Chủ nhật, 24/11/2024 14:53 (GMT+7)
Chủ nhật, 02/01/2022 13:00 (GMT+7)

Đầu năm 2022, 7 doanh nghiệp lớn mang 2 tỷ cổ phiếu lên sàn HoSE

Theo dõi KTMT trên

Theo thông tin từ Sàn Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), dự kiến sắp tới sẽ có 7 “tân binh” gia nhập sàn này; Trong đó phần lớn đều đang giao dịch trên sàn UPCoM.

Vừa qua, HoSE đã chấp thuận niêm yết mới và bổ sung niêm yết cổ phiếu cho một loạt doanh nghiệp, trong đó ngoài doanh nghiệp lớn ngành điện EVNGENCO3 thì còn 6 mã nữa cũng thông báo sẽ chào sàn này vào đầu năm 2022.

EVN Finance

Mã nhiều cổ phiếu thứ 2 là EVF của Công ty tài chính Cổ phần Điện lực (EVN Finance, EVF). Chưa có ngày lên sàn chính thức tại HoSE, song EVF có phiên giao dịch cuối cùng tại UPCoM là 29/12 và hủy đăng ký giao dịch từ 30/12.

Thông báo từ EVN Finance sẽ niêm yết 304,7 triệu cổ phiếu, tương đương vốn điều lệ 3.047 tỉ đồng. Hiện cổ phiếu EVF đang giao dịch trên sàn UPCoM với giá đóng cửa ngày 21/12 ở mức 18.500 đồng/cp.

Đầu năm 2022, 7 doanh nghiệp lớn mang 2 tỷ cổ phiếu lên sàn HoSE - Ảnh 1
EVN Finance có kết quả kinh doanh tốt trong năm 2021.

EVN Finance hoạt động chính trong lĩnh vực dịch vụ tài chính như huy động vốn, cho vay, bảo lãnh, chiết khấu, tái chiết khấu, cầm cố giấy tờ có giá, dịch vụ ngoại hối… Công ty này có 2 cổ đông lớn là Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank, chiếm 4,45% vốn điều lệ) và Công ty TNHH Đầu tư và Tư vấn Thiên Triều Aria (chiếm 4,99% vốn điều lệ).

Tính đến cuối tháng 9/2021, trên bảng cân đối, quy mô tổng tài sản của EVF đạt 31.907,7 tỉ đồng, tăng 10,8% so với đầu năm. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021 cho thấy doanh thu đạt 799,8 tỉ đồng, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm 2020, đạt 237,6 tỉ đồng.

EVNGENCO3

Mã nhiều cổ phiếu nhất chính là PGV (đã hoạt động trên UpCOM từ 2018) của Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3). Theo hồ sơ, EVNGENCO3 sẽ đưa lên sàn 1,12 tỷ cổ phiếu, tương ứng với vốn điều lệ hơn 11.234 tỷ đồng.

Đầu năm 2022, 7 doanh nghiệp lớn mang 2 tỷ cổ phiếu lên sàn HoSE - Ảnh 2
Sẽ có khoảng 2 tỷ cổ phiếu đổ bộ lên sàn HoSE vào đầu năm 2022.

Với tổng công suất 6.559 MW tại công ty mẹ và các đơn vị công ty con, công ty liên kết, EVNGENCO 3 hiện là nhà cung cấp điện lớn thứ 2 trên thị trường, sau công ty mẹ EVN. Trên sàn UpCOM, giá cổ phiếu này đã lên mức 39.200 đồng. Vốn hóa thị trường đạt 42.692 tỷ đồng, PGV nằm trong top 50 doanh nghiệp có quy mô vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán.

Hạ tầng giao thông Đèo Cả

HHV đã công bố chính thức huỷ giao dịch trên sàn UPCoM để chuyển sang HoSE ngày 31/12, với tổng số lượng 267,38 triệu cổ phiếu. Chốt phiên giao dịch cuối cùng trong năm 2021, HHV ở mức giá 26.700 đồng/cp, tăng 52% trong vòng 6 tháng qua. HHV sẽ có phiên giao dịch cuối cùng tại UPCoM vào 6/1/2022.

Đầu năm 2022, 7 doanh nghiệp lớn mang 2 tỷ cổ phiếu lên sàn HoSE - Ảnh 3
HHV muốn đổi sàn để thu hút nhiều nhà đầu tư hơn.

Lãnh đạo Đèo Cả chia sẻ về việc niêm yết trên HoSE cho biết, việc niêm yết trên UPCoM thời gian qua đã đảm bảo điều kiện huy động vốn để đầu tư và phát triển dự án. Tuy nhiên, công ty muốn chuyển sang HoSE để tăng tính thanh khoản và thuận lợi thu hút nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài.

Trước đó, hồi đầu tháng 11/2021, HHV tổ chức đại hội cổ đông bất thường thông qua kế hoạch điều chỉnh tăng vốn điều lệ lên hơn 5.300 tỷ đồng, nâng mục tiêu doanh thu cả năm 2021 lên 2.000 tỷ đồng (tăng 65% so với kế hoạch) và nâng mục tiêu lợi nhuận sau thuế lên 283 tỷ đồng (tăng 76% so với kế hoạch); đồng thời thông qua phương án chào bán cổ phiếu ưu đãi cho cổ đông hiện hữu.

Ở lĩnh vực xây dựng, Đèo Cả được mệnh danh là “vua hầm” khi thành công với nhiều công trình hầm trọng điểm như Đèo Cả, Cù Mông, Hải Vân… Năm 2022, Tập đoàn tiếp tục tham gia đầu tư các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; dự kiến đầu tư vào cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.

Viettel Construction

Kế hoạch chuyển sàn cho mã chứng khoán CTR đã được Tổng Công ty cổ phần Công trình Viettel (Viettel Construction) thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021. Theo đó, doanh nghiệp này muốn huỷ giao dịch toàn bộ cổ phiếu lưu hành tại UPCoM để chuyển sang HoSE. Số cổ phiếu là 93 triệu.

Trên sàn UPCoM thời gian qua, cổ phiếu CTR liên tục bứt phá mạnh và có thời điểm lên trên 90.000 đồng/cp vào tháng 10/2021. Chốt phiên giao dịch 29/12, thị giá CTR dừng ở mốc 87.000 đồng/cp; vốn hóa thị trường đạt hơn 8.084 tỷ đồng.

Tiền thân của Viettel Construction là xí nghiệp khảo sát thiết kế, xây lắp công trình (trực thuộc Công ty Điện tử Viễn thông Quân đội). Đến năm 2006, đơn vị này được đổi tên thành Công ty TNHH Nhà nước MTV Công trình Viettel và được kỳ vọng cán mốc doanh thu 15.000 tỷ đồng đến năm 2025.

Đầu năm 2022, 7 doanh nghiệp lớn mang 2 tỷ cổ phiếu lên sàn HoSE - Ảnh 4
Biểu đồ cổ phiếu CTR trên sàn UPCoM.

Lĩnh vực hoạt động chính của Viettel Construction là đầu tư và cho thuê hạ tầng kỹ thuật, xây lắp mạng lưới viễn thông và dân dụng, vận hành khai thác mạng lưới viễn thông. Tại Đại hội, CTR đã thông qua việc bổ sung lĩnh vực kinh doanh dịch vụ thương mại điện tử, kiến trúc và tư vấn kỹ thuật có liên quan…

Công trình Viettel, về tình hình kinh doanh tăng trưởng liên tục từ năm 2016 đến 2020, lợi nhuận tăng từ 132 tỷ lên 345 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh năm 2021 tiếp tục vượt trội khi trong 11 tháng, doanh thu đạt 6.780 tỷ đồng, vượt 3% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế 406 tỷ đồng, vượt 16% kế hoạch năm và cao hơn 18% so với cả năm 2020.

ABR, GHM và FUEKIV30

Ngoài những mã trên, 2 công ty chứng khoán khác cũng rục rịch đăng ký niêm yết trên HoSE. Đó là CSI của CTCP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam và TCI của Chứng khoán Thành Công. Trên sàn UPCoM, thị giá CSI đang giữ mạch tăng rất tốt, ghi nhận mức đỉnh lịch sử 55.400 đồng/cp trong phiên 29/12. HoSE thông báo đã nhận được hồ sơ niêm yết của CSI vào ngày 3/12/2021 với số lượng đăng ký là 16,8 triệu cổ phiếu.

Riêng TCI thì mới thông qua Nghị quyết HĐQT về việc triển khai thủ tục niêm yết trên HoSE. Thị giá cổ phiếu TCI trong năm 2021 cũng tăng gấp gần 5 lần so với mức đầu năm theo thống kê.

Vào đầu năm nay, 3 mã khác sẽ lên sàn HoSe là ABR của Công ty cổ phần Đầu tư nhãn hiệu Việt (20 triệ cổ phiếu), GMH của Công ty CP Minh Hưng Quảng Trị (16,5 triệu cổ phiếu) và quỹ ETF KIM Growth VN30 thuộc Công ty TNHH Quản lý quỹ KIM Việt Nam (7,1 triệu cổ phiếu). Trong đó, quỹ ETF KIM Growth VN30 được chấp thuận niêm yết từ 21/12, ngày giao dịch đầu tiên 7/1 với mã chứng khoán FUEKIV30. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên sẽ do Công ty TNHH Quản lý quỹ KIM Việt Nam công bố vào ngày 6/1/2022.

Về Công ty TNHH Quản lý quỹ KIM Việt Nam thành lập từ tháng 10/2020. Công ty này có 100% vốn điều lệ thuộc sở hữu của Công ty mẹ là Công ty quản lý tài sản Korea Investment Management (Hàn Quốc). Quy mô tài sản ủy thác của KIM Việt Nam hiện gần 23.000 tỷ đồng.

Mặt khác, Công ty CP Khoáng sản FECON cũng được HoSE chấp thuận bổ sung thêm 4 triệu cổ phiếu FCN, lên sàn từ ngày 4/1/2022.

Bùi Hằng (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Đầu năm 2022, 7 doanh nghiệp lớn mang 2 tỷ cổ phiếu lên sàn HoSE. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới