Chủ nhật, 24/11/2024 08:14 (GMT+7)
Thứ tư, 29/04/2020 14:00 (GMT+7)

Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi trật tự thế giới như thế nào?

Theo dõi KTMT trên

Cuộc khủng hoảng Covid-19 không chỉ là một thảm họa đối với sức khỏe toàn cầu, mà nó còn mang lại sự thay đổi trong trật tự thế giới.

Tác động toàn cầu của đại dịch Covid-19 đã đặt ra một câu hỏi cơ bản: liệu đây có phải là một trong những thời khắc lịch sử làm thay đổi thế giới mãi mãi, khi sự cân bằng sức mạnh kinh tế và chính trị có sự chuyển dịch rõ rệt?

Đối với nhiều cá nhân và các gia đình, cuộc sống bình thường đã thay đổi theo những cách mà họ chưa từng tưởng tượng. Vậy đại dịch ảnh hưởng tới cách hành xử của các quốc gia, các chính phủ, các nhà lãnh đạo cũng như các mối quan hệ như thế nào? Liệu họ có hợp tác chặt chẽ hơn với nhau hay sự thiệt hại chung hiện nay sẽ khiến họ chia rẽ sâu sắc hơn?

Chủ nghĩa dân tộc lên ngôi và sự dịch chuyển quyền lực từ Tây sang Đông

Giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Harvard, ông Stephen Walt, cho rằng, đại dịch Covid-19, về ngắn hạn sẽ tạo ra một thế giới ít cởi mở hơn, ít thịnh vượng và ít tự do hơn.

“Đại dịch sẽ khiến các nước củng cố hơn nữa chủ nghĩa dân tộc. Chính phủ các nước dù ở thể chế nào cũng đều có những giải pháp khẩn cấp để kiểm soát khủng hoảng và nhiều người sẽ miễn cưỡng từ bỏ những quyền lực mới này khi khủng hoảng kết thúc”, ông Stephen Walt viết trên Foreign Policy.

Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi trật tự thế giới như thế nào? - Ảnh 1

Trong khi đó, cựu Thủ tướng Italy Enrico Letta cũng từng cảnh báo trong một cuộc phỏng vấn với Guardian rằng, đại dịch Covid-19 có thể thúc đẩy chương trình “Nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Trump. Điều này được thể hiện rõ qua cách hành xử kiểu miền Tây của Mỹ khi không chỉ 1 lần “nẫng tay trên” các thiết bị y tế chống dịch Covid-19 từ chính các đồng minh của mình.

Theo cựu Thủ tướng Letta, không chỉ Mỹ, nhiều nước khác cũng sẽ theo đuổi cách tiếp cận kiểu “Italy trước tiên”, “Nước Bỉ trước tiên” hay “Nước Đức trước tiên” trong bối cảnh hiện nay.

“Covid-19 cũng sẽ thúc đẩy sự chuyển dịch của quyền lực và ảnh hưởng từ Tây sang Đông. Phản ứng ở châu Âu và Mỹ được đánh giá là khá chậm trễ khi so sánh với Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore… Điều này làm lu mờ những tiến bộ của “thương hiệu” phương Tây… Chúng ta sẽ thấy có sự giảm bớt đi của toàn cầu hóa, bởi công dân muốn chính phủ bảo vệ họ và các nước, các công ty muốn tìm cách giảm bớt những điểm yếu trong tương lai. Về ngắn hạn, Covid-19 sẽ tạo ra một thế giới ít cởi mở hơn, ít thịnh vượng và ít tự do hơn”, Giáo sư Walt nhận định.

Phản ứng của mỗi người, từ các Tổng thống, Thủ tướng tới các dân thường trước vô số thách thức cũng như sự dịch chuyển nổi lên từ đại dịch sẽ giúp xác định những gì sẽ xảy ra tiếp theo. Tuy vậy, đây cũng là một cơ hội để tái thiết lập lại cả bối cảnh cá nhân lẫn toàn cầu.

Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng hiện nay cho thấy rõ thực tế rằng sự quản trị hiệu quả là con át chủ bài xếp hạng quyền lực (kinh tế hoặc quân sự) trong việc đối phó với các mối đe dọa toàn cầu. Mỹ hóa ra lại là một “chính phủ thực hiện kém”, như Fareed Zakaria - nhà bình luận của Washington Post nhận định, dù vẫn còn quá sớm để đánh giá thành công sau cùng.

Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi trật tự thế giới như thế nào? - Ảnh 2

Nếu xu hướng hiện tại thắng thế, “người chiến thắng” ở đây lại là các nước/vùng lãnh thổ nhỏ và vừa như Singapore, Hàn Quốc... Họ là những nước đã nắm bắt cơ hội ngay từ đầu để ngăn chặn thành công dịch Covid-19... Điều này sẽ làm nảy sinh ra ý tưởng lãnh đạo “G+” - một yếu tố chủ chốt của ý tưởng “Thế giới Đa phương”, giải quyết vấn đề bằng sự hợp tác cân bằng giữa các bên hơn là quy chế “quyền lực lớn” truyền thống.

Sự cân bằng quyền lực thay đổi, vai trò của Mỹ bị thách thức?

Sau những sai lầm ban đầu, chính phủ Trung Quốc tìm mọi cách để biến Covid-19 thành một câu chuyện thành công. Nước này tuyên bố các biện pháp “hà khắc” để đối phó với dịch bệnh đã có hiệu quả. Bằng cách đề xuất viện trợ Italy cùng các nước khác bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh, Trung Quốc đang tìm cách khẳng định vai trò toàn cầu của mình và đại dịch Covid-19 trở thành công cụ quyền lực mềm để “soán ngôi” Mỹ.

“Đại dịch cho thấy một thách thức đối với y tế cộng đồng và kinh tế toàn cầu nhưng hậu quả chính trị của nó thì chưa thể nắm hết được. Các nhà lãnh đạo có thể khai thác đại dịch để thúc đẩy các mục đích của họ theo nhiều cách có thể làm tồi tệ thêm các cuộc khủng hoảng quốc tế và nội địa”, Tổ chức Khủng hoảng quốc tế (ICG) – một tổ chức quan sát độc lập - cảnh báo.

Trong khi đó, nhà phân tích Mira Hooper của Hội Đồng Mỹ về Quan hệ đối ngoại cho biết rằng, sự lãnh đạo của Mỹ trong đại dịch Covid-19 dường như cho thấy sự thất bại. Điều đó đặt người Mỹ vào một sự nguy hiểm không cần thiết, trong khi lại gạt chính mình khỏi vai trò lãnh đạo trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu, đặc biệt là khi tuyên bố cắt viện trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi trật tự thế giới như thế nào? - Ảnh 3

Thách thức của Trung Quốc đối với sự lãnh đạo của Mỹ vốn đã được đẩy mạnh trên nhiều mặt trận từ trước khi cuộc khủng hoảng Covid-19 xảy ra. Đại dịch có thể thúc đẩy sự dịch chuyển này.

“Cuộc khủng hoảng quản trị toàn cầu và nội địa có thể thay đổi bản chất của trật tự thế giới theo nhiều cách… Nếu Mỹ vẫn vắng bóng mà không có động thái gì, Trung Quốc có thể tận dụng cuộc khủng hoảng này để bắt đầu thiết lập các quy tắc mới theo tầm nhìn quản trị toàn cầu của riêng họ”, bà Hooper nói.

Cuộc khủng hoảng hiện nay cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự tín nhiệm của Mỹ trên trường quốc tế cũng như chính quyền Trump trong lòng nước Mỹ. Hình ảnh một siêu cường không may mắn với nền kinh tế và quân sự lớn nhất thế giới bị tác động và ngã quỵ bởi dịch bệnh đã được cảnh báo từ trước rằng điều đó sẽ khó có thể quên được.

Một số nhà phân tích cho rằng, tác động của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế Mỹ sẽ khắc nghiệt hơn so với Trung Quốc. Nếu nhận định này trở thành hiện thực, nó sẽ thúc đẩy quyền lực xoay sang châu Á. Sự thiệt hại của Mỹ cả về quyền lực cứng lẫn quyền lực mềm sẽ làm nổi bật sự dịch chuyển một trật tự thế giới hậu Mỹ: một Thế giới Đa phương.

Toàn cầu hóa và chủ nghĩa đa phương

Theo giáo sư Mie Oba thuộc Đại học Khoa học Tokyo (Nhật Bản), toàn cầu hóa cũng có 2 mặt. Ở mặt tích cực, dòng người đi lại xuyên biên giới, dòng lưu thông hàng hóa, tiền tệ và thông tin sẽ tạo ra cơ hội và sự thịnh vượng mới. Mặt khác, nó có thể làm tồi tệ thêm sự cách biệt toàn cầu, chủ nghĩa khủng bố, tội phạm chuyên quốc gia, và tất nhiên là cả sự lây lan nhanh chóng khi xảy ra đại dịch.

Chúng ta đã thấy tác động của nó khi dịch SARS xảy ra năm 2003, nhưng so với thời điểm đầu thế kỷ, sự đi lại qua biên giới của con người đã gia tăng đáng kể và tốc độ lây lan của Covid-19 hiện nay cũng ở một mức hoàn toàn khác.

Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi trật tự thế giới như thế nào? - Ảnh 4

Các nước trên thế giới đối phó với đại dịch Covid-19 bằng việc hạn chế đi lại, ngăn chặn dòng người từ những vùng dịch… Khi đại dịch qua đi, các biện pháp này sẽ lại được gỡ bỏ. Tuy nhiên, với nhận thức mới về nguy cơ liên quan đến dòng người đi lại tự do, sẽ có nhiều điều mà người ta muốn tránh trong, các kế hoạch kinh doanh, cuộc sống hay giải trí xuyên biên giới trong tương lai.

Đặc biệt, đại dịch hiện nay có tác động lớn đối với sự hợp tác, làm ăn vốn dựa trên sự phụ thuộc kinh tế và chuỗi cung cấp xuyên biên giới. Trung Quốc là “công xưởng” lớn nhất thế giới và nằm ở trung tâm của nhiều chuỗi cung cấp. Khi dịch Covid-19 xảy ra, nhiều nước phụ thuộc vào chuỗi cung cấp từ đây đã bị ảnh hưởng nặng.

Robin Niblett, Giám đốc của Chatham House cho rằng, đại dịch Covid-19 có thể là giọt nước làm tràn ly của toàn cầu hóa kinh tế. Ông cảnh báo, kiến trúc của quản trị kinh tế toàn cầu được thiết lập vào thế kỷ 20 đang gặp rủi ro và nó làm gia tăng triển vọng rằng các nhà lãnh đạo chính trị có thể rút lui vào cuộc cạnh tranh địa chính trị.

Sự suy yếu của các diễn đàn và thể chế đa phương, vốn đã rõ ràng từ trước cuộc khủng hoảng, là một dấu hiệu khác của một thế giới đang thu mình lại. Sau đại dịch, chủ nghĩa bảo hộ có thể gia tăng khi các quốc gia tìm cách hạn chế “phơi nhiễm” với các mối đe dọa toàn cầu trong tương lai.

Dù vậy, dịch Covid-19 khiến các nước nhận thức được tầm quan trọng của việc đầu tư nhiều hơn vào hệ thống y tế toàn cầu cũng như quốc gia. Hơn nữa, nó càng đòi hỏi sự hợp tác cả song phương và đa phương.

Vì thế, cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ không chấm dứt xu hướng toàn cầu hóa và chủ nghĩa đa phương. Sự thu mình của các nước sẽ chỉ khiến cho phản ứng quốc tế đối phó với vấn đề mang tính toàn cầu trở nên kém hiệu quả, và chính họ có thể sẽ phải chịu hậu quả nặng nề hơn.

Hoàng Phạm

Bạn đang đọc bài viết Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi trật tự thế giới như thế nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới