Chủ nhật, 24/11/2024 08:41 (GMT+7)
Chủ nhật, 10/10/2021 06:30 (GMT+7)

Cuộc hợp lực của các nước lớn chống biến đổi khí hậu

Theo dõi KTMT trên

Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về khí hậu John Kerry công du Nhật Bản và Trung Quốc, trọng tâm là thúc đẩy hợp tác các nước lớn ứng phó biến đổi khí hậu.

Những vấn đề toàn cầu thì cần các giải pháp toàn cầu. Tuy nhiên, cho đến nay, các nước vẫn loay hoay trong việc nỗ lực chung ứng phó với biến đổi khí hậu. Lộ trình cắt giảm khí thải vẫn còn nhiều điểm khác nhau. Nếu nhiều nước xác định trung hòa khí carbon vào năm 2050 thì Trung Quốc, nước xả thải hàng đầu thế giới, xác định mục tiêu này vào năm 2060.
Ông John Kerry - Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về khí hậu nói: "Thách thức về biến đổi khí hậu cũng lớn như bất kỳ thách thức toàn cầu nào mà chúng ta phải đối mặt. Và Trung Quốc, bạn của tôi, đóng một vai trò cực kỳ quan trọng".
Trước đó, tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu do Mỹ tổ chức vào tháng 4, hợp tác toàn cầu, nhất là vai trò các nước phát thải nhiều nhất, đã liên tiếp được nhấn mạnh.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres phát biểu: "Các nhà lãnh đạo ở mọi nơi phải hành động. Thứ nhất, bằng cách xây dựng một liên minh toàn cầu về không phát thải carbon vào giữa thế kỉ này. Thứ 2, bằng cách biến đây trở thành một thập kỉ biến đổi. Tất cả các quốc gia - bắt đầu với các nước phát thải lớn - nên đệ trình các đóng góp mới và tham vọng hơn do quốc gia quyết định để giảm thiểu, thích ứng và tài chính, đưa ra các hành động và chính sách trong 10 năm tới phù hợp với lộ trình không phát thải khí carbon vào năm 2050. Thứ 3, chúng ta cần chuyển những cam kết đó thành hành động cụ thể, ngay lập tức".
Trước những hậu quả ngày càng nặng nề của biến đổi khí hậu, các quốc gia trên thế giới đã và đang tìm kiếm những biện pháp khắc phục. Nhật Bản, một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu được nhận định nên đóng vai trò chủ động hơn trong các cuộc thảo luận quốc tế bằng cách đưa ra các kế hoạch mang tính tham vọng để cắt giảm lượng khí thải. Mục tiêu của Nhật Bản càng gặp nhiều áp lực hơn sau thời điểm khí thải carbon dioxide tăng cao từ sự cố nhà máy điện Fukushima I. Trận động đất, sóng thần và sự cố hạt nhân năm 2011 đã làm thay đổi đáng kể hiện trạng năng lượng của Nhật Bản. Mặc dù phải đối mặt với những thách thức to lớn, quốc gia này đã đạt được hiệu quả năng lượng cao nhất thế giới và tiếp tục theo đuổi các biện pháp cắt giảm khí thải.
Cuộc hợp lực của các nước lớn chống biến đổi khí hậu - Ảnh 1
Biến đổi khí hậu không bỏ lại bất cứ quốc gia nào. (Ảnh minh họa)
Nhật Bản hiện đã đặt ra mục tiêu quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính sau năm 2020, cụ thể là giảm 26% lượng phát thải vào năm 2030. Tín hiệu này cho thấy tham vọng dẫn đầu về giảm phát thải trên toàn cầu của Nhật Bản.
Chính phủ Nhật Bản cũng đã tổng hợp các biện pháp cụ thể cùng các công nghệ tiên tiến. Mức tiêu thụ năng lượng tính trên một đơn vị GDP của Nhật Bản hiện thấp hơn khoảng 30% so với mức trung bình của các quốc gia G7 khác. Quốc gia này đặt ra mục tiêu cải thiện khoảng 40% tỉ lệ phát thải khí nhà kính trên GDP cho tới năm 2030. Nhật Bản cũng dự định đẩy nhanh việc đưa năng lượng tái tạo vào sử dụng, tăng 7 lần lượng điện năng từ năng lượng mặt trời và tăng 4 lần điện năng được sản xuất từ gió và địa nhiệt.
Các nước cũng có những chuyển đổi khác nhau về năng lượng trong bối cảnh các mục tiêu trung hòa khí thải đang đến gần; Tuy nhiên, Nhật Bản hiện là quốc gia duy nhất trong nhóm các nền kinh tế phát triển vẫn tiếp tục xây dựng các nhà máy nhiệt điện chạy than. Và như Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đã nói, Mẹ Thiên nhiên thì không thể chờ đợi. Con người vẫn đang ngày càng hứng chịu các thảm họa tự nhiên với tần suất nhiều hơn, nặng nề hơn; Các nỗ lực toàn cầu vì thế đòi hỏi phải nhanh hơn, quyết liệt hơn.
Bà Christiana Figueres - Đối tác sáng lập tổ chức Global Optimism cho rằng: "Chúng ta có thể thực hiện được mọi thứ nhằm tránh những tác động theo cấp số nhân của biến đổi khí hậu, nhưng điều đó phụ thuộc vào các giải pháp được thực hiện nhanh hơn theo cấp số nhân".
Nhiều tác động từ biến đổi khí hậu là không thể đảo ngược, nhưng một tương lai phía trước vẫn có thể được đảm bảo. Các nhà hoạt động khí hậu đang kêu gọi các nhà hoạch định chính sách cần xem xét biến đổi khí hậu như một cuộc khủng hoảng thực sự để tìm cách giải quyết gốc rễ vấn đề. Nâng cao nhận thức, thay đổi chính sách, áp dụng khoa học công nghệ, biến cam kết thành hành động là điều mà các quốc gia cần khẩn trương thực hiện để thích ứng biến đổi khí hậu. Và Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu COP 26 vào tháng 11 đang được chờ đợi sẽ đưa ra câu trả lời cho vấn đề này.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Cuộc hợp lực của các nước lớn chống biến đổi khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dự kiến có 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, bao gồm các phương pháp quan trắc, phân tích môi trường không khí, nước, đất và trầm tích...

Tin mới