Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số lĩnh vực tài nguyên và môi trường
Nhằm hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10) tới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa ban hành Kế hoạch truyền thông cho sự kiện Tuyên truyền chuyển đổi số lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Theo đó, Bộ TN&MT sẽ tập trung tuyên truyền về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của chu yển đổi số đối với cuộc sống nói riêng của mỗi người và sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nói chung của đất nước trên tinh thần “Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động, thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số toàn diện ngành tài nguyên và môi trường.
Bên cạnh đó, triển khai các hoạt động nhằm nâng cao văn hóa khai thác và ý thức sử dụng công nghệ thông tin; thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cán bộ, công chức hành động đồng bộ nhằm hướng tới các ứng dụng lành mạnh, thiết thực, hiệu quả, góp phần hình thành xã hội thông tin, gắn kết với bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cho người sử dụng; hướng tới bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số; phục vụ tốt mục tiêu quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường.
Nội dung tuyên truyền chuyển đổi số ngành tài nguyên và môi trường
Nội dung tuyên truyền các chương trình, nội dung triển khai về chuyển đổi số ngành tài nguyên môi trường; tầm quan trọng, ý nghĩa, mục tiêu và tác động của chuyển đổi số, chính quyền số, công nghệ số; sự cần thiết phải chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, ứng dụng công nghệ thông tin đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số và kết quả thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số, chuyển đổi số ngành tài nguyên môi trường.
Thông tin, chia sẻ, phổ biến câu chuyện thành công, tôn vinh gương thành công điển hình về chuyến đổi số; cách làm hay, sáng tạo, mô hình điển hình về chuyển đổi số; những thành tựu, hiệu quả về chuyển đổi số và những vấn đề có liên quan trong công tác chuyển đổi số của ngành tài nguyên và môi trường.
Các nhiệm vụ cần triển khai
Bộ TN&MT giao Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường là cơ quan đầu mối, có nhiệm vụ theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ truyền thông Ngày Chuyển đổi số 10/10.
Các cơ quan báo chí thuộc Bộ được giao nhiệm vụ cụ thể về tuyên truyền chuyển đổi số, trong đó hướng đến việc lựa chọn các phương thức truyền thông phù hợp, hiệu quả nhằm hình thành cộng đồng công dân số và văn hóa số; tuyên truyền, hướng dẫn người dân hoạt động có văn hóa trong xã hội số, hình thành văn hóa số; Thông tin về các cơ chế, chính sách, phát triển nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng số, phát triển nền tảng số và đảm bảo an toàn, an ninh mạng đáp ứng yêu cầu chuyến đổi số; các giải pháp phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; một số lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số ngành tài nguyên và môi trường.
Từ ngày 10/3/2021, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành Quyết định số 417/QĐ-BTNMT phê duyệt Chương trình chuyển đổi số tài nguyên và môi trường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo nội dung Chương trình, mục tiêu đến năm 2025, 80% cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường được xây dựng, cập nhật trên nền tảng dữ liệu lớn (Big data); trong đó cơ bản hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia; cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia; sẵn sàng kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở để thực hiện dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp. 100% dịch vụ công trực tuyến cung cấp ở mức độ 4, được xác thực một lần, cung cấp trên nhiều nền tảng thiết bị, tối ưu hoá, mang lại sự thuận tiện cho người dùng; 70% dịch vụ hành chính công phát sinh hồ sơ trực tuyến; tích hợp các dịch vụ công trực tuyến với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Duy trì 100% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước)...
Mục tiêu đến năm 2030, giảm 30% thủ tục hành chính; 50% dịch vụ công có sự tham gia cung cấp bởi các tổ chức ngoài nhà nước. 100% dịch vụ hành chính công phát sinh hồ sơ trực tuyến; tích hợp các dịch vụ công trực tuyến với cổng Dịch vụ công quốc gia. 95% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính… Hoàn thiện cơ sở dữ liệu, bảo vệ chủ quyền quốc gia về dữ liệu tài nguyên và môi trường trên không gian mạng, liên tục cập nhật với sự tham gia, đóng góp của tổ chức, cá nhân, cộng đồng; bảo đảm cung cấp, chia sẻ dữ liệu cho thực hiện dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp, làm nền tảng phát triển Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh.
Hải An