Chủ nhật, 24/11/2024 08:53 (GMT+7)
Thứ hai, 17/06/2019 10:43 (GMT+7)

Đạo đức và trách nhiệm Nhà báo

Theo dõi KTMT trên

Trong kỷ nguyên truyền thông đa phương tiện, không thể phủ nhận vai trò, tác động của mạng xã hội (Facebook, Twitter, YouTube…) đối với đời sống báo chí. Với các lợi thế như thông tin nhanh, đa dạng, cập nhật, lan tỏa và tương tác lớn, mạng xã hội là kênh thông tin tham khảo hữu ích song cũng là thách thức với các nhà báo, nhất là những vấn đề nóng đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Tận dụng những lợi thế đó, nhiều cơ quan báo chí đã sử dụng mạng xã hội như một công cụ để tăng sự tương tác với độc giả, trở thành một kênh quảng bá cho "thương hiệu" của tờ báo.

Thế nhưng, thời gian qua cũng xảy ra không ít tiêu cực khi một số nhà báo, hoặc mang danh nhà báo, lợi dụng mạng xã hội để trục lợi cá nhân, gây mất lòng tin trong dư luận, làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của nghề báo.

Đạo đức và trách nhiệm Nhà báo - Ảnh 1
Ảnh minh họa.

Không dừng lại ở đó, môi trường mạng xã hội tồn tại vô vàn thông tin không được kiểm soát, thậm chí tin giả, tin sai sự thật… nhưng vẫn được nhiều người chia sẻ, bình luận, trong đó có cả một số nhà báo. Những thông tin như vậy đã gây tác động tiêu cực đối với xã hội. Câu hỏi được đặt ra ở đây là chuẩn mực, đạo đức, trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp của nhà báo ở đâu khi tham gia mạng xã hội?

Trước hết, cần khẳng định thông tin trên mạng xã hội không phải là báo chí. Những gì chúng ta đọc hằng ngày trên mạng xã hội chỉ đơn thuần là thông tin cá nhân. Vì vậy, một nhà báo có đạo đức và trách nhiệm cần biết "chính thống hóa" những thông tin này theo 2 hướng. Nếu thông tin - sau khi được nhà báo kiểm chứng là chính xác, tích cực - nhà báo cần kịp thời ngợi khen, cổ vũ qua những bài viết.

Ngược lại, nếu thông tin sai, tiêu cực, nhà báo cần chấn chỉnh, phê phán và kịp thời định hướng dư luận xã hội bằng thông tin chính xác hơn. Ở cả hai hướng này - điều căn cốt nhất vẫn phụ thuộc vào "con mắt xanh", nghiệp vụ tinh thông và "cái tâm" trong sáng của nhà báo.

Để phát triển lành mạnh, tạo dựng uy tín trong xã hội và bạn đọc, mọi nền báo chí luôn coi trọng, đề cao đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp. Những nhà báo chân chính có đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp luôn là người bảo vệ công lý và lẽ phải, không làm sai lệch, xuyên tạc, che giấu sự thật; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, định hướng đi tới những giá trị sống tích cực, cao đẹp...

Trong bối cảnh mạng xã hội ngày càng tác động không nhỏ đến đời sống báo chí hiện đại và nhà báo - ở cả hai mặt tiêu cực lẫn tích cực, việc phát huy vai trò, bản lĩnh chính trị, đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp của mỗi nhà báo càng cần được đặt lên hàng đầu. Hơn ai hết, mỗi nhà báo khi tham gia mạng xã hội cần hết sức tỉnh táo, phân biệt đâu là thông tin thiếu kiểm chứng, thông tin không chính xác để có cách ứng xử thích hợp: Không chia sẻ, lan truyền thông tin sai sự thật, gây bức xúc dư luận; cổ vũ những thông tin chính xác, có lợi cho xã hội.

Trước những thách thức từ mạng xã hội đối với đạo đức nhà báo, ngày 25/12/2018, Hội Nhà báo Việt Nam đã công bố Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam (Quy tắc), có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Quy tắc được xem như chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của báo chí thời đại kỹ thuật số, là sự bổ sung cần thiết cho 10 Điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam đã được Hội Nhà báo Việt Nam ban hành trước đó.

Đây là cơ sở quan trọng để Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp các cấp của Hội Nhà báo Việt Nam xử lý các hành vi sai phạm của người làm báo trên không gian mạng nói chung và mạng xã hội nói riêng. Đồng thời định lượng cụ thể về đạo đức, trách nhiệm của người làm báo khi tham gia mạng xã hội; xác định "ranh giới" giữa quyền được tham gia, sử dụng mạng xã hội và hành vi vi phạm pháp luật.

Những năm qua, nền báo chí cách mạng Việt Nam không ngừng phát triển trên mọi phương diện, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của đời sống kinh tế - xã hội. Là một phần đạo đức xã hội, đạo đức nghề báo còn góp phần hình thành nên quy tắc tác nghiệp; và ngược lại, quy tắc nghề nghiệp cũng góp phần xây dựng đạo đức nghề báo nhằm hướng tới mục đích chung là phục vụ độc giả.

Kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, chúng ta lại nhớ đến nhà cách mạng và nhà báo Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Đạo đức nghề báo của Bác Hồ biểu biện ở ý thức tôn trọng nghề nghiệp. Người đặt "nhà báo" ngang với "nhà cách mạng chuyên nghiệp". Trong "nhà báo" có phẩm chất của "nhà cách mạng chuyên nghiệp" và nhà cách mạng chuyên nghiệp Hồ Chí Minh đã hòa làm một với nhà báo - chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, chính trị, tư tưởng.

Học tập theo Bác, mỗi người làm báo Việt Nam cần nâng cao đạo đức nghề nghiệp, ý thức nghiêm túc về trách nhiệm xã hội của mình, không chỉ khi tham gia mạng xã hội mà cả trong suốt quá trình hoạt động, để trở thành một nhà báo vừa có trình độ chuyên môn, vừa có đạo đức nghề nghiệp!

Theo Hà Nội Mới

Bạn đang đọc bài viết Đạo đức và trách nhiệm Nhà báo. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới