ĐBQH ghi nhận nhiều điểm sáng trong thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh
Sáng 23/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Điều hành thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trình Quốc hội lần này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo chuẩn bị rất sớm và làm rất kỹ lưỡng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận thống nhất trình Quốc hội trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đề nghị của đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí. Các đề nghị trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, các báo cáo tham gia thẩm tra của Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội và ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Kỳ họp thứ 5 là kỳ họp giữa nhiệm kỳ, do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị có dung đánh giá khái quát về kết quả hoạt động lập pháp của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay và trong phần kiến nghị nêu một số giải pháp đề nghị Chính phủ, các cơ quan, các vị đại biểu Quốc hội quan tâm để triển khai thực hiện tốt chương trình năm 2024, phấn đấu hoàn thành định hướng chương trình xây dựng pháp luật cả nhiệm kỳ của Quốc hội.
Nhìn lại chặng đường lập pháp của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đại biểu Lê Thanh Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau đánh giá cao hai kết quả nổi bật của Quốc hội khóa XV. Thứ nhất là có được Đề án trình Bộ Chính trị về định hướng xây dựng pháp luật của cả nhiệm kỳ. Có được kết quả này có vai trò của Đảng đoàn Quốc hội. Trong bối cảnh thiếu đi nền tảng kế hoạch, kể cả quy hoạch về lập pháp cho cả nhiệm kỳ dẫn đến chương trình xây dựng pháp luật của từng năm bị động, cho nên việc ra đời định hướng chương trình này là một điểm sáng cho hoạt động lập pháp, tư duy chiến lược dài hơi hơn song hành với Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc của mỗi nhiệm kỳ.
Thứ hai là có phương thức lập pháp thích ứng với sự biến đổi của kinh tế - xã hội, đó là việc ban hành các Nghị quyết 30, Nghị quyết 35 của Quốc hội trao cho Chính phủ những quyền năng động hơn để đối phó với đại dịch là những điều chưa có tiền lệ trong hoạt động lập pháp.
Cùng quan điểm, đại biểu Vũ Tiến Lộc – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cho biết thêm ngoài những kết quả được các đại biểu chỉ ra, có thêm điểm sáng rất quan trọng trong nhiệm kỳ này là sự phối hợp có hiệu quả hơn, sâu sát hơn giữa Quốc hội và Chính phủ trong chương trình xây dựng pháp luật. Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trở nên khắt khe hơn, có những yêu cầu cao hơn đối với Chương trình xây dựng pháp luật của Chính phủ trình ra.
Theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn, thời gian qua, việc lập chương trình xây dựng pháp luật ngày càng được nâng cao về chất lượng và tiến độ. Các đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh ngày càng được xem xét thận trọng, chặt chẽ hơn, chất lượng hồ sơ ngày càng được nâng cao. Quá trình thẩm tra, tham gia thẩm tra đề nghị xây dựng luật của các cơ quan của Quốc hội ngày càng được tăng cường, đặc biệt hoạt động phản biện xã hội, ý kiến tham gia đóng góp của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên ngay từ khi lập đề nghị và trong suốt quá trình soạn thảo đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật.
Đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình nêu rõ, mặc dù gặp nhiều khó khăn, song từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và các nhiệm vụ lập pháp theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, công tác lập pháp của Quốc hội đã đạt nhiều kết quả tích cực, có nhiều đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong phương thức hoạt động, phát huy dân chủ, đề cao tinh thần trách nhiệm. Với tinh thần lập pháp chủ động vào cuộc từ sớm, từ xa, Quốc hội đã thông qua số lượng lớn luật, pháp lệnh, nghị quyết với con số cụ thể là 15 luật 21 nghị quyết quy phạm pháp luật và cho ý kiến với 7 dự án luật khác. Kết quả này đã góp phần quan trọng từng bước hoàn thiện, đồng bộ thể chế.
Nhấn mạnh, khối lượng công tác lập pháp cần hoàn thành trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 là rất lớn, chưa kể đến việc có thể còn phải bổ sung các nhiệm vụ lập pháp mới theo các yêu cầu tại các văn kiện của Đảng và để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, nhưng thời gian còn lại của nhiệm kỳ sau khi Quốc hội thông qua chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 thì chỉ còn quỹ thời gian là 2 kỳ họp Quốc hội năm 2025. Do đó, đại biểu Nguyễn Văn Huy đề nghị các cơ quan tiếp tục nỗ lực tập trung chỉ đạo công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, bảo đảm chất lượng, tiến độ các dự án được giao, đề xuất sáng kiến, giải pháp để Quốc hội có thể hoàn thành cơ bản chương trình công tác lập pháp của nhiệm kỳ, bảo đảm chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.
Để việc xây dựng luật, pháp lệnh được đồng bộ, pháp luật nhanh chóng đi vào đời sống, đại biểu Nguyễn Văn Huy kiến nghị Quốc hội, Chính phủ giao nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn để trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh việc xây dựng chính sách pháp luật của các dự án luật phải cơ bản hoàn thành cùng với việc thông qua chương trình. Kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành hình thành rõ ràng những cơ chế, chính sách ngay trong các đề xuất xây dựng luật, pháp lệnh. Đồng thời xem xét, duyệt và chịu trách nhiệm về các chính sách trong các dự án luật, pháp lệnh được đưa vào chương trình để Quốc hội thông qua chương trình, đồng thời cũng phê chuẩn các chính sách do Chính phủ đề xuất và từ đó thì có điều kiện để giám sát việc luật hóa các chính sách trong các dự án luật, pháp lệnh được sát hơn. Điều đó cũng góp phần thực hiện phương châm lập pháp chủ động, vào cuộc từ sớm, từ xa.
Cơ bản nhất trí với các đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về những kết quả đạt được và một số bất cập, hạn chế trong bối cảnh tình hình từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, đại biểu Nguyễn Thị Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cho rằng trong bối cảnh có một số yếu tố đặc thù tác động lớn đến công tác lập và thực hiện chương trình, Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ đã chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, dành nhiều sự quan tâm hơn cho công tác xây dựng thể chế và có nhiều đề xuất thiết thực trong việc đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội để kịp thời đáp ứng yêu cầu của đời sống xã hội.
Cùng với đó, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tiếp tục có nhiều đổi mới trong công tác lập pháp, chú trọng chất lượng, hiệu quả, bám sát yêu cầu thực tiễn trong việc xem xét, đề nghị thẩm tra cho ý kiến tiếp thu, chỉnh lý thông qua các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết. Đồng thời đã chủ động, tích cực đồng hành cùng Chính phủ, các bộ, ngành trong việc thực hiện Kế hoạch 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về triển khai thực hiện Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng chương trình xây dựng luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, phối hợp xác định các vấn đề cấp bách thực tiễn đòi hỏi để đề xuất, yêu cầu các cơ quan nghiên cứu lập đề nghị xây dựng luật đưa vào chương trình.
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân nhấn mạnh, trong thời gian qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức khác đã thích ứng linh hoạt với tình hình, vượt qua khó khó khăn, tích cực, chủ động trong công tác lập và thực hiện chương trình, cơ bản bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng. Theo đại biểu, trong thời gian tới, Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục phát huy các kết quả này, đặc biệt là công tác xây dựng pháp luật cần được chuẩn bị từ sớm, từ xa. Các chính sách được đề xuất phải nhằm kịp thời triển khai thực hiện Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đồng thời, những chính sách này cần được bảo đảm, đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn nhưng vẫn bảo đảm được tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Theo Quochoi.vn