Thứ năm, 28/11/2024 02:54 (GMT+7)
Thứ năm, 02/12/2021 08:32 (GMT+7)

Từ COP26 nhìn về Quy hoạch điện VIII

Theo dõi KTMT trên

Liệu Quy hoạch điện VIII (QHĐ8) có thể hiện được vai trò của mình giúp Việt Nam chứng minh được cam kết của mình và theo những thỏa thuận đạt được của COP26 và những thỏa thuận đạt được của COP26 có giúp hoàn thiện thêm quy hoạch này để trình phê duyệt?

Vì chưa được phê duyệt nên chúng tôi chỉ có thể sử dụng số liệu từ Bản thảo QHĐ8 được Bộ Công Thương đăng tải xin ý kiến rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân vào tháng 3 năm 2021 và một số thông tin báo chí về tờ trình số 6277/TTr-BCT của Bộ Công Thương gửi Thủ tướng Chính phủ Đề án Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (QHĐ8).

Có hai vấn đề lớn mà COP26 đặt ra cho QHĐ8, đó là tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo và hạn chế, giảm, tiến tới chấm dứt điện than. Vấn đề sử dụng năng lượng được chú ý và đưa vào quy hoạch với mức phát triển rất nhanh. Tất nhiên, đây là chủ trương chung của Nhà nước với chính sách ưu đãi rất có hiệu quả đối với các dự án điện sử dụng năng lượng gió và năng lượng mặt trời.

Quyết định số 39/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định mức giá bán điện ưu đãi (giá hỗ trợ - FIT) 8,5 Uscents/kWh trên đất liền và 9,8 UScent/kWh trên biển cho nhà máy điện gió đăng ký được công nhận vận hành thương mại (COD) trước ngày 01/11/2021 trong thời hạn 20 năm. Ngay sau khi Quyết định này có hiệu lực EVN đã nhận được 106 hồ sơ đăng ký của 106 nhà đầu tư điện gió với tổng công suất 5755,5 MW nhưng đến ngày 31/10/2021 chỉ có 69 nhà máy điện gió (chiếm 65% trên tổng số dự án đăng ký) với tổng công suất 3.298,95 MW đã được công nhận COD.

Nếu bao gồm cả 15 nhà máy điện gió đã được công nhận COD và vận hành từ trước đây, thì trong hệ thống điện quốc gia đã có tổng cộng 84 nhà máy điện gió với tổng công suất gần 4.000 MW được công nhận COD.

Theo một bài viết trên trang mạng của EVN ngày 03/3/2021, với các cơ chế khuyến khích (Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 và Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ), điện mặt trời đã có sự phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Tính đến cuối năm 2020, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời trên cả nước đã đạt khoảng 19.400 MWp (tương đương 16.500 MW), chiếm khoảng 25% tổng công suất lắp đặt nguồn điện của hệ thống điện Quốc gia.

Đây là những dấu hiệu cho thấy khả năng phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời, trong QHĐ8 với mục tiêu đạt công suất nguồn năng lượng tái tạo ngoài thủy điện (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối,...) 29.618-31.418MW, chiếm tỷ lệ 28,9-29,8% năm 2025; 31.380-37.030MW chiếm tỷ lệ 24,3-25,7% năm 2030; 104.900-137.610 MW chiếm tỷ lệ 40,1-41,7% năm 2045.

Trong QHĐ8, nhiệt điện than và nhiệt điện khí vẫn được phát triển, theo đó công suất nhiệt điện than năm 2025 sẽ là 29.679 MW chiếm tỷ lệ 28,2 - 28,9%; nhiệt điện khí (tính cả LNG) 14.117 MW chiếm tỷ lệ 13,4 - 13,7% ; đến 2030 nhiệt điện than tăng lên nhiều, đạt 40.899 MW chiếm tỷ lệ 28,4 - 31,4%; nhiệt điện khí (tính cả LNG) 27.471 - 32.271 MW chiếm tỷ lệ 21,1-22,4%; đến năm 2045 nhiệt điện than vẫn tăng, đạt 50.949 MW chiếm tỷ lệ 15,4 - 19,4%; nhiệt điện khí (tính cả LNG) 61.683 - 88.533 MW chiếm tỷ lệ 23,5 - 26,9%  [3].

Như vậy giai đoạn 2020 đến 2045 công suất điện than tiếp tục tăng thêm, theo quy hoạch thì giai đoạn 2025 đến 2030 có mức tăng lớn, cỡ trên dưới 2,000 MW một năm. Mức tăng công suất điện than giai đoạn 2030-2045 giảm hẳn chỉ còn khoảng 600-700 MW một năm. Điện khí (tính cả LNG), theo QHĐ8 có mức tăng nhiều hơn suốt giai đoạn 2025-2045, khoảng 2.300 đến 2.500 MW một năm.

Theo một số nghiên cứu gần đây thì điện khí, đặc biệt là khí LNG vẫn phát thải khí nhà kính ở mức cao và nếu tính cả vòng đời, từ khai thác, vận chuyển, chế biến cho đến khi đốt thì mức phát thảỉ khí nhà kính tính trên 1kWh điện cũng khá lớn.

Liệu sự phát triển này có vi phạm hay đi ngược thỏa thuận COP26 không và chúng ta phát triển điện than có gặp cản trở gì không vẫn cần được xem xét. Nếu theo mong muốn của nhiều chuyên gia trong đó có cả Chủ tịch COP26 thì cần quy định thời hạn hoặc xóa bỏ dần (điện) than nhưng do có ý kiến của một số quốc gia thì COP26 chỉ giảm dần than nên nhìn chung QHĐ8 không đi ngược thỏa thuận COP26. Tuy nhiên, thời gian tới, cả than và khí đốt chúng ta phải nhập khẩu nên rất có thể phải chịu quy định ngặt nghèo, chẳng hạn phải chỉ rõ than, khí thuộc loại "không suy giảm".

Vì vậy, Việt Nam sẽ rất bị động trong việc nhập khẩu hai loại nhiên liệu này. Hơn nữa, nhiều tổ chức tài chính hiện nay có chính sách hạn chế hoặc không cho vay để xây dựng, phát triển các nhà máy điện than cũng phải tính đến khi thực hiện QHĐ8.

Để thực hiện an ninh năng lượng, QHĐ8 phải đảm bảo công suất, sản lượng điện liên tục tăng cao phục vụ phát triển kinh tế, nâng cao mức sống cho nhân dân và như Thủ tướng Chính phủ đã từng nhấn mạnh: "Bảo đảm phù hợp với thực tiễn, đặt lợi ích quốc gia và dân tộc lên trên hết, trước hết, đặc biệt chú ý đến chống tiêu cực trong xây dựng chính sách, ai vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước". Đây là nhiệm vụ nặng nề nhưng phải hoàn thành của EVN và của tất cả hệ thống kinh tế, chính trị Việt Nam với sự đồng thuận và đồng hành của mọi tầng lớp nhân dân.

Từ COP26 nhìn về Quy hoạch điện VIII - Ảnh 1
Mức thải khí nhà kính của Việt Nam sẽ tăng lên nhưng mức tăng có thể kiểm soát nếu ngay từ đầu. (Ảnh minh họa)

Chắc chắn, khi thực hiện QHĐ8, với nhiều nhà máy nhiệt điện than, khí hoạt động, mức thải khí nhà kính của Việt Nam sẽ tăng lên nhưng mức tăng có thể kiểm soát nếu ngay từ đầu có những giải pháp giảm thiểu phát thải. Mặt khác, để đạt được mục tiêu “net zero” vào 2050, Việt Nam phải bắt đầu từ việc kiểm đếm, dự báo, kiểm soát mức phát thải khí nhà kính đồng thời xem xét, tính toán mức “lưu giữ” carbon của mình, đặc biệt là trong thảm rừng và có kế hoạch tăng mức này bằng cách tăng diện tích, tăng sinh khối rừng, tăng lớp phủ thực vật, kể cả việc trồng cây phân tán ở mọi nơi có thể trồng như Bác Hồ đã phát động Tết trồng cây hàng năm.

Trên phạm vi toàn cầu, các nhà khoa học đã ước tính được “ngân sách carbon toàn cầu - global carbon budget”, xây dựng được chu trình carbon với các dòng carbon trao đổi giữa khí quyển và các lớp bề mặt (tính cả hoạt động của con người). Nghiên cứu được rất nhiều nhà khoa học tham gia đã tính được các dòng này và ngân sách carbon cho từng năm trên phạm vi toàn cầu, sẽ được trích lược dưới đây.

Đánh giá chính xác lượng phát thải carbon dioxide (CO2) do con người gây ra và sự phân bổ lại chúng giữa bầu khí quyển, đại dương và sinh quyển trên cạn - “ngân sách carbon toàn cầu” - là điều quan trọng để hiểu rõ hơn về chu trình carbon toàn cầu, hỗ trợ phát triển các chính sách ứng phó với BĐKH.

Phát thải CO2 từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch (EFF) dựa trên số liệu thống kê năng lượng và dữ liệu sản xuất xi măng, trong khi phát thải do thay đổi sử dụng đất (ELUC), chủ yếu là phá rừng, dựa trên dữ liệu sử dụng đất và thay đổi sử dụng đất và các mô hình kế toán. Nồng độ CO2 trong khí quyển được đo trực tiếp và tốc độ tăng trưởng của nó (GATM) được tính toán từ những thay đổi hàng năm về nồng độ. Lượng CO2 nhấn chìm trong đại dương (SOCEAN) và CO2 trên cạn (SLAND) được ước tính với các mô hình toàn cầu.

Kết quả là, sự mất cân bằng ngân sách carbon (BIM), được đo bằng sự khác biệt giữa tổng lượng phát thải và những thay đổi trong khí quyển, đại dương và sinh quyển trên cạn. Mức độ không đảm bảo được lấy là ± 1σ. Trong khoảng một thập kỷ (2009-2018), các giá trị tính được có giá trị: EFF 9,5 ± 0,5 GtC/năm, ELUC 1,5 ± 0,7 GtC/năm, GATM 4,9 ± 0,02 GtC/năm (2,3 ± 0,01 ppm/năm), SOCEAN 2,5 ± 0,6 GtC/năm và SLAND 3,2 ± 0,6 GtC/năm, với BIM mất cân bằng ngân sách là 0,4 GtC/năm cho thấy mức phát thải khí nhà kính cao hơn.

Chỉ tính riêng trong năm 2018, tăng trưởng trong EFF là khoảng 2,1% và phát thải từ nhiên liệu hóa thạch tăng lên 10,0 ± 0,5 GtC/năm, đạt 10 GtC năm lần đầu tiên trong lịch sử, ELUC là 1,5 ± 0,7 GtC/năm, tổng lượng phát thải CO2 do con người gây ra là 11,5 ± 0,9 GtC/năm (42,5 ± 3,3 GtCO2). Cũng trong năm 2018, GATM là 5,1 ± 0,2 GtC/năm (2,4 ± 0,1 ppm/năm), SOCEAN là 2,6 ± 0,6 GtC/năm và SLAND là 3,5 ± 0,7 GtC/năm, với BIM là 0,3 GtC/năm. Nồng độ CO2 trong khí quyển toàn cầu đạt mức trung bình 407,38 ± 0,1 ppm trong năm 2018.

Đây là cách tính và giá trị tính được cho phạm vi toàn cầu, vậy đã có cách tính “ngân sách carbon” cho từng quốc gia chưa là câu hỏi mà các nhà khoa học Việt Nam phải nghiên cứu, nắm bắt (nếu có) để tính cho Việt Nam, nhằm kiểm tra mức phát thải ròng của mình, góp phần đánh giá hiệu quả hoạt động giảm phát thải, tiến tới Net Zero vào năm 2050.  

Thực hiện QHĐ8 là cả một quá trình và trong thời gian thực hiện phải có sự kiểm soát, trong đó có kiểm soát phát thải khí nhà kính, phải tìm cách thức giảm phát thải theo các phương pháp tiên tiến nhất để có thể đáp ứng cam kết theo COP26. Mặt khác, các ngành có mức phát thải khí nhà kính cao như giao thông cũng phải tích cực áp dụng nhiều giải pháp để giảm đến mức thấp nhất có thể, góp phần giảm tổng mức phát thải quốc gia.

Và chúng ta, mỗi người dân cũng phải phát huy vai trò giám sát của mình và tự mình cũng phải thực hành tiết kiệm để giảm phát thải khí nhà kính, góp phần đạt được cam kết của Việt Nam trong COP26.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ

Trưởng ban Khoa học VIASEE

Bạn đang đọc bài viết Từ COP26 nhìn về Quy hoạch điện VIII. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Về mái trường xưa
Dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, ngôi trường tiểu học quê tôi cũng tổ chức kỷ niệm 70 năm thành lập với bao xúc cảm của cậu học trò năm xưa nay tóc đã điểm bạc.

Tin mới