Chủ nhật, 24/11/2024 08:23 (GMT+7)
Thứ ba, 25/01/2022 23:00 (GMT+7)

Để tái mở cửa du lịch, cần sớm giải quyết rào cản visa

Theo dõi KTMT trên

Chiều 24/1, tại hội thảo về lộ trình và giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế, các chuyên gia đều chỉ ra visa đang là vấn đề gây trở ngại lớn nhất đối với khách quốc tế đến Việt Nam hiện nay.

Việt Nam thí điểm khôi phục các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ chở khách tới các địa bàn có hệ số an toàn cao từ ngày 1/1/2022. Các doanh nghiệp lữ hành nhìn nhận chính sách thí điểm trên rất tích cực, tạo cơ hội cho ngành du lịch dần phục hồi sau gần hai năm dừng hoạt động vì dịch Covid-19.

Trong bối cảnh Covid-19, Chính phủ đã thắt chặt lại việc cấp visa nhập cảnh cho một số quốc gia. Trong khi đó, doanh nghiệp khi ký hợp đồng với đối tác nhưng đến thời điểm đi du lịch Việt Nam, vì lý do nào đó công ty không bảo lãnh được visa nhập cảnh cho khách dẫn đến không thể nhập cảnh được thì doanh nghiệp đó sẽ phải đền hợp đồng gấp 3 lần giá trị tiền tour.

Để tái mở cửa du lịch, cần sớm giải quyết rào cản visa - Ảnh 1
Đề xuất khôi phục chính sách miễn visa cho khách du lịch vào Việt Nam trước năm 2020. (Ảnh: Internet)

Vấn đề rào cản pháp lý hiện nay là chính sách visa xuất nhập cảnh cho khách quốc tế đến Việt Nam. Nếu không có cam kết pháp lý xuất nhập cảnh rõ ràng thì doanh nghiệp sẽ không mạnh dạn bán tour đến Việt Nam, cũng như các đối tác lữ hành quốc tế không thể ký kết hợp đồng.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam nêu lên tiếng nói của các doanh nghiệp du lịch trước rào cản này chỉ ra, vấn đề cần nhất để mở cửa du lịch bây giờ chính là chính sách visa. Trước 2020, Việt Nam đã miễn visa đơn phương cho nhiều nước, nhưng hiện đã thay đổi chính sách này khiến du khách lo ngại khi có ý định vào Việt Nam.

Để tháo gỡ khó khăn này, ông Bình đề xuất khôi phục chính sách miễn visa cho khách du lịch vào Việt Nam trước năm 2020. Nhưng phải kiểm tra tình hình các doanh nghiệp và các doanh nghiệp đã đăng ký lại với Tổng cục Du lịch đủ điều kiện để đón khách.

Ông Bình đề xuất: “Tôi nghĩ có lẽ ngay lập tức có 7.800 doanh nghiệp sẵn sàng đón khách. Bộ Y tế trình Chính phủ về việc cách ly ở các địa phương để khách đến biết được rõ ràng. Đề nghị các địa phương nếu có gì thay đổi chính sách dành thời gian báo trước cho doanh nghiệp để họ thay đổi”.

Từ góc độ của một công ty hàng không lớn nhất Việt Nam, ông Trịnh Hồng Quang, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines nhận định, thị trường nội địa đã có dấu hiệu khởi sắc. Chưa bao giờ kể từ khi bùng dịch Covid-19 sân bay Tân Sơn Nhất tắc nghẽn như bây giờ.

Tuy nhiên để mở cửa du lịch được thuận lợi, đáp ứng nhu cầu hiện có, ông Quang cũng đưa ra đề nghị Chính phủ quay lại việc cấp visa như năm 2019.

Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines nói thêm: “Cùng với đó, ngành du lịch nên tuyên bố đón khách ngay từ 1/2/2022 để các thị trường chuẩn bị. Không thực hiện cách ly tại Hà Nội, nếu không sẽ không có khách. Cần có quy trình thống nhất xử lý với khách du lịch bị F0. Thị trường khách quốc tế đến Việt Nam chủ yếu khách du lịch”.

Cùng chung băn khoăn giống các chuyên gia khác, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Du lịch cho rằng, con số hơn 8.500 khách quốc tế vừa qua rất nhỏ so với gần 2 triệu khách/tháng trước đây của Việt Nam. Có thể thấy, do quy định về phòng dịch hiện hành khách rất ngại vào Việt Nam. Tại sao chúng ta không bỏ các quy định đó đi để tạo điều kiện cho khách du lịch có thể đến Việt Nam.

Ông Kiên kiến nghị: “Tại sao chúng ta không mở rộng miễn thị thực cho các thị trường trọng điểm. Tôi ủng hộ mạnh mẽ việc mở càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, cần có thời gian để việc mở cửa được an toàn và cần tạo mọi điều kiện để đưa du khách đến Việt Nam. Tinh thần là sớm hơn so với dự kiến là 30/4/2022”.

Để tái mở cửa du lịch, cần sớm giải quyết rào cản visa - Ảnh 2
Cần mở rộng miễn thị thực cho các thị trường trọng điểm.

Đưa ra đề xuất giải quyết vấn đề rào cản visa, ông Trần Văn Dự, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) lưu ý từ 18/1, Chính phủ thông báo tạo điều kiện cho các chuyến bay thương mại quốc tế. Do đó tất cả visa còn hạn cứ bay vào Việt Nam, không có khó khăn gì cả.

Ông Dự giải thích, kinh tế cả nước đã mở 70%, chỉ du lịch là còn đóng. Các loại thăm thân nhân, hội nghị, thội thảo mở rồi. 50% trong số 8.500 khách bay về là người Việt Nam. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, chưa về được qua chuyến bay thường kỳ, những người bắt buộc phải về cùng với người nước ngoài có vợ, chồng ở Việt Nam.

Ông Dự đặt ra các giả thiết: “Thực tế đặt ra vấn đề người nước ngoài có nhu cầu vào du lịch ở Việt Nam như thế nào? Họ có sợ quay lại nước thì bị cách ly không? Chúng ta thoáng nhưng họ khó thì sao”.

Theo ông Trần Văn Dự, Việt Nam có thể tuyên bố mở, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế, còn các doanh nghiệp có khả năng đón được khách hay không thôi. Luật Xuất nhập cảnh của Việt Nam đang miễn visa cho công dân 13 nước, miễn song phương chủ yếu các nước ASEAN và 78 nước được cấp thị thực điện tử.

Ông Dự đưa ra những vấn đề cần lưu ý liên quan đến chính sách visa: “Băn khoăn đặt ra là, nếu miễn thị thực đơn phương thì doanh nghiệp du lịch sẽ bị ‘tuột tay’. Khách du lịch họ vào tự do, doanh nghiệp có kiểm soát được không? Họ vào du lịch nhưng đi cá nhân, rồi đi xe ôm… thì doanh nghiệp du lịch có được gì không? Ai là người kiểm soát khách này? Đây là điều rất cần cân nhắc điều này”.

Bùi Hằng (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Để tái mở cửa du lịch, cần sớm giải quyết rào cản visa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới