Dầu của Nga xuất khẩu vẫn tăng bất chấp lệnh cấm từ Mỹ
Công ty theo dõi tàu chở dầu Petro-Logistics cho biết, tính đến thời điểm hiện tại trong tháng 3, xuất khẩu dầu thô bằng đường biển từ Nga đã tăng 350.000 thùng/ngày (bpd) so với tháng 2/2022.
Xuất khẩu dầu của Nga vẫn tăng
Thông tin cho biết, xuất khẩu dầu thô đường biển từ Nga cho đến thời điểm này của tháng 3 đã tăng lên so với tháng 2/2022, chủ yếu hướng đến Trung Quốc và Ấn Độ.
Theo trang web chuyên về dầu mỏ Oilprice.com, trong tháng này, xuất khẩu dầu thô từ Nga đã tăng cao hơn so với tháng 2, nhưng một số lô hàng hóa đang tìm các điểm đến.
Theo công ty theo dõi tàu chở dầu Petro-Logistics, tính đến thời điểm hiện tại trong tháng 3, xuất khẩu dầu thô bằng đường biển từ Nga đã tăng 350.000 thùng/ngày (bpd) so với tháng 2/2022. Xuất khẩu dầu thô đạt trung bình gần 3 triệu thùng/ngày, trong khi xuất khẩu sản phẩm từ dầu là hơn 2 triệu thùng/ngày cho đến nay trong tháng này.
Mặt khác, xuất khẩu bằng đường biển của một số sản phẩm dầu, bao gồm dầu nhiên liệu và dầu chân không (VGO), đã giảm 40% cho đến nay trong tháng 3 so với tháng 2.
Một số sản phẩm dầu của Nga đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm người mua ngay cả trước khi Mỹ cấm nhập khẩu năng lượng của Moskva vào đầu tuần trước. Mặc dù lệnh cấm của Mỹ sẽ chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến một lượng nhỏ dầu xuất khẩu của Nga, nhưng tác động gián tiếp có thể lớn hơn vì ngày càng nhiều thương nhân và người mua tránh mua dầu thô của Nga do nguy cơ bị “trừng phạt” và vấn đề "uy tín".
“Chúng tôi nhận thấy một số tàu chở dầu xuất khẩu của Nga đang neo đậu và dường như đang chờ đơn đặt hàng”, giám đốc điều hành của Petro-Logistics, Daniel Gerber cho biết.
Petro-Logistics lưu ý có những dấu hiệu cho thấy "một lượng dầu đáng kể" đang hướng đến Trung Quốc, cũng như Ấn Độ, những nơi được cho là đã đặt mua loại dầu Urals - thường xuất khẩu sang châu Âu - lần đầu tiên kể từ tháng 11/2021.
Hiện những ai vẫn đang mua dầu thô của Nga?
Mỹ, Australia, Anh, Canada đã áp đặt lệnh cấm hoàn toàn đối với việc mua dầu của Nga, trong khi Liên minh châu Âu (EU) đang có kế hoạch tuần này sẽ thảo luận về một lệnh cấm tương tự, kéo giá dầu tăng nhanh trở lại.
Xuất khẩu dầu bằng đường biển của Nga tiếp tục tăng. (Ảnh: Oilprice.com)
Khối 27 thành viên EU đang chia rẽ về việc liệu có nên áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga hay không, bởi điều đó có thể ảnh hưởng đến khoảng 27% lượng hàng nhập khẩu của khối này. Một số nhà máy lọc dầu trong đất liền của EU gần như hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung dầu thô của Nga thông qua đường ống.
Nước nhập khẩu nhiều dầu thô Nga nhất trong EU là Đức, và Hà Lan, một trung tâm thương mại, đã cảnh báo rằng những quyết định vội vàng có thể làm tăng giá năng lượng hơn nữa và khiến một số nhà máy lọc dầu phải ngừng hoạt động.
Hungary phản đối lệnh cấm nhập khẩu năng lượng của Nga, trong khi Bulgaria cho biết họ có thể xin miễn trừ nếu lệnh cấm như vậy được thông qua.
Trong khi các cuộc tranh luận chính trị vẫn đang tiếp diễn, một số người mua ở châu Âu đã tự nguyện tránh xa dầu thô của Nga để tránh bị chỉ trích hoặc những khó khăn về mặt pháp lý có thể xảy ra.
Những nhà máy lọc dầu châu Âu tiếp tục mua dầu thô của Nga chủ yếu do các công ty Nga đồng sở hữu hoặc phụ thuộc vào nguồn cung dầu dẫn qua đường ống từ Nga.
Ngoài Liên minh châu Âu, những quốc gia từ chối chỉ trích Nga trong cuộc xung đột với Ukraine, chẳng hạn như Trung Quốc và Ấn Độ, cũng tiếp tục mua dầu thô của Nga.
Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đang tìm cách làm trung gian giữa Kyiv và Moscow, cũng không có kế hoạch ngừng mua dầu của Rusian.
Những khách hàng chủ chốt trong danh sách mua dầu thô của Nga:
Neftochim Burgas: Nhà máy lọc dầu của Bulgaria, thuộc sở hữu của hãng Lukoil của Nga, có khoảng 60% tổng lượng dầu thô nhập khẩu đến từ Nga, tiếp tục tinh chế dầu thô của Nga.
MIRO: Dầu thô của Nga tiếp tục chiếm khoảng 14% lượng tiêu thụ tại nhà máy lọc dầu lớn nhất của Đức, Miro, do Rosneft sở hữu 24%.
