Chủ nhật, 24/11/2024 12:46 (GMT+7)
Thứ năm, 27/06/2024 09:51 (GMT+7)

Đáp án đề thi môn Ngữ Văn Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2024

Theo dõi KTMT trên

Cập nhật Đáp án đề thi môn Ngữ văn Kỳ thi THPT Quốc gia 2024 nhanh, chính xác ngay sau khi thí sinh kết thúc giờ thi.

Sáng nay (27/6), hơn một triệu thí sinh trên cả nước chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 với bài thi Ngữ văn theo hình thức tự luận.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, thí sinh nhận đề từ 7h30, bắt đầu làm bài từ 7h35; nếu đến chậm quá 15 phút sau hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được dự thi buổi thi đó.

Bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, một trong bốn bài thi bắt buộc của thí sinh THPT để được xét tốt nghiệp và là bài thi tự luận duy nhất.

Đề thi chính thức môn Ngữ văn, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Đáp án đề thi môn Ngữ Văn Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2024 - Ảnh 1

Hướng dẫn giải đề thi môn Ngữ văn Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Thực hiện: Ban chuyên môn Tuyensinh247.com

Đáp án đề thi môn Ngữ Văn Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2024 - Ảnh 2

Câu 2.

1. Mở bài

- Nguyễn Khoa Điềm là nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Thơ ông chứa đựng sự suy tư và đậm chất triết lí.

- Bài thơ Đất Nước được trích từ trường ca Mặt đường khát vọng. Đây là một trong những thi phẩm tiêu biểu của nhà thơ với tư tưởng bao trùm tác phẩm: “Đất Nước của nhân dân”.

- Khái quát vấn đề: Đoạn thơ nằm ở phần đầu. Từ đó nhận xét về sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư của Nguyễn Khoa Điềm được thể hiện trong đoạn thơ.

2. Thân bài

2.1. Cảm nhận đoạn trích

a. Thời điểm sinh thành nên Đất Nước

Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi

Đất Nước có trong những cái ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể.

- Nguyễn Khoa Điềm đã mở đầu không phải bằng triều đại, con số mà bằng cách nói giản dị, gần gũi, nhà thơ đã hình dung về Đất Nước:

+ Khi “ta” biết nhận thức, đã đủ hiểu biết… ta đã thấy Đất Nước tồn tại, thành hình, thành dạng. Cách nói “Đất Nước đã có rồi”: là cách nói phỏng đoán, nhưng diễn đạt một điều chân lý: Đất Nước có trước tất cả mỗi chúng ta.

+ Đất Nước có trong những cái “ngày xửa, ngày xưa mẹ thường hay kể”, “ngày xửa ngày xưa” cụm từ ấy dẫn lối vào những câu chuyện rất xa xưa, rất xa với thời điểm hiện tại, nơi đó có thế giới của cổ tích, của những buổi khai thiên lập địa. Và từ những cái xa xưa ấy, thế giới của những câu chuyện cổ tích, Đất nước đã tồn tại. Hay nói cách khác, khi ta truy về từ tận thủa hồng hoang, nhưng vẫn không thể trả lời thật chính xác thời điểm ra đời Đất nước.

b. Quá trình hình thành và phát triển của Đất nước

Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn.

- Chúng ta chú ý vào hai tiếng “bắt đầu”, điều nhà thơ muốn diễn đạt ở đây giản dị mà thật sâu sắc: Không gian Đất nước đã được hình thành từ rất lâu, đó là cái nôi bao bọc con dân đất Việt. Nhưng không gian ấy chỉ được gọi là Đất nước khi nó bắt đầu có văn hoá, phong tục. Hình ảnh Đất nước bắt đầu bằng miếng trầu chính là cách nói dung dị mà triết lý đó. Và như vậy, ta hiểu rằng Đất nước có quá trình hình thành song hành với quá trình xuất hiện văn hoá, phong tục.

Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc

- Cụm từ “biết trồng tre mà đánh giặc” gợi cho người đọc nhớ tới truyền thuyết Thánh Gióng. Cậu bé vươn vai trở thành tráng sĩ, nhổ tre đuổi giặc ra khỏi bờ cõi. Từ đây ta có thể hiểu ý thơ của Nguyễn Khoa Điềm ở hai chữ “lớn lên”. Tác giả đã diễn tả hình ảnh Đất Nước vươn mình qua đấu tranh, qua xây dựng, gìn giữ

Tóc mẹ thì bới sau đầu

Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn

- Ý thơ gợi lên hình ảnh, một thói quen mà mang cả văn hoá gợi lên cả một nền văn minh lúa nước, khi những người nông dân lao động: “Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.

- “Gừng cay muối mặn” đó là những gia vị đậm đà, không thể thiếu trong bữa ăn người Việt. Qua thời gian, gừng càng thêm cay, muối càng thêm mặn. Đó là tình nghĩa, là ân tình thuỷ chung trong đời sống tình cảm, đặc biệt là tình cảm vợ chồng.

Cái kèo cái cột thành tên

Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng

Ý thơ cho ta hiểu, những thân cây, khúc gỗ vô tri trên rừng, bỗng có tên, hoá tuổi, khi chúng gắn bó với đời sống con người, ngôn ngữ cũng phong phú từ đó. Cách hiểu thứ hai, gắn với quan niệm tâm linh tín ngưỡng, và cách hiểu thứ 3 để nói về nếp dựng nhà cửa, để phòng tránh thú dữ, an cư lạc nghiệp.

- Nhân dân ta đã sáng tạo ra nền văn minh lúa nước, nhưng nhọc công thay, hạt gạo được tạo ra từ biết bao công đoạn: xay, giã, giần, sàng. Cho nên, ý thơ gợi cho ta bài ca dao: “Ai ơi bưng bát cơm đầy/Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”.

c. Định nghĩa Đất Nước qua không gian địa lý – cội nguồn hình thành nên bản sắc văn hoá Việt

Đất là nơi anh đến trường

Nước là nơi em tắm

Đất Nước là nơi ta hò hẹn

- Đất nước không phải là cái gì cao siêu xa vời mà nó là không gian nơi ta lớn lên, gắn với ta từ thủa nằm nôi. Khi “Đất” – “Nước” đứng cạnh nhau, cũng đồng thời ghi dấu nơi đôi ta hò hẹn. Đất nước hợp hoà, thống nhất, cũng như tình yêu đôi lứa hoà quyện. Như vậy, Đất nước là sự thống nhất, gắn bó chặt chẽ giữa các yếu tố: “Đất” và “Nước”, không thể tách rời. Cũng như tình yêu, không thể thiếu hoặc anh, hoặc em.

Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm.

- Câu thơ như cây cầu dẫn về lời ca dao: “Khăn thương nhớ ai!”. Nơi em đánh rơi chiếc khăn là không gian Đất nước, nỗi nhớ thầm người yêu cũng hoà trong Đất nước. Trong tình yêu của em, trong nơi em hò hẹn, có Đất nước. Như vậy, Đất nước có trong nỗi nhớ của em, có trong tình yêu của em, của đôi ta.

Đất là nơi con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc

Nước là nơi con cá ngư ông móng nước biển khơi.

- Từ những câu ca dao miền Trung đẹp huyền thoại đã được nhà thơ đưa vào hai câu thơ trên gợi ra một Đất nước giàu đẹp với muôn trùng núi bạc bát ngát biển khơi.

Đất là nơi Chim về

Nước là nơi Rồng ở.

- Đất nước là không gian linh thiêng, nơi chim tìm về, nơi rồng ẩn ngụ. Gợi về hai tiếng đồng bào giản dị mà cao quý, tự hào. Đồng thời đánh thức tình cảm tổ tiên, tình cảm cội nguồn trong đầy tâm linh người Việt. Dù là sống ở miền ngược, miền xuôi, trong Nam hay ngoài Bắc đều là con cháu một nhà của tổ tiên Lạc Long Quân,  u Cơ.

Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ

- Đất nước là nơi đoàn tụ của lớp lớp bao thế hệ con dân đất Việt, là nơi đến trường của bao chàng trai, nơi hẹn hò của bao đôi lứa. Là nơi trở về của bao người con làm ăn xa, là nơi đoàn tụ của con cháu với cha ông, người già khuất núi về đoàn tụ với tiên tổ. Đất nước là nguồn cội, là nơi chôn nhau cắt rốn, gần gũi mà thiêng liêng.

2.2. Nhận xét về sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư của Nguyễn Khoa Điềm được thể hiện trong đoạn thơ

- Đoạn thơ thể hiện những suy tư, chiêm nghiệm độc đáo, sâu sắc của Nguyễn Khoa Điềm về nguồn gốc của Đất Nước bằng những câu thơ giàu hình ảnh, giàu cảm xúc, đậm chất trữ tình; thể thơ tự do, chất liệu văn học dân gian, giọng thơ trữ tình ngọt ngào như lời thủ thỉ, tâm tình, trò chuyện,... góp phần thể hiện gắn kết mạch cảm xúc và suy tư trong mỗi dòng thơ và trong cả đoạn thơ.

- Sự kết hợp giữa cảm xúc nồng nàn và suy tư sâu lắng chính là một trong những nét đặc sắc trong phong cách nghệ thuật thơ Nguyễn Khoa Điềm.

3. Kết bài: Tổng kết vấn đề nghị luận.

Anh Thư

Bạn đang đọc bài viết Đáp án đề thi môn Ngữ Văn Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2024. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới