Thứ năm, 28/11/2024 02:55 (GMT+7)
Thứ ba, 06/10/2020 17:34 (GMT+7)

Để Hà Nội không còn khói rơm, rạ: Dựa vào ý thức thôi, chưa đủ!

Theo dõi KTMT trên

Nhiều năm qua, việc đốt rơm rạ sau thu hoạch đã trở thành thói quen lâu đời của người dân. Để hạn chế tình trạng này, Hà Nội triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhưng dường như vẫn chưa thể mang lại hiệu quả.

Nhắc đến câu chuyện phơi, đốt rơm rạ và các phụ phẩm nông nghiệp vùng ngoại thành hẳn không ít người sẽ nghĩ ngay đến câu cửa miệng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Thực tế, chuyện này cũng đã khiến dư luận xôn xao thời gian dài, nhiều người tỏ ra lo ngại về mức độ ô nhiễm không khí gia tăng, tuy nhiên để dứt điểm dường như vẫn chưa có hồi kết.

Để Hà Nội không còn khói rơm, rạ: Dựa vào ý thức thôi, chưa đủ! - Ảnh 1
Tình trạng đốt rơm, rạ vẫn tái diễn tại Hà Nội. (Ảnh minh họa)

Theo báo cáo của các quận, huyện và thị xã cho thấy, mỗi năm tại TP.Hà Nội phát sinh một triệu tấn rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp. Trong đó, lượng rơm rạ phát sinh là 642.000 tấn (chiếm 59%), số lượng đốt bỏ khoảng 296.000 tấn (chiếm 36%).

Rơm rạ bị đốt khiến khói mù bủa vây từ đồng ruộng đến đường quốc lộ. Nhiều người đi đường cũng phản ánh, khói bao phủ khiến không khí ngột ngạt, khi lưu thông ngoài đường rất khó thở, cay mắt.

Ngoài ra, theo các chuyên gia về môi trường, việc đốt nhiều rơm rạ sẽ làm nóng bầu khí quyển, đẩy nhiệt độ lên cao. Đây cũng là nguyên nhân chính góp phần làm gia tăng nồng độ bụi mịn PM2.5 trong không khí.

Chia sẻ về vấn đề này, TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, khi đốt rơm rạ, một lượng bụi mịn có đường kính nhỏ sẽ đi sâu vào phổi, máu của người hít phải. Chính điều này sẽ gây nên các bệnh về đường hô hấp cấp tính và mạn tính.

Theo ông Tùng, nếu như với ô nhiễm bụi bình thường, dùng khẩu trang có thể ngăn chặn được, còn với bụi mịn, khẩu trang cũng vô ích.

Ông Tùng cũng cho rằng, nguyên nhân chính hiện nay là do thói quen của người dân từ xưa là đốt rơm, rạ tại ruộng. Hơn nữa, nhận thức của người dân về tác hại của việc đốt rơm, rạ gây ô nhiễm môi trường không khí còn hạn chế. Ngoài ra, do điều kiện kinh tế của người dân còn hạn chế nên việc triển khai các biện pháp xử lý rơm, rạ, nhất là việc dùng chế phẩm sinh học để phân hủy gặp nhiều khó khăn.

"Trong thời gian tới, địa phương cần tiếp tục triển khai các hoạt động tuyên truyền về tác hại của việc đốt rơm, rạ đến môi trường và sức khỏe con người; khuyến khích các mô hình sản xuất sử dụng các loại phụ phẩm nông nghiệp; xây dựng tiêu chí thi đua, khen thưởng cho các địa phương làm tốt công tác thu gom, xử lý rơm rạ hiệu quả" - ông Tùng nói.

Từ thực tế trên cho thấy, hệ thống pháp luật về môi trường dường như vẫn tương đối sơ sài. TS Hoàng Dương cho rằng, hiện chúng ta không có bộ luật về môi trường mà chỉ có duy nhất luật Bảo vệ môi trường ra đời năm 1993, được sửa đổi vào năm 2005, sau đó sửa tiếp năm 2014 và hiện đang tiếp tục sửa đổi để trình Quốc hội thông qua vào tháng 11 tới. “Tôi đề xuất phải chia thành các luật thành phần như Luật Không khí sạch, luật Chất thải rắn, luật về Nước sạch... để quản lý chặt chẽ.

Trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường 2020, vấn đề không khí được đề cập rất ít. Cách đây một tháng, Ủy ban Khoa học của Quốc hội họp với các nhà khoa học để lấy ý kiến trước khi thông qua luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), tôi có nói tôi chưa thấy nước nào mà quy định về môi trường không khí xung quanh chỉ nói trong 1,5 trang trên tổng số 174 trang của Luật Bảo vệ môi trường. Trong khi đó, vấn đề kiểm kê khí thải, vấn đề vùng sinh thái, bụi mịn PM2.5 đang nóng dư luận hiện nay... thì lại không được đưa vào luật lần này” - TS Hoàng Dương Tùng chia sẻ.

Trước những thực trạng trên, thời gian qua TP.Hà Nội cũng đã triển khai nhiều giải pháp hạn chế, tiến tới đẩy lùi tình trạng này. Nhiều địa phương đã tích cực tuyên truyền để người dân ký cam kết không đốt rơm rạ, sử dụng chế phẩm xử lý rơm rạ sau thu hoạch.

Mới đây nhất, ngày 18/9/2020 UBND TP.Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND về việc tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Theo Chỉ thị, trước ngày 30/9/2020, các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân, các tổ dân phố, thôn, xóm, bản làng về chủ trương của thành phố trong việc thực hiện quy trình thu gom, vận chuyển và xử lý rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải khác theo quy định; đồng thời đánh giá hiện trạng, xác định nguyên nhân đốt và giải pháp nhằm kiểm soát tốt công tác quản lý rác thải và rơm rạ, phụ phẩm cây trồng trên địa bàn quản lý.

Trước ngày 31/12/2020, thực hiện các biện pháp hỗ trợ để người dân không đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng sau khi thu hoạch và chuyển sang các giải pháp xử lý khác thân thiện với môi trường và bảo đảm sức khỏe cộng đồng, nhằm chấm dứt hoàn toàn tình trạng đốt rơm rạ và phụ phẩm cây trồng.

Thành phố đặt mục tiêu, từ ngày 1/1/2021, 100% rơm rạ và phụ phẩm cây trồng phát sinh được thu gom, tái sử dụng hoặc xử lý bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật môi trường; không còn hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải rắn thải sinh hoạt không đúng quy định trên địa bàn thành phố.

Minh Phương

Bạn đang đọc bài viết Để Hà Nội không còn khói rơm, rạ: Dựa vào ý thức thôi, chưa đủ!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới