Chủ nhật, 24/11/2024 02:31 (GMT+7)
Thứ ba, 24/01/2023 06:00 (GMT+7)

Đảo là nhà, biển cả là quê hương

Theo dõi KTMT trên

Việt Nam là quốc gia biển, với đường bờ biển dài hơn 3.260 km, hơn 3.000 hòn đảo bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Kinh tế biển chính là động lực, là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh

Vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội

Hiện nay, các tỉnh, thành phố ven biển của Việt Nam chiếm hơn 50% dân số cả nước, phần lớn lao động làm việc trong các ngành nghề liên quan đến biển; đóng góp của 28 tỉnh, thành ven biển vào GDP cả nước hiện đã vượt ngưỡng 60%.

Với vị trí thông thương, Biển Đông nằm trên tuyến giao thông hàng hải huyết mạch nối Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, châu Âu – châu Á và Trung Đông – châu Á. Tuyến hàng hải qua Biển Đông là một trong những tuyến giao thương hàng hải quốc tế sầm uất nhất trên thế giới. Sự phát triển của nhiều nền kinh tế ở Đông Á đều gắn liền với tuyến đường biển này. Trong khi đó, bờ biển Việt Nam có hơn 100 vị trí có thể xây dựng các cảng biển lớn, là điều kiện thuận lợi để phát triển giao thông vận tải biển.

Đảo là nhà, biển cả là quê hương - Ảnh 1
Chính phủ đề ra 6 nhóm giải pháp quan trọng để triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW trong 5 năm tới. (Ảnh: Bộ TN&MT)

Bên cạnh đó, Việt Nam còn có ngư trường đánh bắt truyền thống rộng lớn trong khu vực, với hơn 2.000 loài cá, trong đó 130 loài có giá trịnh kinh tế cao, ngoài ra còn có trên 600 loài giáp xác, nhuyễn thể và rong biển. Các vùng biển và hải đảo của Việt Nam có nguồn tài nguyên sinh vật và khoáng sản phong phú, đa dạng, bao gồm khoảng 12.000 loài sinh vật sống trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái đặc trưng, thuộc 6 vùng đa dạng sinh học biển khác. Biển Việt Nam được coi là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học biển của thế giới.

Theo Viện Nghiên cứu Hải sản (Bộ NN&PTNT), trữ lượng nguồn lợi hải sản bình quân hàng năm ước tính vào khoảng 4,364 triệu tấn, chưa bao gồm nguồn lợi tại các vùng biển sâu, gò nổi và thềm lục địa. Nguồn lợi thủy sản ven bờ chiếm 12%, vùng lộng 19% và vùng khơi 69%. Ngư trường khai thác thủy sản được phân làm 5 vùng chính bao gồm: Vịnh Bắc bộ chiếm 17,3% nguồn lợi thủy sản, vùng duyên hải miền Trung chiếm 20,0%, vùng Đông Nam bộ chiếm 25,6%, vùng Tây Nam bộ 13,4% và vùng giữa Biển Đông là 23,7%.

Việt Nam là quốc gia có có tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản ở biển và ven biển. Diện tích có thể khai thác là 500.000 ha vùng vịnh kín ven bờ, ven các đảo gần bờ và các bãi triều thấp để phát triển nuôi biển. Đến nay, khoảng 57.000 ha đã được sử dụng cho nuôi biển, 443.000 ha còn lại vẫn ở dạng tiềm năng, đặc biệt là các khu biển vùng bờ và vùng lộng.

Đảo là nhà, biển cả là quê hương - Ảnh 2

Biển đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc gia. (ảnh: Ngọc Lân, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam)

Trong các vùng biển của Việt Nam, có khoảng 35 loại khoáng sản với quy mô trữ lượng khai thác khác nhau từ nhỏ đến lớn, thuộc các nhóm: nhiên liệu, kim loại, vật liệu xây dựng, đá quý và đá bán quý, và khoáng sản lỏng. Tiềm năng dầu khí phân bố trong các bể trầm tích…

Các vùng biển và hải đảo Việt Nam còn có nguồn tài nguyên du lịch quan trọng. Dọc bờ biển, có hơn 120 bãi tắm có thể phát triển du lịch, trong đó có khoảng 20 bãi có quy mô và tiêu chuẩn quốc tế…

Với vị trí địa lý như trên, có thể nói rằng đời sống kinh tế, văn hóa của người dân gắn liền với biển. Biển được coi là không gian sinh tồn, phát triển và an ninh của dân tộc. Vì vậy, phát triển bền vững kinh tế biển trở thành nhu cầu tất yếu trong suốt quá trình phát triển đất nước.

Thế kỷ của biển và đại dương

Cùng với những lợi thế trên, nhận thức đầy đủ vị thế, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế biển, Việt Nam đã có chủ trương, chính sách quan trọng để phát triển bền vững kinh tế biển. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định những kết quả phát triển kinh tế biển của nước ta trong thời gian vừa qua, đồng thời nhấn mạnh những mục tiêu, nhiệm vụ mới cho giai đoạn tiếp theo phấn đấu để nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.

Đảo là nhà, biển cả là quê hương - Ảnh 3
Việt Nam nỗ lực cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với các vấn đề biển. (Ảnh: TTXVN)

Trong hơn 10 năm qua, Đảng ta đã có hai Nghị quyết riêng về chiến lược phát triển kinh tế biển. Đó là Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 9/2/2007, của Hội nghị Trung ương 4 khóa X “Về chiến lược biển đến năm 2020” và Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018, của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII “Về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Cả hai Nghị quyết này đều khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của kinh tế biển đối với nước ta và đặc biệt nhấn mạnh đến sự phát triển kinh tế biển phải gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Trong đó, Nghị quyết số 36-NQ/TW đã nêu rõ quan điểm về phát triển bền vững, “không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế biển” và nhấn mạnh phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển.

Sau 04 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, các cơ quan Trung ương và các địa phương có biển đã ban hành chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết. Từ đó, nhận thức của toàn hệ thống chính trị và người dân về vị trí, vai trò của biển, đảo đối với phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền quốc gia được nâng lên rõ rệt. Chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển được giữ vững; công tác tìm kiếm cứu nạn, an toàn hàng hải được tăng cường; công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển được chủ động triển khai toàn diện. Kinh tế biển, các vùng biển, ven biển đang trở thành động lực phát triển của đất nước; hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư; đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng biển được cải thiện…

Trong thời gian tới, tình hình quốc tế tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, tranh chấp chủ quyền ranh giới biển và sự bất đồng giữa các nước tại Biển Đông. Ô nhiễm môi trường xuyên biên giới, biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu. Phát triển bền vững, hài hòa giữa phát triển với bảo tồn biển trở thành xu thế chủ đạo. Toàn cầu hóa và cách mạng khoa học - công nghệ tạo ra nhiều cơ hội và thách thức. Đối với tình hình trong nước ta thì việc ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững; thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; an ninh, trật tự, an toàn xã hội vẫn là những khó khăn, thách thức lớn.

Đảo là nhà, biển cả là quê hương - Ảnh 4

Trên cơ sở những kết quả đạt được trong việc thực hiện chủ trương, chính sách phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò phát triển kinh tế biển Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025, chiến lược phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, mối quan hệ giữa phát triển kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Thế kỷ XXI – “Thế kỷ của biển và đại dương”, phát triển kinh tế biển đã trở thành trọng điểm trong chiến lược phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới. Trong xu thế đó, Việt Nam cũng đã có chiến lược khai thác tiềm năng để “tiến ra biển lớn”.

Khẳng định kinh tế biển có vai trò và là động lực quan trọng để phát triển kinh tế của đất nước, tuy nhiên quá trình phát triển kinh tế - xã hội cũng đã, đang và sẽ tiếp tục tạo ra các áp lực lên môi trường biển nước ta. Trên cơ sở đó, vấn đề nổi cộm hiện nay mà Việt Nam đang phải đối mặt, đó là: Vấn đề rác thải nhựa đại dương; sự cố tràn dầu trên biển; vấn đề kiểm soát các nguồn thải và biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên, trước hết là do nhận thức về phương thức bảo vệ và phương pháp quản lý tổng hợp, thống nhất về biển dựa trên hệ sinh thái chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Cơ chế phối hợp trong quản lý nhà nước về biển và trong việc tổ chức còn nhiều hạn chế như thể chế, chính sách về biển, đảo chưa đồng bộ, thiếu các quy định chi tiết, khả thi, một số chủ trương lớn chưa được thể chế hóa kịp thời. Nhận thức về vai trò, vị trí biển và kinh tế biển của các cấp, các ngành, các địa phương ven biển và người dân chưa đầy đủ, vẫn còn có những khái niệm khác nhau về kinh tế biển, chưa coi trọng liên kết giữa các mảng không gian kinh tế biển và các vùng kinh tế biển, ven biển. Đầu tư cho nghiên cứu, điều tra cơ bản, phát triển nguồn nhân lực biển còn hạn chế, thiếu trọng tâm, trọng điểm, nhất là công tác đào tạo, dạy nghề, chuyển đổi việc làm cho người dân đang sinh sống tại các khu vực ven biển; công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên, nghĩa vụ bảo vệ môi trường biển chưa sâu rộng dẫn đến chưa hài hòa giữa khai thác, sử dụng tài nguyên biển hiện nay.

Để giải quyết những vấn đề nêu trên, Việt Nam cần tập trung triển khai, thực hiện tốt Nghị quyết số 36-NQ/TW và các chương trình, kế hoạch đã được Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương ban hành, đặc biệt quan tâm triển khai các nhiệm vụ cấp bách, trong đó có việc xây dựng Quy hoạch không gian biển quốc gia.

Đưa ra những định hướng quy hoạch không gian phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế biển giai đoạn 2021 – 2030, cần ưu tiên phát triển các lĩnh vực kinh tế biển đã được đề ra trong Nghị quyết số 36-NQ/TW, đặc biệt tập trung vào du lịch biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu, khí, nuôi biển, điện gió. Bên cạnh đó, về phân vùng không gian biển, quy hoạch không gian biển là quy hoạch khung, mang tính định hướng làm cơ sở để các ngành và địa phương xây dựng quy hoạch chi tiết cho các mục đích sử dụng biển cụ thể nhằm đạt được các mục đích chung của kinh tế biển xanh.

Có thể nói, sự trường tồn của biển phụ thuộc vào việc sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên biển. Hay nói cách khác, phụ thuộc vào việc giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế biển với bảo vệ môi trường, tài nguyên biển. Mục tiêu phát triển kinh tế biển cũng được Đảng đặc biệt chú trọng công tác bảo vệ môi trường sinh thái biển, hải đảo nhằm phát huy, khai thác hiệu quả, bền vững kinh tế biển Việt Nam tương xứng với tiềm năng sẵn có. Đây là nhiệm vụ vô cùng cấp bách của các ngành, các cấp trong bối cảnh hiện nay. Vì vậy, cần phải có một hệ thống giải pháp đồng bộ và phối hợp chặt chẽ trong thực hiện, trên nguyên tắc “sử dụng và khai thác” phải đi đôi với “giữ gìn và tái tạo”. Đó chính là chìa khóa mở rộng cửa cho kinh tế biển Việt Nam phát triển bền vững trong thời gian tới.

Đến năm 2030, đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh

TS Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết: “Biển và đại dương có vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển, sự tồn tại của nhân loại, của các quốc gia trong đó có Việt Nam. Từ năm 2007, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên của khu vực Châu Á thông qua Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược này đã được thực hiện năm 2018 để trên cơ sở đó hình thành Chiến lược mới, “Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã được cơ quan có thẩm quyền chính sách cao nhất là Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam thông qua tại Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 22/10/2018 (NQ36).

Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu tổng quát là “đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển”.

Theo báo cáo The EU Blue Economy Report 2020, kinh tế biển đem lại cho Liên minh châu Âu 218 tỉ Euro tăng trưởng giá trị gia tăng (GVA) với lợi nhuận là 94 tỉ Euro (số liệu 2018). Còn đối với Mỹ, báo cáo năm 2020 (số liệu 2017) của Tổ chức Quản trị Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (National Oceanic and Atmospheric Administration - NOAA), kinh tế biển đem lại cho Mỹ 318 tỉ USD trong GDP. Đối với Trung Quốc, từ năm 2010, kinh tế biển đã đóng góp cho GDP quốc gia này 240 tỉ USD. Bên cạnh phát triển các ngành kinh tế biển chính để phục vụ phát triển kinh tế đất nước, các quốc gia lớn đều đang có những chiến lược biển để mở rộng tầm ảnh hưởng của mình (như “Chiến lược Ấn độ Dương – Thái bình Dương tự do và rộng mở” của Mỹ).

Mạnh Quân – Tạ Nhị

Bạn đang đọc bài viết Đảo là nhà, biển cả là quê hương. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chính phủ trình Quốc hội dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 13/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Tin mới