COP28: Hơn 110 quốc gia đồng ý tăng gấp 3 sản lượng năng lượng tái tạo
Trong khuôn khổ của COP28, đã có hơn 110 quốc gia tán thành thông qua mục tiêu tăng gấp 3 sản lượng năng lượng tái tạo và tăng gấp đôi hiệu quả sử dụng năng lượng trên toàn thế giới vào năm 2030.
Liên minh châu Âu (EU) lần đầu tiên kêu gọi cộng đồng quốc tế và các nước thông qua mục tiêu này vào hồi đầu năm nay. Sau đó Liên minh Châu Mỹ, chủ nhà COP28 và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và đang nổi hàng đầu thế giới (G20) đều lên tiếng ủng hộ cao kết. Theo đó tăng sản lượng năng lượng tái tạo nhằm giảm lượng khí thải.
Các báo cáo hiện nay cho thấy chỉ riêng các quốc gia G20 đã "đóng góp" gần 80% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho rằng đã đến lúc đưa những mục tiêu này vào COP. Đó sẽ là thông điệp mạnh mẽ tới nhà đầu tư cũng như người tiêu dùng trên toàn thế giới.
Việc đưa thỏa thuận này vào quyết định cuối cùng của COP28 đòi hỏi sự đồng thuận của gần 200 quốc gia có mặt. Trung Quốc và Ấn Độ đã phát tín hiệu ủng hộ việc tăng gấp 3 lần năng lượng tái tạo toàn cầu vào năm 2030, tuy nhiên cả hai đều chưa chính thức xác nhận.
Liệu các chính phủ và doanh nghiệp có huy động được những khoản đầu tư khổng lồ cần thiết để đạt được mục tiêu hay không vẫn là một câu hỏi còn đang để ngỏ. Việc triển khai năng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và năng lượng gió đã tăng mạnh trên toàn cầu trong nhiều năm. Chi phí gia tăng, hạn chế về lao động và các vấn đề về chuỗi cung ứng đã khiến nhiều dự án bị trì hoãn gây thiệt hại hàng tỷ USD.
Theo một phân tích của tổ chức nghiên cứu Ember, việc tăng gấp ba nguồn năng lượng sạch như gió và mặt trời, đồng thời tăng gấp đôi mức tiết kiệm năng lượng sẽ giúp cắt giảm 85% mức sử dụng nhiên liệu hóa thạch cần thiết trong thập kỷ này để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu toàn cầu.
Báo cáo mới nhất cho thấy từ năm 2015 - 2022, sản lượng năng lượng tái tạo của toàn cầu tăng trung bình 11% mỗi năm. Trong bối cảnh giá dầu tăng vọt và tình trạng mất an ninh năng lượng, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) nhận định mức tăng trưởng vào khoảng 30% năm 2023.
Nhật Hạ