PCK Schwedt: Nhà máy lọc dầu của Đức, do Rosneft sở hữu 54%, nhận dầu thô qua đường ống Druzhba.
Leuna: Nhà máy lọc dầu Leuna nằm trong đất liền ở miền đông nước Đức, do TotalEnergies sở hữu phần lớn, cũng được cung cấp dầu thô của Nga bằng đường ống Druzhba.
Hindustan Petroleum: Công ty lọc dầu lớn nhất của Hy Lạp đang phụ thuộc vào dầu thô của Nga tương đương khoảng 15% sản lượng khai thác. Đầu tháng này, công ty đã đảm bảo nguồn cung bổ sung từ Saudi Arabia
ISAB: Nhà máy lọc dầu lớn nhất của Italy, thuộc sở hữu của Litasco SA thuộc tập đoàn Lukoil đặt tại Thụy Sĩ, chế biến các loại dầu thô của Nga và của những nước cung cấp khác.
MOL: Tập đoàn dầu mỏ Hungary, vận hành ba nhà máy lọc dầu ở Hungary, Slovakia và Croatia, tiếp tục được cung cấp dầu thô bởi đường ống Druzhba. Hungary phản đối các lệnh trừng phạt đối với dầu khí của Nga.
PKN Orlen: Nhà máy lọc dầu lớn nhất của Ba Lan, tiếp tục mua dầu thô của Nga cho các nhà máy lọc dầu của họ ở Lithuania, Ba Lan và Cộng hòa Séc, cho biết họ đang chuẩn bị cho việc dừng hoàn toàn nhập khẩu dầu Nga. Lithuania cho biết họ có kế hoạch ngừng sử dụng dầu và khí đốt của Nga.
Nhà máy lọc dầu Zeeland: Nhà máy lọc dầu ở Hà Lan, do Lukoil sở hữu 45%, từ chối bình luận về việc liệu nó có sử dụng dầu thô của Nga hay không.
Nhà máy lọc dầu Rotterdam: Exxon Mobil từ chối bình luận về việc liệu Nhà máy lọc dầu Hà Lan ở Rotterdam của họ có sử dụng dầu thô của Nga hay không.
Hindustan Petroleum: Các nhà máy lọc dầu nhà nước của Ấn Độ đã mua 2 triệu thùng Ural của Nga để sử dụng trong tháng 5 tới, theo các nguồn tin giao dịch vào tuần trước.
Indian Oil: Nhà máy lọc dầu hàng đầu của Ấn Độ đã mua 3 triệu thùng Ural, hàng giao tháng 5, các nguồn tin thương mại cho biết.
Những doanh nghiệp đã dừng mua dầu Nga
BP: Tập đoàn dầu mỏ của Anh, đang từ bỏ cổ phần của mình ở Rosneft, sẽ không ký các thỏa thuận mới với các thực thể của Nga để bốc xếp hàng tại các cảng của Nga, trừ khi "cần thiết để đảm bảo an ninh nguồn cung cấp".
ENI: Tập đoàn năng lượng ENI, do Chính phủ Italty sở hữu 30,3%, đang ngừng mua dầu của Nga.
Không có dầu thô nào của Nga sẽ được sử dụng tại nhà máy lọc dầu Bayernoil của Đức, trong đó Eni và Rosneft có cổ phần.
Equinor: Công ty năng lượng mà Chính phủ Na Uy sở hữu đa số đã ngừng kinh doanh dầu của Nga sau khi công ty này ngừng hoạt động tại Nga.
Galp: Công ty dầu khí của Bồ Đào Nha đã đình chỉ tất cả các giao dịch mua mới đối với các sản phẩm dầu mỏ từ Nga hoặc các công ty của Nga.
Neste: Nhà máy lọc dầu Phần Lan đã kỹ hợp đồng mua dầu của Nga đến cuối năm nay, nhưng không thực hiện bất kỳ thỏa thuận cung cấp mới nào.
Preem: Nhà máy lọc dầu lớn nhất của Thụy Điển, thuộc sở hữu của tỷ phú Saudi Arabiam, Mohammed Hussein al-Amoudi, đã "tạm dừng" các đơn đặt hàng dầu thô mới của Nga, chiếm khoảng 7% lượng mua của họ, thay thế bằng dầu Biển Bắc.
Repsol: Công ty Tây Ban Nha đã ngừng mua dầu thô của Nga trên thị trường giao ngay.
Shell: Nhà kinh doanh xăng dầu lớn nhất thế giới sẽ ngừng mua dầu thô của Nga và sẽ giảm dần sự tham gia vào tất cả các giao dịch hydrocacbon của Nga.
Total Energies: Công ty Pháp đã ngừng mua dầu từ Nga, mặc dù một trong những nhà máy lọc dầu nằm trong đất liền của họ ở Đức vẫn tiếp tục nhận dầu thô của Nga bằng đường ống.
Varo Energy: Nhà máy lọc dầu Thụy Sĩ, sở hữu 51,4% nhà máy lọc dầu Bayernoil của Đức, cho biết họ không có kế hoạch ký kết các giao dịch mới để mua dầu thô của Nga.
Theo các nhà phân tích và thương nhân, lệnh cấm nhập khẩu dầu của Mỹ có khả năng làm trầm trọng thêm cuộc cạnh tranh bán hàng của Nga, trong khi Trung Quốc và Ấn Độ không thể bù đắp những tổn thất từ thị trường châu Âu.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hôm 16/3 cảnh báo rằng thị trường có thể mất 3 triệu thùng/ngày nguồn cung dầu của Nga bắt đầu từ tháng tới.
Bùi Hằng