Chủ nhật, 24/11/2024 10:25 (GMT+7)
Thứ hai, 23/11/2020 15:59 (GMT+7)

Đá vỉa hè độ bền 70 năm nhưng mới 3 năm đã nứt vỡ

Theo dõi KTMT trên

Dù được giới thiệu có độ bền lên tới 70 năm nhưng chỉ sau 1-2 năm sử dụng, nhiều tuyến đường phố của Hà Nội đã xuất hiện tình trạng xuống cấp, nhan nhản vết nứt vỡ, có chỗ các viên đá lát bung ra khiến vỉa hè lồi lõm, lởm chởm.

Năm 2016, TP.Hà Nội ban hành quy định mới về cải tạo hè phố, đặt mục tiêu đến năm 2020, vỉa hè của hơn 900 tuyến đường tại 12 quận nội thành được thay thế từ gạch truyền thống sang đá tự nhiên có kết cấu bền vững với tuổi thọ lên đến 70 năm.

Từ năm 2017 đến nay, nhiều quận nội thành Hà Nội đã "ồ ạt" cải tạo hè phố, trong đó sử dụng lát đá tự nhiên đúng như mục tiêu trên.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, tại một số tuyến đường đã ghi nhận tình trạng xuống cấp, nhan nhản vết nứt vỡ, có chỗ các viên đá lát bung ra khiến vỉa hè lồi lõm, lởm chởm.

Đá vỉa hè độ bền 70 năm nhưng mới 3 năm đã nứt vỡ - Ảnh 1
Vỉa hè lát đá có độ bền 70 năm bị bong tróc, nứt tóac chỉ sau 2 năm sử dụng. Ảnh: P.Đông

Cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan

Trao đổi với VTC News, trước thực trạng này, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, cần phải xem xét trách nhiệm của cơ quan quản lý, cụ thể là Sở Xây dựng Hà Nội.

"Sở Xây dựng Hà Nội là đơn vị liên quan chính, là cơ quan quản lý cần phải chịu trách nhiệm trước thành phố về toàn bộ công tác giám sát, thi công lát đá vỉa hè", ông Nghiêm nói.

Ngoài ra, theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, việc đá lát vỉa hè vừa sử dụng đã hư hỏng còn có trách nhiệm của các đơn vị thi công.

"TP.Hà Nội đã có chỉ định thầu giao các công ty, đây là những dự án giao khoán, cho nên các công ty thi công, công ty nhận thầu cũng phải chịu trách nhiệm", ông Nghiêm cho biết thêm.

Cũng theo ông Nghiêm, các công ty vật liệu xây dựng phải chịu trách nhiệm về chất lượng đá. Đá được đóng theo kiện, tuy nhiên khi được giao đá để lát vỉa hè, các công ty vật liệu xây dựng cũng cần phải kiểm tra chứ không chỉ đếm theo kiện.

Vị chuyên gia này nhận định còn có trách nhiệm quản lý của các cấp phường, quận, huyện trong việc tổ chức giám sát, có thể do không tổ chức giám sát quá trình thi công nên mới dẫn đến tình trạng như hiện nay.

Nguyên nhân do đâu?

Nhận định về chủ trương "thay áo" vỉa hè Hà Nội bằng đá tự nhiên, KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, chủ trương hoàn thiện để tạo ra sự bền vững của các vỉa hè là một yêu cầu mà nhiều đô thị rất quan tâm. Trong nhiều năm nay, TP.Hà Nội thay đổi rất nhiều vật liệu để lát vỉa hè, từ vật liệu gạch thiên nhiên cho đến các gạch lục giác, gạch con thoi, gạch xây chèn… nhưng đều không đảm bảo về tuổi thọ.

"Hà Nội có chủ trương xây dựng lát vỉa hè bằng đá có tuổi thọ khoảng 50-70 năm. Đây là chủ trương đúng nhưng trong thực tiễn chúng ta thấy không phải nó ổn định như thiết kế mong muốn, nhiều khu vực đã bắt đầu có rạn nứt và có những dấu hiệu không bền vững, sắp phải thay thế lần nữa", ông Nghiêm nói.

KTS Đào Ngọc Nghiêm chỉ ra 4 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đá vỉa hè mới đưa vào sử dụng đã vỡ nát, xô lệch như: thiết kế còn mang hình mẫu chung, không phù hợp với từng tuyến phố; chất lượng lớp nền không đảm bảo; chưa phân loại để đảm bảo lối ra vào của nhà ở khác với công trình công cộng, thương mại, trụ sở cơ quan và chất lượng đá tại một số khu vực không đảm bảo.

Mặc dù đá được giới thiệu là tự nhiên, chất lượng ổn định, bền vững khoảng 50-70 năm nhưng theo ông Nghiêm, thực chất có những viên có chất liệu tốt, có những viên chưa đảm bảo chất lượng, khi tạo ra đã có vết nứt sẵn, gây nên hiện tượng không đồng đều, vì vậy cần phải nghiệm thu chặt chẽ.

Theo ông, giải pháp xử lý tốt nhất bây giờ là những viên đá nứt đôi hoặc mất góc thì phải tìm hiểu nguyên nhân do chất lượng đá hay lý do khác. Những khu vực đá bập bênh, nhất là chỗ các trường học thì phải xem lớp nền bê tông có đảm bảo hay không. Sau khi lát đá không có thời gian bảo dưỡng nên mới xảy ra hiện tượng đó.

Ông Nghiêm cũng cho rằng cần phải đẩy mạnh vai trò của người dân giám sát thông qua các ban công tác mặt trận khi thi công, nghiệm thu và quản lý vỉa hè.

Hàng loạt sai phạm dự án lát đá vỉa hè

Đầu năm 2018, Thanh tra TP.Hà Nội đã chỉ ra nhiều tồn tại, sai phạm liên quan tới việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng lát đá vỉa hè các tuyến phố trên địa bàn một số quận Hà Nội. Đơn cử như: Thiết kế mẫu hè đường còn tồn tại các loại đá dùng trong bê tông lót nền hè không thống nhất; chưa làm đồng bộ hạ ngầm các công trình hạ tầng kỹ thuật khi cải tạo lát đá hè như Q. Ba Đình, Q. Hà Đông; Sai phạm khi triển khai các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, cải tạo các tuyến phố có lát hè, bó vỉa bằng đá tự nhiên…

Ngoài ra, một số UBND Q. Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân chưa thực hiện đầy đủ chỉ đạo của TP. Các quận này không tổ chức rà soát và kiểm tra hiện trạng hè, chưa xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện việc sửa chữa cải tạo áp dụng vật liệu lát hè, bó vỉa bằng vật liệu đá tự nhiên có độ bền đảm bảo 50-70 năm…

Thanh tra TP khẳng định, trách nhiệm tồn tại trên trực tiếp thuộc Phòng Quản lý xây dựng, thuộc Sở Xây dựng và Công ty CP Tư vấn và Đầu tư xây dựng CCIC Hà Nội (đơn vị tư vấn lập Thiết kế mẫu); Phòng Quản lý đô thị các quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân mà trực tiếp là Trưởng phòng Quản lý đô thị; Trách nhiệm của phó chủ tịch phụ trách khối và chủ tịch UBND các quận trên trong công tác chỉ đạo; Ban QLDA Đầu tư xây dựng các quận Ba Đình, Hà Đông mà trước hết thuộc Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng và cán bộ được giao theo dõi dự án.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Đá vỉa hè độ bền 70 năm nhưng mới 3 năm đã nứt vỡ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới