Chủ nhật, 24/11/2024 10:36 (GMT+7)
Thứ tư, 17/08/2022 07:45 (GMT+7)

Đánh giá ĐCM của quy hoạch tỉnh Long An giai đoạn 2021-2030

Theo dõi KTMT trên

Theo các chuyên gia, đối với quy hoạch tỉnh Long An giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, địa phương cần cập nhật, điều chỉnh các nội dung mới của Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu...

Vừa qua, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra Hội thảo đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã thu hút được nhiều ý kiến tham vấn của chuyên gia để thẩm định kết quả đánh giá môi trường chiến lược trong quy hoạch tỉnh Long An.

Đánh giá ĐCM của quy hoạch tỉnh Long An giai đoạn 2021-2030 - Ảnh 1
Toàn cảnh Hội thảo tham vấn ĐMC của quy hoạch tỉnh Long An thời kì 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh MPI

Phát biểu tại Hội thảo, ông Đinh Thanh Tâm, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ Môi trường và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, việc xây dựng quy hoạch tỉnh Long An thuộc đối tượng phải lập báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) và được thực hiện đồng thời với việc xây dựng quy hoạch tỉnh.

Chính vì vậy, để hoàn thiện báo cáo đáp ứng yêu cầu theo quy định, ông Đinh Thanh Tâm đề nghị các đại biểu cho ý kiến về căn cứ, phạm vi, phương pháp thực hiện ĐMC; so sánh đánh giá sự phù hợp quan điểm mục tiêu quy hoạch với quan điểm môi trường; biến đổi khí hậu; định hướng bảo vệ môi trường trong quá trình thực hiện quy hoạch; các vấn đề cần lưu ý trong bảo vệ môi trường.

Theo ông Huỳnh Văn Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An, nhiệm vụ xây dựng quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 16/4/2020 với mục tiêu cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng ở cấp tỉnh về không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bổ đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.

Triển khai thực hiện nhiệm vụ lập quy hoạch mà Thủ tướng đã phê duyệt, UBND tỉnh Long An giao Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan lập quy hoạch tỉnh; đầu mối chủ trì nhiệm vụ phối hợp với các sở, ngành tỉnh và đơn vị tư vấn tổ chức xây dựng quy hoạch tỉnh đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về quy hoạch; xác định xu thế và mức độ ảnh hưởng của việc thực hiện quy hoạch tới môi trường và luận chứng các giải pháp cần thiết khắc phục tối đa các tác động tiêu cực có thể xảy ra, đảm bảo phát triển bền vững; thực hiện đề xuất phân vùng môi trường, xác định vùng bảo vệ nghiêm ngặt và vùng hạn chế phát thải vào trong nội dung quy hoạch tỉnh và đã được đánh giá trong nội dung của ĐMC.

Đánh giá ĐMC, đơn vị tư vấn khẳng định, các quan điểm, mục tiêu đưa ra trong Quy hoạch về cơ bản phù hợp với các quan điểm, mục tiêu về bảo vệ môi trường của quốc gia đã được ban hành.

Định hướng phát triển của tỉnh Long An đặt ra là thiết lập 3 trụ cột kinh tế mũi nhọn bao gồm: công nghiệp, năng lượng, nông nghiệp, trong đó định hướng xây dựng nền nông nghệp bền vững, giảm ô nhiễm môi trường; sản xuất LNG bền vững, thông minh, thân thiện môi trường.

Các giải pháp bảo vệ môi trường được tích hợp trong định hướng, phương án phát triển ngành/lĩnh vực của Quy hoạch. Tuy nhiên, đơn vị tư vấn cũng lưu ý, Quy hoạch có thể làm tăng nguy cơ ô nhiễm không khí; suy thoái và ô nhiễm nguồn nước; gia tăng chất thải rắn, suy giảm hệ sinh thái và đa dạng sinh học; suy giảm chất lượng môi trường đất.

Đánh giá ĐCM của quy hoạch tỉnh Long An giai đoạn 2021-2030 - Ảnh 2
Tỉnh Long An phấn đấu trở thành một trong những tỉnh công nghiệp mạnh trong Vùng kinh tế trọng điểm Phía Nam

Tham gia ý kiến, các chuyên gia và đại diện các bộ, ngành là thành viên Hội đồng cho rằng, kết cấu, nội dung dự thảo báo cáo bám sát quy định; số liệu rõ ràng và bám sát thực tiễn; Các quan điểm, mục tiêu đưa ra trong quy hoạch về cơ bản phù hợp với các quan điểm, mục tiêu về bảo vệ môi trường của quốc gia đã được ban hành. Tuy nhiên, để hoàn thiện dự thảo, các đại biểu đề nghị rà soát, cập nhật bổ sung và điều chỉnh nội dung tương ứng với các văn bản mới, đặc biệt là Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng; bổ sung các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu theo cam kết của Việt Nam tại COP26, xây dựng các giải pháp, hành động giảm phát thải khí nhà kính nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam về hướng tới đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Ngoài ra, các đại biểu tham dự hội thảo cũng đưa ra ý kiến về thành phần môi trường, di sản thiên nhiên, điều kiện về kinh tế - xã hội có khả năng bị tác động bởi quy hoạch; sự phù hợp của Quy hoạch tỉnh với quan điểm, mục tiêu về bảo vệ môi trường; đánh giá, dự báo xu hướng tác động của quy hoạch tỉnh đến biến đổi khí hậu; các phương pháp đánh giá môi trường chiến lược đã áp dụng. So sánh, đánh giá sự phù hợp của quan điểm, mục tiêu quy hoạch với quan điểm, mục tiêu, chính sách về bảo vệ môi trường, chiến lược, Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; Tác động của biến đổi khí hậu; Giải pháp, định hướng bảo vệ môi trường trong quá trình thực hiện quy hoạch; Vấn đề cần lưu ý về bảo vệ môi trường, kiến nghị phương hướng và giải pháp duy trì xu hướng tích cực, hạn chế, giảm thiểu xu hướng tiêu cực trong quá trình thực hiện quy hoạch.

Theo ĐMC của quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì thì mục tiêu là phát triển Long An trở thành một trong những tỉnh công nghiệp mạnh trong Vùng kinh tế trọng điểm Phía Nam, giữ vị trí số 1 vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL): (1) Kinh tế tỉnh Long An sẽ chuyển đổi theo hướng phát triển bền vững, dịch chuyển theo hướng thân thiện môi trường, sử dụng công nghệ 4.0, tự động hóa sản xuất và dịch vụ; (2) Giá trị kinh tế sẽ được kết hợp với các giá trị xã hội: củng cố các giá trị văn hóa, an ninh, và dịch vụ công như y tế, giáo dục và đào tạo nghề; (3) Tích cực theo dõi và giảm thiểu những biến động do bệnh dịch, thiên tai và biến đổi khí hậu; (4) Ứng dụng phương pháp agile (linh hoạt) trong quá trình phát triển xã hội tỉnh Long An.

Bên cạnh đó, tỉnh Long An đảm bảo các quy hoạch phát triển không gian và cơ sở hạ tầng nhằm tăng cường kết nối vùng, tận dụng vị trí chiến lược giữa vùng ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh, tăng cường kết nối quốc tế. Tăng cường cơ sở hạ tầng giao thông vận tải là một trong những ưu tiên cốt lõi nhằm thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa và phát triển dịch vụ logistics, tận dụng vị trí chiến lược của Long An.

Tập trung bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, có các biện pháp ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu và giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của các hiện tượng này lên phát triển kinh tế - xã hội; Đặt quốc phòng và an sinh xã hội lên hàng đầu, bảo đảm ổn định an ninh biên giới, hòa bình, hợp tác và tăng cường các mối quan hệ quốc tế. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ; Phấn đấu trở thành trung tâm phát triển kinh tế sôi động, bền vững của vùng ĐBSCL dựa trên nền tảng công nghiệp xanh, tự động hóa, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; là cửa ngõ kết nối thông suốt, thuận tiện giữa vùng Đông Nam Bộ và ĐBSCL; tạo dựng môi trường sống bền vững, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân gắn với bảo tồn các tài nguyên, hệ sinh thái; bảo đảm ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh và giữ vững trật tự an toàn xã hội.

Thanh Tùng

Bạn đang đọc bài viết Đánh giá ĐCM của quy hoạch tỉnh Long An giai đoạn 2021-2030. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới