Chủ nhật, 24/11/2024 05:04 (GMT+7)
Thứ tư, 24/05/2023 19:00 (GMT+7)

Đa dạng sinh học và mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam (Bài 2)

Theo dõi KTMT trên

PGS.TS Lê Xuân Cảnh – nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật khẳng định, nhiều quốc gia trên thế giới đã phát triển đa dạng sinh học trong khu công nghiệp và gặt hái được nhiều thành công.

Đa dạng sinh học và mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam (Bài 2) - Ảnh 1

PGS.TS Lê Xuân Cảnh – nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) là một trong số ít những nhà khoa học luôn trăn trở về đa dạng sinh học. Đồng thời, ông cũng là người có những nghiên cứu sâu sắc và tâm huyết với vấn đề đánh giá tác động đa dạng sinh học trong ĐTM.

Đa dạng sinh học và mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam (Bài 2) - Ảnh 2

Phóng viên:Thưa PGS.TS Lê Xuân Cảnh, việc đánh giá tác động đa dạng sinh học trong ĐTM có ý nghĩa như thế nào đối với mục tiêu phát triển bền vững của nền kinh tế? Ông đánh giá như thế nào về việc thực hiện đánh giá tác động đa dạng sinh học trong ĐTM tại Việt Nam hiện nay?.

PGS.TS Lê Xuân Cảnh: Nói về đánh giá tác động đa dạng sinh học trong ĐTM ta cần tìm hiểu một cách cặn kẽ. Từ trước đến nay ở Việt Nam, đối với những dự án có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến môi trường, chúng ta vẫn có quy định là lập ĐTM. Trong ĐTM có một hợp phần là đánh giá tác động đa dạng sinh học.

Trước đây, đánh giá tác động đa dạng sinh học trong ĐTM chưa được thực sự chú trọng. Tuy nhiên, từ khi có Luật Đa dạng sinh học sửa đổi ra đời (2018), chúng ta bắt đầu chú trọng đến việc bảo tồn, phát triển, gìn giữ giá trị đa dạng sinh học. Từ đó bắt đầu đưa thêm một số yêu cầu trong đánh giá tác động sinh học trong khuôn khổ ĐTM, coi đánh giá tác động đa dạng sinh học là một phần không thể thiếu của ĐTM.

Kể từ khi có văn bản quy phạm pháp luật khá hoản chỉnh cho đến thời điểm hiện tại, việc bảo tồn và phát triển tài nguyên đa dạng sinh học thực sự được chú trọng. Đây là điều hết sức quan trọng, nó có ý nghĩa không chỉ với Việt Nam mà còn có ý nghĩa với cả thế giới. Bởi lẽ, đa dạng sinh học ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của con người.

Việt Nam được coi là một trong những nước “giàu có” về đa dạng sinh học. Nếu chúng ta không giữ, không bảo tồn thì con cháu chúng ta sẽ rất thiệt thòi. Việc khai thác và sử dụng tài nguyên một cách bừa bãi trong quá khứ đã khiến nhiều loài sinh vật bị tuyệt chủng, nhiều khu đa dạng sinh học tốt bị phá hủy, khó có thể phục hồi.

Phát triển bền vững là xu thế tất yếu, là mục tiêu phát triển của hầu hết các quốc gia. Do đó, cần có sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo tồn đa dạng sinh học, đánh giá tác động đa dạng sinh học trong ĐTM phải được chú trọng. Chúng ta ủng hộ dự án phát triển nhưng phải hài hòa và bảo tồn được đa dạng sinh học, phải tìm ra những yếu tố nào trong dự án phát triển ảnh hưởng đến đa dạng sinh học tại khu vực triển khai dự án. Từ đó, đánh giá mức độ và trong trường hợp cần thiết phải tìm cách để bồi hoàn đa dạng sinh học (trả lại đa dạng sinh học đối với khu vực triển khai dự án). Trong trạng thái bình thường, chúng ta sẽ phòng tránh, giảm thiểu và có thể bồi thường, đảm bảo hoạt động của dự án ít ảnh hưởng nhất đến đa dạng sinh học.

Hợp phần đa dạng sinh học rất nhạy cảm, có những hợp phần mất đi thì không bao giờ chúng ta có lại được. Ví dụ đơn giản như loài tê giác của Việt Nam đã tuyệt chủng vào năm 2011. Trong thời gian tới, nếu chúng ta làm tốt việc đánh giá tác động đa dạng sinh học trong ĐTM thì sẽ đảm bảo được sự phong phú trong đa dạng sinh học, đảm bảo được mục tiêu phát triển bền vững của nền kinh tế. Dự án phát triển chúng ta vẫn ưu tiên, nhưng cần có sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.

Thực tế, trong những dự án gần đây nhất mà tôi tham gia vào hội đồng đánh giá ĐTM thì hợp phần đa dạng sinh học đã được chú ý rất nhiều. Dự án nào ảnh hưởng lớn đến đa dạng sinh học thì có thể không cho triển khai dự án đó. Ví dụ như dự án làm đường nối Bình Phước – Long Thành có đi qua khu sự trữ sinh quyển, lập tức các chuyên gia đã phản đối, buộc chủ đầu tư phải tìm ra phương án khác, khả thi hơn.

Đa dạng sinh học và mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam (Bài 2) - Ảnh 3

Phóng viên:Có thể thấy, việc đánh giá tác động đa dạng sinh học trong ĐTM tại Việt Nam đang ngày càng được chú trọng. Theo ông, chúng ta cần làm gì để việc đánh giá tác động đa dạng sinh học trong ĐTM tại các dự án được triển khai một cách nghiêm túc, đồng bộ và hiệu quả?.

PGS.TS Lê Xuân Cảnh: Như tôi đã nói ở trên, đánh giá tác động đa dạng sinh học trong ĐTM tại Việt Nam vẫn tiến hành song song với công tác đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, việc đánh giá tác động đa dạng sinh học trong ĐTM có nhiều khó khăn nhất định vì có nhiều vấn đề liên quan đến phát triển và bảo tồn. Giữa hai vấn đề này vẫn có điểm “xung đột”, vậy làm sao để hài hòa giữa phát triển và bảo tồn?

Đa dạng sinh học và mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam (Bài 2) - Ảnh 4

Thực ra, đánh giá tác động đa dạng sinh học chỉ là một hợp phần trong đánh giá tác động môi trường. Mà theo thông lệ, vì chỉ là hợp phần nên cũng không yêu cầu quá nhiều, quá chi tiết. Thế nhưng, về mặt chuyên môn, chúng ta cần thực hiện thành một mảng tương đối riêng, thể hiện được giá trị của đa dạng sinh học và làm sao dự án phát triển không ảnh hưởng đến đa dạng sinh học.

Chính vì vậy, nếu muốn triển khai tốt đánh giá tác động đa dạng sinh học trong ĐTM cần có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý, đây là điều quan trọng nhất. Ví dụ, từ trước đến nay chúng ta chưa có một văn bản chính thức nào ban hành về đánh giá tác động đa dạng sinh học trong ĐTM. Chỉ có một hướng dẫn về đánh giá tác động đa dạng sinh học trong ĐTM – mà chính tôi cũng là tác giả cùng với các chuyên gia quốc tế viết cho Tổng cục môi trường năm 2015. Hướng dẫn đấy có thể có những đơn vị tư vấn, cơ quan quản lý sử dụng và áp dụng, tuy nhiên có những trường hợp họ cũng không sử dụng vì hướng dẫn này không bắt buộc. Trong trường hợp hướng dẫn này được thay thế bởi các văn bản khác như thông tư, nghị định thì hiệu quả thực hiện sẽ cao hơn rất nhiều. Chủ đầu tư các dự án phải tuyệt đối tuân thủ yêu cầu của pháp luật.

Chúng ta vẫn thực hiện theo những gì mà từ trước đến nay đã làm – tức là đánh giá tác động đa dạng sinh học là một hợp phần trong ĐTM. Tỷ trọng của đánh giá tác động đa dạng sinh học trong báo cáo ĐTM không được vượt quá khuôn khổ, hơn nữa chuyên gia được đào tạo bài bản về đánh giá tác động đa dạng sinh học trong ĐTM cho đến nay hầu như rất ít, rất hiếm. Trong một số cơ quan tư vấn, thành phần tham gia ít có những người được đào tạo bài bản trong đánh giá tác động đa dạng sinh học, nên nhiều khi tôi cũng phải yêu cầu người ta làm lại, viết lại hợp phần này trong ĐTM.

Nhìn rộng ra một chút, việc cắt nghĩa về đa dạng sinh học hiện tại cũng chưa được hiểu đúng theo nghĩa chuẩn. Khái niệm đa dạng sinh học rất rộng. Đa dạng sinh học trong khu công nghiệp sinh thái chẳng hạn, trong khu công nghiệp sinh thái đấy hiểu đa dạng sinh học là như thế nào? Đa dạng sinh học có 3 cấp độ: cấp độ gen, cấp độ loài, cấp độ hệ sinh thái. Nên nhiều khi chỉ tác động vào một hệ sinh thái nào đấy thì người ta cũng coi đó là khu công nghiệp sinh thái. Chính vì vậy, trong khái niệm về khu công nghiệp sinh thái có 8 tiêu chí cũng rõ ràng để triển khai và được công nhận là một khu công nghiệp sinh thái. Mô hình này cũng là cái mà chúng ta hướng tới – sự kết hợp hài hòa giữa phát triển và bảo tồn.

Tóm lại, nếu chúng ta có những văn bản mang tính chất pháp lý cao liên quan đến đánh giá đa dạng sinh học trong ĐTM thì các chủ đầu tư buộc phải thực hiện một cách nghiêm túc. Cùng với đó, cần thiết phải có những cơ quan tư vấn, hội đồng tư vấn chất lượng, quy tụ các chuyên gia đầu ngành, được đào tạo bài bản, để có thể đánh giá một cách khách quan, chính xác về đa dạng sinh học trong ĐTM.

Đa dạng sinh học và mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam (Bài 2) - Ảnh 5

Phóng viên:Bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học song song với phát triển kinh tế xã hội là một nhiệm vụ rất quan trọng để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Gần đây, một số khu công nghiệp đã triển khai việc phát triển đa dạng sinh học trong môi trường công nghiệp, tiêu biểu như KCN Nam Cầu Kiền - Hải Phòng.  Ông đánh giá như thế nào về việc phát triển đa dạng sinh học trong môi trường công nghiệp ở Việt Nam. Theo ông, việc phát triển đa dạng sinh học trong môi trường công nghiệp ở nước ta có những thuận lợi và khó khăn gì?.

PGS.TS Lê Xuân Cảnh: Hiện nhiều quốc gia trên thế giới đã phát triển đa dạng sinh học trong khu công nghiệp và gặt hái được nhiều thành công. Đây là xu hướng chung, và Việt Nam không phải là ngoại lệ, nếu bắt kịp chúng ta sẽ có được những lợi thế nhất định (nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo phát triển bền vững…).

 Chính vì vậy, tôi cho rằng những khu công nghiệp tại Việt Nam muốn phát triển tốt thì nên xây dựng các tiêu chí để được công nhận là khu công nghiệp sinh thái. Một khi được công nhận là khu công nghiệp sinh thái sẽ trở thành những người đi đầu, nhận được nhiều cơ hội phát triển, được các chuyên gia quốc tế và nhà đầu tư chú ý, xem xét hợp tác phát triển…

Đa dạng sinh học và mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam (Bài 2) - Ảnh 6

Việc phát triển đa dạng sinh học trong môi trường công nghiệp tại Việt Nam có những thuận lợi và khó khăn riêng. Thuận lợi lớn nhất có thể kể đến là nước ta đang trong giai đoạn phát triển nên việc thành lập các khu công nghiệp không khó (tài nguyên, pháp lý...). Ngoài ra, đa dạng sinh học của Việt Nam rất phong phú, vì thế việc lồng ghép hệ sinh thái vào khu công nghiệp theo tiêu chuẩn chung không khó.

Tuy nhiên, phát triển đa dạng sinh học trong môi trường công nghiệp tại Việt Nam cũng có những khó khăn nhất định. Khó khăn đầu tiên là diện tích khu công nghiệp phải đủ rộng, nếu nhỏ hẹp thì không đủ tạo thành một hệ sinh thái nhỏ, không được công nhận là khu công nghiệp sinh thái. Bên cạnh đó là một số rào cản về chính sách, công nghệ, tài chính, thông tin và cơ chế kết nối chặt chẽ giữa các cơ quan trong nước và các tổ chức quốc tế.

Xin chân thành cảm ơn PGS.TS Lê Xuân Cảnh!

(Còn nữa)

Nội dung: Hải Đăng
Đồ họa: Trường Vũ

Bạn đang đọc bài viết Đa dạng sinh học và mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam (Bài 2). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới