Chủ nhật, 24/11/2024 03:26 (GMT+7)
Thứ tư, 09/11/2022 06:50 (GMT+7)

COP27: Liên hợp quốc công bố khởi động Sáng kiến thị trường carbon châu Phi

Theo dõi KTMT trên

Hôm qua, Liên hợp quốc đã công bố khởi động Sáng kiến thị trường carbon châu Phi (ACMI) trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27).

Sáng kiến này có mục đích mở rộng đáng kể sự tham gia của châu Phi vào các thị trường carbon tự nguyện và được đưa ra bởi một ủy ban chỉ đạo quy tụ sự tham gia của 13 thành viên bao gồm các nhà lãnh đạo châu Phi, các giám đốc điều hành và các chuyên gia tín dụng carbon.

COP27: Liên hợp quốc công bố khởi động Sáng kiến thị trường carbon châu Phi - Ảnh 1
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Sáng kiến ACMI được triển khai với sự phối hợp với Liên minh Năng lượng Toàn cầu cho Con người và Hành tinh (GEAPP), tổ chức Năng lượng Bền vững cho Tất cả (SEforALL) và Ủy ban kinh tế châu Phi thuộc Liên hợp quốc, và sự hỗ trợ của các hai nhà vận động chống biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc là Mahmoud Mohieldin và Nigel Topping.

ACMI đã công bố một tham vọng táo bạo đối với lục địa châu Phi nhằm đạt mục tiêu sản xuất hàng năm 300 triệu tín chỉ carbon vào năm 2030.

Mức sản xuất này dự kiến sẽ mang lại doanh thu 6 tỷ USD và hỗ trợ việc làm cho khoảng 30 triệu người.

Nhiều quốc gia châu Phi bao gồm Kenya, Malawi, Gabon, Nigeria và Togo đã chia sẻ cam kết hợp tác với Sáng kiến ACMI để mở rộng quy mô sản xuất tín chỉ carbon thông qua các kế hoạch kích hoạt thị trường carbon tự nguyện.

Chủ tịch Liên minh Châu Phi kêu gọi cộng đồng quốc tế thực hiện đầy đủ cam kết chống BĐKH

Ngày 7/11, Tổng thống Senegal đồng thời là Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU), ông Macky Sall, đã kêu gọi cộng đồng quốc tế thực hiện đầy đủ tất cả cam kết chống biến đổi khí hậu, ông cho rằng cam kết cung cấp hỗ trợ tài chính 100 tỷ USD mỗi năm là không đủ và cần nâng lên 200 tỷ USD.

Phát biểu tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo các nước trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27), đang diễn ra tại thành phố Sharm El-Sheikh của Ai Cập, ông Sall nhấn mạnh COP27 là cơ hội mang lại sự thay đổi lịch sử.

Ông khẳng định: Các nước châu Phi luôn ủng hộ quá trình chuyển đổi xanh công bằng, cho dù mức "đóng góp" của châu lục trong tổng lượng khí thải CO2 toàn cầu rất thấp.

Chủ tịch AU nêu rõ: Châu Phi mong muốn phối hợp và hợp tác với tất cả đối tác để đảm bảo COP27 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong nỗ lực giảm tác động của biến đổi khí hậu.

Theo ông, châu Phi đã đưa ra cam kết hành động vì khí hậu theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 và cam kết tạo dựng “Bức tường Xanh khổng lồ” - một dự án đang được thực hiện tại 11 quốc gia thuộc các khu vực Sahel và Sahara.

Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO): Châu Phi là khu vực đặc biệt dễ bị tổn thương trước các tác động của biến đổi khí hậu. Lượng phát thải ở châu Phi chỉ chiếm khoảng 4% tổng lượng phát thải toàn cầu, nhưng đây lại là khu vực chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.

Hạn hán trong 50 năm qua ở miền Nam và vùng Sừng châu Phi ngày càng trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu đã cướp đi sinh mạng của hơn 500.000 người, với thiệt hại ước lên tới 70 tỷ USD.

Hơn 1.000 trận lũ lụt trong khoảng thời gian này khiến hơn 20.000 người thiệt mạng. Khoảng 172,3 triệu người châu Phi bị ảnh hưởng do hạn hán và 43 triệu người bị ảnh hưởng lũ lụt trong giai đoạn 2010 - 2022.

Thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra tại châu Phi sẽ tiếp tục gia tăng khi Trái Đất nóng lên, đe dọa nguồn cung lương thực, kinh tế và y tế của khu vực. Các quốc đảo và quốc gia ven biển của châu Phi, với 116 triệu người sinh sống, sẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng nước biển dâng.

COP27 đang diễn ra từ ngày 6 - 18/11 tại thành phố Sharm El-Sheikh, ở Biển Đỏ của Ai Cập, trong bối cảnh có nhiều lời cảnh báo về việc suy giảm nỗ lực cắt giảm khí thải, cũng như những lời kêu gọi các nước giàu hỗ trợ nước nghèo khắc phục hậu quả của thiên tai.

An Như

Bạn đang đọc bài viết COP27: Liên hợp quốc công bố khởi động Sáng kiến thị trường carbon châu Phi. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới