Chủ nhật, 24/11/2024 08:17 (GMT+7)
Thứ năm, 21/03/2024 13:52 (GMT+7)

Đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng

Theo dõi KTMT trên

Ngân hàng Nhà nước đề xuất thay đổi phương án sản xuất vàng miếng, bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.

Xóa bỏ cơ chế độc quyền sẽ phù hợp với kinh nghiệm quốc tế

Phát biểu tại cuộp họp với các Bộ, ngành, bàn giải pháp quản lý thị trường kim loại quý do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá, chủ trì, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà cho biết, trong số những giải pháp đồng bộ quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, giải pháp "Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng" là quan trọng nhất. Không còn tình trạng bất ổn thị trường vàng như giai đoạn trước, tình trạng "vàng hóa" đã được hạn chế, biến động của giá vàng ít tác động đến tỷ giá chính thức, thị trường ngoại tệ và kinh tế vĩ mô trong nước.

Theo đó, thị trường vàng miếng được sắp xếp lại một cách căn bản, trật tự, kỷ cương trên thị trường được xác lập, mạng lưới kinh doanh mua, bán vàng miếng được kiện toàn theo hướng thu hẹp dần từ khoảng 12.000 doanh nghiệp và cửa hàng kinh doanh vàng xuống còn 37 tổ chức tín dụng và doanh nghiệp với hơn 2.600 địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng trên toàn quốc. Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng trên thị trường diễn ra thông suốt, ổn định, quyền lợi hợp pháp của người dân được đảm bảo…

Thị trường vàng trang sức mỹ nghệ đã được tổ chức, sắp xếp lại, sàng lọc các doanh nghiệp làm ăn chân chính, đáp ứng yêu cầu chặt chẽ về tiêu chuẩn đo lường, đảm bảo chất lượng sản phẩm theo quy định, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất với mô hình công nghệ hiện đại, năng lực sản xuất tiếp cận thị trường quốc tế.

Đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng - Ảnh 1
Đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn tồn tại chênh lệch cao giữa giá vàng miếng SJC so với các loại vàng miếng khác, vàng trang sức mỹ nghệ 99,99% và giá vàng quốc tế. Mặc dù giải pháp Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng là giải pháp quan trọng để kiểm soát chặt chẽ nguồn cung, nhưng từ năm 2014 đến nay, Ngân hàng Nhà nước chưa tổ chức đấu thầu bán vàng miếng tăng cung trên thị trường. Do vậy, sau gần 10 năm, nguồn cung vàng miếng SJC trên thị trường hạn chế có thể là một trong những nguyên nhân khiến chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và quốc tế duy trì ở mức cao.

Đáng chú ý, theo ông Phạm Thanh Hà, NHNN đề xuất thay đổi phương án sản xuất vàng miếng, bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.

Đồng thời, NHNN sẽ thực hiện cấp hạn mức sản xuất vàng miếng trong từng thời kỳ phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ và sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô. Việc xóa bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng sẽ phù hợp với kinh nghiệm quốc tế, tăng cung vàng miếng trên thị trường, giải quyết được vấn đề chênh lệch giá.

Cần sửa đổi Nghị định 24 

Cho ý kiến về vấn đề này, Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã triển khai hơn 10 năm. Hiện nay, thị trường vàng có nhiều biến động, diễn biến không ổn định, chứng tỏ Nghị định 24 đã bộc lộ những bất cập cần kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế.

Bộ Công an cho rằng, khi sửa đổi Nghị định này, cần phải đánh giá tổng thể vai trò dự trữ vàng hiện nay; đồng thời cũng phải đánh giá lại công tác quản lý khuôn sản xuất vàng miếng SJC; nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế can thiệp thị trường; bổ sung quy định về biên độ chênh lệch…

Sau khi nghe các báo cáo và các ý kiến, phát biểu tại cuộc họp, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp thu ý kiến của các bộ ngành tại cuộc họp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để có phương án xử lý sớm đối với vấn đề này, đáp ứng nhu cầu thực tế.

Theo Phó thủ tướng Lê Minh Khái, thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, các yêu cầu về đầu tư, các chỉ số kinh tế vĩ mô có tác động đan xen lẫn nhau, do đó phải có giải pháp vừa trước mắt vừa lâu dài.

Phó thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ của mình theo dõi chặt chẽ diễn biến cung - cầu thị trường vàng trong và ngoài nước, đánh giá đúng tình hình, làm rõ nguyên nhân, "bắt đúng bệnh" để có các giải pháp phản ứng kịp thời, hiệu quả để xử lý tình hình trong hiện tại và tương lai. Trong đó phải đánh giá tổng thể, kỹ lưỡng lại các quy định của pháp luật hiện nay, nhất là các nội dung liên quan tới Nghị định số 24/2012/NĐ-CP…

Phó thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung trong Công điện số 23 về quản lý thị trường vàng vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.

Công điện số 23 về quản lý thị trường vàng vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành

Ngày 20/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có công điện số 22 ngày 20/3/2024 yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp bình ổn thị trường vàng theo chỉ đạo của Chính phủ.

Tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới và trong nước để khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp theo quy định để bình ổn, ổn định thị trường vàng.

Đánh giá toàn diện, phân tích kỹ lưỡng và có các giải pháp hiệu quả, kịp thời, đúng quy định, theo nguyên tắc thị trường để xử lý ngay tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao trong thời gian qua.

“Không để tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường; Kịp thời phát hiện những sơ hở, bất cập để xử lý chủ động, tích cực, hiệu quả theo thẩm quyền và báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền các biện pháp xử lý phù hợp, đúng quy định đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.

Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật, nhất là các hành vi buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách đẩy giá của các tổ chức, cá nhân… gây mất ổn định, an toàn thị trường vàng; trường hợp phát hiện hoạt động kinh doanh vàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, kịp thời chuyển tài liệu, hồ sơ cho cơ quan chức năng để xử lý nghiêm, công khai, minh bạch theo quy định pháp luật.

Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chủ động hơn nữa trong công tác thông tin, truyền thông, kịp thời cung cấp các thông tin chính thức, công khai, minh bạch về chủ trương, chính sách quản lý thị trường tài chính, tiền tệ, ngoại hối và vàng, củng cố niềm tin vào giá trị đồng Việt Nam và ổn định tâm lý người dân, tạo đồng thuận xã hội.

Đối với Bộ Công an, Thủ tướng yêu cầu phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan thanh tra, kiểm tra, bảo vệ pháp luật và cơ quan chức năng liên quan khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp theo quy định để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng, nhất là các hành vi buôn lậu, thao túng, đầu cơ trục lợi, đẩy giá vàng miếng….

Anh Thư

Bạn đang đọc bài viết Đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới