Đánh giá lại quy mô GDP và những lo ngại về tác động của bộ số liệu mới
Đánh giá lại quy mô nền kinh tế hay nói theo cách thông thường là điều tra - xác định lại quy mô GDP tiếp tục là thông tin được dư luận quan tâm.
Trước hết cần khẳng định, cho tới nay, chưa có quốc gia nào đo lường được đầy đủ hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc Tổng cục Thống kê tiến hành đánh giá lại quy mô GDP, ngoài nhiệm vụ thông lệ quốc tế, đây là việc làm cần thiết để xác định tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Kết quả “thống kê mới” - GDP tăng bình quân 25,4%, tương ứng 935.000 tỉ đồng mỗi năm giai đoạn 2010 - 2017 cũng chỉ ra những thay đổi mạnh mẽ của nhiều chỉ tiêu kinh tế tổng hợp. Và không chỉ trong dư luận mà cả giới chuyên gia đều đã, đang dấy lên những băn khoăn, lo ngại về tác động của bộ số liệu này.
Liên Hợp Quốc ghi nhận nỗ lực của Tổng cục Thống kê trong việc điều chỉnh GDP thông qua việc thu thập các số liệu bị thiếu cũng như cập nhật những thông tin dựa trên các dữ liệu của các cuộc tổng điều tra mới đây, tuân thủ các tiêu chuẩn Liên Hợp Quốc đưa ra và tham gia phối hợp với Liên Hợp Quốc để quá trình điều chỉnh GDP minh bạch. Điều chỉnh GDP thường xuyên là cần thiết, giúp không chỉ Chính phủ quản lý - điều chỉnh kinh tế vĩ mô mà còn giúp cho các doanh nghiệp tham gia vào thị trường có thể thực hiện hoạt động kinh doanh của mình.
Ảnh minh hoạ. |
Cụ thể, quy mô nền kinh tế giai đoạn 2011-2017 sau khi tính toán lại có sự thay đổi dẫn tới 12 chỉ tiêu kinh tế tổng hợp khác thay đổi, đáng chú ý là các chỉ tiêu như: Tích lũy tài sản bình quân mỗi năm tăng 28,98%; tổng thu nhập quốc gia tăng 26,6%; GDP bình quân đầu người tăng thêm 10,3 triệu đồng một người một năm; tỉ lệ vốn đầu tư so với GDP tăng thêm 0,7 điểm %; tỉ lệ dư nợ công giảm 11,6%/năm và năng suất nhân tố tổng hợp đóng góp 46,4% GDP, giảm 0,13 điểm %, tỉ lệ thu-chi, tỉ lệ bội chi ngân sách nhà nước giảm...
Chuyên gia kinh tế Ngô Văn Điểm nhìn nhận: “Nếu đây là những con số được khảo sát - đánh giá minh bạch, chính xác thì việc công bố các con số này, kéo theo sự tác động, thay đổi nhiều vấn đề khác trong nền kinh tế, là sự thay đổi - sự đảo lộn cần thiết.”
“Sự đảo lộn này là cần thiết để có được những con số xác thực, từ đó đề ra những chính sách phù hợp và đúng. Chúng ta phải thực sự khách quan, thực sự khoa học để thấy được bức tranh của kinh tế Việt Nam. Đặc biệt sắp tới chúng ta xác định chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2030 và phương hướng nhiệm vụ đến năm 2025 thì những con số này là rất cần thiết. Cần thiết để chúng ta có cách nhìn: ta đang ở đâu, có đúng như thế không, để xác định được điều kiện” - ông Điểm nói.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, tổng điều tra, đánh giá lại GDP là cần thiết. Điều này làm xuất hiện 2 vấn đề mới là áp dụng phương pháp mới cho toàn bộ quá trình đánh giá, đưa vào 1 phần nền kinh tế chưa được quan sát giúp GDP tăng trưởng trên 25%, đây là điểm mừng.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, bộ số liệu mới tác động - thay đổi tăng trưởng kinh tế đất nước ngay từ năm 2019.
Số liệu thống kê phải nhất quán về mặt khoa học, về mặt phương pháp nên chắc chắn năm 2018 và 2019 sẽ phải tính toán lại. Dựa trên các số liệu thống kê này để hoạch định chính sách, đưa ra những chính sách mới hay là những hành động mới, kể cả doanh nghiệp, người dân đặc biệt là Chính phủ.
“Tôi nói ví dụ tỉ lệ nợ công trên GDP đột ngột giảm xuống 11% thì Nhà nước có quyền mở rộng vay vốn. Vay được thì Chính phủ lại bắt đầu đầu tư. Điều này nó có thể tích cực giúp cho nền kinh tế phát triển hơn, nhưng nó cũng lại đi đến một vấn đề là khoản nợ thật sự tính bằng tiền hiện vật tăng lên thực sự và trách nhiệm trả nợ cũng phải tăng lên cho tất cả mọi người. Đặt ra câu hỏi về năng lực trả nợ thực sự?” - PGS.TS Nguyễn Đức Thành nói.
Về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, PGS.TS Nguyễn Đức Thành cho rằng, đã gần đến ngày phải hoàn thành công việc chuẩn bị cho 10 năm tới thì tất cả các chỉ tiêu - số liệu thay đổi hết bởi 1 mẫu số lớn GDP. Không phải chỉ là chúng ta thay số liệu mà còn phải bàn chiến lược mới, đối chiếu lại hoàn toàn, chúng ta phải phấn đấu để ngang với mặt bằng chung của nhân loại, mặt bằng chung của khu vực. “Chúng ta sẽ bị xộc xệch nhất định trong việc hoạch định kinh tế xã hội cho 5 năm chứ chưa nói đến 10 năm đối với thực tế hiện tại nếu như chúng ta thực sự muốn bám sát vào các chỉ tiêu mới. Đấy là khó khăn cho những người làm chính sách và những người làm kế hoạch” - PGS.TS Nguyễn Đức Thành nhận định.
Như vậy, việc thống kê - đánh giá lại quy mô nền kinh tế là công việc được thực hiện theo thông lệ, với mong muốn khẳng định được một cách chuẩn xác tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Sau quá trình triển khai đánh giá - thống kê lại này, tiếp tục cần một quá trình nghiên cứu bài bản, cẩn trọng, với tinh thần trách nhiệm cao nhất từ các cơ quan, đơn vị liên quan đến quá trình hoạch định các chủ trương, đường lối phát triển kinh tế đất nước. Mục tiêu cụ thể là quá trình hoạch định Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2021-2025) và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2021-2030).