Để mía đường không còn 'đắng'
Dự báo niên vụ 2021-2022 ngành mía đường sẽ có nhiều khởi sắc nhờ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) ông Cao Anh Dương nhận định về ngành mía đường trong thời gian qua, rằng, trong niên vụ 2020-2021, người nông dân không mặn mà với cây mía dẫn đến năng suất, chất lượng và sản lượng mía đều giảm. Diện tích trồng mía đã giảm 19,83% so với vụ trước. Thậm chí có những vùng trồng mía bị xóa sổ.
Vừa qua, không ít doanh nghiệp, cũng lâm vào tình trạng làm ăn thua lỗ, nợ tiền thuế, tiền lương, BHXH cho công nhân và tiền thu mua mía của người nông dân. Số lượng các nhà máy bị đóng cửa ngày càng tăng. Đã có khoảng 3.300 người lao động bị mất việc làm và 93.225 hộ nông dân bị ảnh hưởng do khó khăn của ngành sản xuất đường trong nước.
Tình trạng này được lý giải, năm 2020 Việt Nam thực thi Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) với ngành mía đường với thuế nhập khẩu ở mức 5%. Chính điều đó đã khiến đường Việt bị cạnh tranh bởi đường nhập khẩu từ các nước ASEAN, trong đó chủ yếu là từ Thái Lan. Năm 2020, nhập khẩu đường từ Thái Lan đạt gần 1,5 triệu tấn, tăng 330% so với năm 2019.
Việt Nam có 41 nhà máy sản xuất đường trước khi ngành đường thực thi ATIGA. Tuy nhiên, đến năm 2020 chỉ có 30 nhà máy còn hoạt động, 11 nhà máy đã buộc phải đóng cửa. Tính đến cuối tháng 10/2021, đã có tới 17 nhà máy mía đường bị phá sản.
Theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, đường là mặt hàng Việt Nam dành thời hạn cắt giảm thuế lâu nhất. Trước khi thực thi hiệp định, Việt Nam đã xin lùi thời hạn cắt giảm thuế thêm 2 năm so với cam kết ban đầu để đảm bảo lợi ích cho người dân.
Bộ Công Thương cho hay, đã có những dấu hiệu cho thấy đường Thái Lan bán với giá rất rẻ do bán phá giá và nhận được trợ cấp từ Chính phủ Thái Lan. Chính vì vậy, ngày 15/06/2021, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1578/QĐ-BCT, áp dụng mức thuế PVTM là 47,64% đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam. Đây được coi là biện pháp phòng vệ đầu tiên đối với Thái Lan trong việc xuất khẩu đường sang nước ta.
Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) chia sẻ tại tọa đàm “Thực trạng ngành mía đường Việt Nam sau khi áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại” cho biết, đây là những biện pháp nhằm đảm bảo cho hàng hóa sản xuất trong nước có được sự cạnh tranh công bằng, lành mạnh đối với hàng hóa nhập khẩu.
Cùng với đó, trên cơ sở đó thúc đẩy sự phát triển của ngành sản xuất trong nước cũng như bảo vệ được ngành sản xuất trong nước trước tác động không mong muốn từ bên ngoài.
Từ khi áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, lượng đường xuất khẩu của Thái Lan sang Việt Nam từ tháng 3/2021 giảm tới 75%. Điều này làm giảm sức cạnh tranh của đường Thái Lan với đường Việt tại thị trường nội địa, góp phần đẩy giá thu mua mía tăng thêm từ 100.000 đến 200.000 đồng/tấn.
Trong thời gian tới, ngành mía Việt Nam sẽ khởi sắc
Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho hay, niên vụ 2021-2022 dự báo sẽ là một năm khởi sắc của ngành đường Việt Nam sau khi Bộ Công Thương áp dụng thuế chống bán phá giá chống trợ cấp chính thức đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan trong thời hạn 5 năm, dù dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Dự kiến, vụ chế biến 2021-2022 còn 24 nhà máy đường hoạt động, với tổng công suất thiết kế là 122.200 tấn mía/ngày.
Thời điểm hiện tại, Việt Nam đã tiến hành điều tra phòng vệ thương mại tổng cộng là 25 vụ việc, trong đó là có 15 vụ việc chống bán phá giá, 6 vụ việc tự vệ, 01 vụ việc chống trợ cấp và 2 vụ việc lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.
Thông tin từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, theo báo cáo của các nhà máy đường dự kiến còn hoạt động trong vụ 2021-2022, diện tích mía thu hoạch 148.196 ha. Sản lượng mía đưa vào chế biến 8.599.409 tấn. Sản lượng đường 873.283 tấn.
Cuối năm 202, giá đường trong nước đạt mức cao nhất trong 4 năm qua. Theo Agriseco dự báo giá đường sẽ tiếp tục tăng, giữ ở mức cao trong thời gian tới. Điều đó giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp nội địa sau nhiều năm giá đường sụt giảm và không cạnh tranh được với đường nhập khẩu.
Lý giải về việc giá đường tăng trong thời gian qua, các chuyên gia từ Agriseco cho biết, sản lượng đường tại một số quốc gia xuất khẩu đường lớn trên thế giới như Brazil và Thái Lan sụt giảm mạnh gây ra thâm hụt đường trên toàn cầu. Xu thế này được dự báo sẽ tiếp diễn trong niên vụ tới và giá đường toàn cầu đang trong đà tăng mạnh mẽ.
Cùng với đó, tình hình thời tiết thuận lợi sẽ là động lực để mở rộng trở lại vùng trồng, giúp tăng sản lượng tiêu thụ, dự kiến niên vụ tới sản lượng mía đưa vào ép tăng hơn 25%.
Mặt khác, ngành mía đường sẽ củng cố phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất mía đường, đặc biệt trong điều kiện cạnh tranh cây trồng tại các địa phương ngày càng gia tăng.
Bùi Hằng (T/h)