao kiến thức và dự báo về tác động của biến đổi khí hậu ở Việt Nam, nhất là về những hiện tượng khí hậu cực đoan kết hợp với những sức ép từ các hoạt động của con người (ở cấp địa phương cũng như khu vực) lên môi trường. Cuối cùng là nâng cao kiến thức về các khía cạnh xã hội của chuyển đổi năng lượng công bằng.
AFD cũng sẽ hỗ trợ Bộ TN&MT về điều phối thực hiện các chương trình giảm phát thải, hướng đến mục tiêu chuyển đổi năng lượng công bằng, góp phần vào mục tiêu phát thải ròng bằng “0” đến năm 2050. Hỗ trợ quản lý tổng hợp tài nguyên nước và phát triển một mô hình quản lý tổng hợp lưu vực phù hợp, trong bối cảnh tăng cường khả năng thích ứng, chống chịu và phục hồi với biến đổi khí hậu ở Việt Nam. Hỗ trợ những hoạt động ưu tiên trong các lĩnh vực: Quản lý tài nguyên đất, quản lý và phát triển bên vững không gian biển và hải đảo, quản lý rác thải nhựa (bao gồm việc xây dựng và thực hiện các cơ chế chính sách). Bên cạnh những lĩnh vực ưu tiên trên, hai Bên có thể xem xét mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực khác được hai Bên thống nhất và phù hợp với chức năng nhiệm vụ.
Đại diện Việt Nam, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ: Mô hình phát triển kinh tế các-bon thấp, kinh tế tuần hoàn là xu hướng chủ đạo hiện nay trên toàn cầu. Việt Nam cùng nỗ lực với cộng đồng quốc tế để đạt một mục tiêu khí hậu chung. Hợp tác quốc tế là một trong những định hướng hành động chính của chúng tôi để triển khai chính sách quốc gia về biến đổi khí hậu và những cam kết của Việt Nam về đạt mức trung hòa các-bon. Sự kiện ký kết thỏa thuận hợp tác này góp phần nâng cao chất lượng mối quan hệ đối tác chiến lược Pháp – Việt và khẳng định hiệu quả của sự hợp tác dài hạn giữa Bộ Tài nguyên & Môi trường và AFD.
Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Trần Hồng Hà gửi lời cảm ơn bà Chrysoula Zacharopoulou đã dành cho Việt Nam sự quan tâm đặc biệt, và ông Rémy Rioux đã luôn thúc đẩy tất cả các hoạt động hợp tác ở Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đang cùng Nhóm các nước phát triển G7 đàm phán về Cơ chế Quan hệ đối tác chiến lược về năng lượng (JETP). Thỏa thuận hợp tác sẽ hỗ trợ cho sự triển khai các hành động để đạt mức phát thải các-bon thấp và phục vụ quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng, thông qua các nghiên cứu và trao đổi kỹ thuật giữa các cơ quan đồng cấp.
Bà Quốc vụ khanh Zacharopoulou khẳng định, Chính phủ Pháp hoàn toàn ủng hộ tất cả các quốc gia triển khai các hành động khí hậu và quá trình chuyển dịch xanh hóa. Thông qua thỏa thuận hợp tác này, phía Pháp sẽ chia sẻ với Việt Nam những kiến thức kinh nghiệm và các mô hình của Pháp để giúp Việt Nam định hướng quá trình chuyển dịch. Quan hệ đối tác với những mục tiêu lớn thể hiện sự cam kết chung của hai bên để chống biến đổi khí hậu ở Việt Nam, cũng như ở khu vực Đông Nam Á và trên toàn cầu.
Các hoạt động này sẽ được tài trợ bằng nhiều nguồn vốn khác do AFD huy động, ví dụ như Quỹ 2050 và Quỹ WARM (Water and Natural Resources Management Facility - Quỹ Quản lý nước và tài nguyên thiên nhiên) do Liên minh Châu Âu tài trợ.
Bổ sung cho Bản ghi nhớ, Tổng Giám đốc AFD Rémy Rioux cũng trao lại cho Bộ trưởng Trần Hồng Hà 2 báo cáo cuối cùng của Dự án nghiên cứu AFD GEMMES Việt Nam, gồm: “Tác động của biến đổi khí hậu ở cấp quốc gia và thích ứng – báo cáo cuối cùng” và “Báo cáo tình trạng cấp bách của đồng bằng sông Cửu Long – Chiến lược thích ứng Môi trường và khí hậu tới năm 2050”.
Hai báo cáo do các nhà nghiên cứu Pháp và Việt Nam, phối hợp cùng Viện Nghiên cứu vì sự phát triển (IRD) và Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên Môi trường) thực hiện. Trong đó đã trình bày những luận chứng khoa học vững vàng về lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào các chiến lược phát triển, góp phần vào đối thoại chính sách công với Chính phủ Việt Nam. Báo cáo cũng chỉ rõ, Chính phủ đã đặt thích ứng với biến đổi khí hậu vào vị trí trọng tâm trong chiến lược của Việt Nam.
“Với việc trao lại và công bố các báo cáo nghiên cứu này, Pháp và AFD một lần nữa khẳng định mong muốn hỗ trợ cho Chính phủ Việt Nam phát huy các chính sách thích ứng với biến đổi khí hậu. Các báo cáo này không chỉ cung cấp những thông tin hữu ích và thực tiễn cho việc quy hoạch các chính sách trong tương lai và quá trình chuyển dịch công bằng, mà còn là minh chứng cụ thể cho chất lượng của mối quan hệ đối tác Pháp – Việt” - ông Rémy Rioux nhấn mạnh.
Bên lề COP27, lễ trao Biên bản ghi nhớ Chương trình hợp tác về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) giữa Bộ TN&MT và Ngân hàng HSBC Việt Nam cũng được tổ chức.
Trước đó, tại Hội nghị COP26, ông Remy Rioux, Tổng Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đã trao tặng Bộ trưởng Trần Hồng Hà Báo cáo giữa kỳ: “Biến đổi khí hậu ở Việt Nam: Tác động và thích ứng”. Báo cáo gồm 04 phần chính: (i) Phần 1 về tác động của biến đổi khí hậu trong quá khứ, hiện tại và tương lai đề cập tới biến đổi khí hậu toàn cầu tại Việt Nam; tác động của BĐKH và thích ứng tại Việt Nam; (i) Phần 2 về các tác động của ngành (y tế, nông nghiệp/lúa gạo, năng lượng, năng suất lao động, doanh thu hộ gia đình) và các chiến lược thích ứng tương ứng (đánh giá định lượng); (iii) Phần 3 của báo cáo giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long và cách thức xây dựng chiến lược thích ứng, trong đó tập trung giới thiệu về động lực của biến đổi khí hậu và môi trường ở đồng bằng sông Cửu Long; những rủi ro xuyên biên giới của biến đổi khí hậu và cấu trúc thể chế thích ứng ở cấp khu vực; sụt lún, xâm nhập mặn và các khả năng thích ứng của địa phương; xây dựng các lộ trình thích ứng năng động thông qua mô hình dựa trên tác nhân của thay đổi sử dụng đất ở đồng bằng sông Cửu Long; (iv) Phần 4 giải quyết các khía cạnh vĩ mô của thích ứng và các tác động nêu các chiến lược thích ứng quốc gia và hành vi thích ứng của địa phương; vấn đề về tài chính thích ứng ở Việt Nam và những lộ trình khả thi; Đo lường các tác động kinh tế vĩ mô của biến đổi khí hậu và nhu cầu đầu tư cơ bản cho thích ứng. |
Tạ Nhị