Chủ nhật, 24/11/2024 06:22 (GMT+7)
Thứ tư, 19/01/2022 22:00 (GMT+7)

Đâu là nguyên nhân khiến hồ thủy điện Yaly ô nhiễm nghiêm trọng?

Theo dõi KTMT trên

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng xác định nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm khu vực lòng hồ thủy điện YaLy là do người dân thu hoạch sắn nhưng còn sót lại cây và củ, khi bị ngập nước bị thối rữa.

Những ngày gần đây, người dân ở hạ nguồn suối Đăk Xier, nơi đổ ra lòng hồ thuỷ điện Yaly phát hiện nước ở đây đổi màu xanh đục, đặc quánh. Nhiều hộ dân sống và canh tác dọc hai bên bờ cho biết, nước có mùi hôi. Họ lo ngại nước ô nhiễm sẽ gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt.

Ông Phạm Văn Cầu, 53 tuổi, ở làng Kiến Hưng, xã YaLy, cho biết những năm trước nước lòng hồ cũng đổi màu, bốc mùi nhưng không nghiêm trọng như năm nay. Nếu không sớm xử lý, nguồn nước bị ô nhiễm ngấm sâu vào đất, ảnh hưởng sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Có 2 sào đất sát bờ hồ, sau khi thu hoạch vụ mì, ông Cầu cải tạo đất để trồng lúa. Công việc của ông trễ hơn mọi năm do ngại lội xuống ruộng khi nguồn nước bị ô nhiễm và mùi hôi thối xộc lên.

"Những hôm nắng to, mùi hôi nồng nặc, không ai dám ra đồng", ông Cầu nói và cho hay, khi chưa ô nhiễm, thuỷ sản ở hồ dồi dào, có đêm ông bắt vài chục kg tôm cá nhưng gần đây khan hiếm.

Đâu là nguyên nhân khiến hồ thủy điện Yaly ô nhiễm nghiêm trọng? - Ảnh 1
Nguồn nước bị nhuộm một màu xanh lục.

Trước tình trạng ô nhiễm này, Ủy ban nhân dân huyện Sa Thầy đã khẩn trương chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, làm rõ nguyên nhân xảy ra vụ việc. Qua đó, xác định nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm là do người dân thu hoạch sắn nhưng còn sót lại cây và củ, khi bị ngập nước bị thối rữa.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sa Thầy cho biết, qua kiểm tra thực tế, Phòng xác định nguyên nhân gây ô nhiễm, đổi màu nguồn nước không phải do 2 nhà máy chế biến tinh bột sắn và một cơ sở sản xuất mủ tờ cao su ở phía thượng nguồn suối Đăk Xiêr gây ra.

Thực hiện theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum, các nhà máy này đều lắp đặt hệ thống xử lý nước thải đạt loại A trước khi thải ra môi trường; đồng thời, lắp đặt hệ thống quan trắc tự động và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi hằng ngày nên không xảy ra tình trạng xả thải trái phép.

“Nếu đặt tình huống nhà máy xả thải gây ô nhiễm thật thì xã Sa Nhơn (nơi đặt các nhà máy) và thị trấn Sa Thầy (nơi dòng suối Đăk Xiêr chảy qua) cũng sẽ bị ô nhiễm. Tuy nhiên, qua kiểm tra tại các khu vực này, Phòng Tài nguyên và Môi trường nhận thấy nguồn nước không bị ô nhiễm, người dân vẫn nuôi trồng thủy sản và canh tác bình thường,” ông Nguyễn Văn Lâm khẳng định.

Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sa Thầy, người dân quanh khu vực cầu Đông Hưng (làng Kiến Hưng) canh tác sắn ở vùng bán ngập với diện tích khoảng 300 ha. Đến mùa thủy điện đóng nước thì người dân bắt đầu thu hoạch.

Tuy nhiên, bà con thu hoạch không sạch sẽ, còn sót lại cây và củ sắn nên khi nước dâng dẫn đến thối rữa, tạo váng làm nước đổi màu, bốc mùi hôi.

Lòng hồ thủy điện Yaly rộng tới 64,5km2, phần lớn nằm trên địa phận huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, thuộc lưu vực sông Pô Kô và Đăk Bla. Trên lòng hồ này, có nhà máy thủy điện Yaly là nhà máy thủy điện trên dòng Krông B'Lah ở ranh giới huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) và huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai). Thủy điện Yaly có công suất 720MW, điện lượng bình quân năm là 3.650 triệu KWh. Công trình này khởi công năm 1993, hoàn thành vào năm 2002.

Hà Lan (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Đâu là nguyên nhân khiến hồ thủy điện Yaly ô nhiễm nghiêm trọng?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới