Chủ nhật, 24/11/2024 09:52 (GMT+7)
    Chủ nhật, 08/01/2023 19:30 (GMT+7)

    Đề xuất doanh nghiệp tự quyết giá bán lẻ xăng dầu

    Theo dõi KTMT trên

    Bộ Công Thương vừa đưa dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2013 về kinh doanh xăng dầu để lấy ý kiến.

    Theo đó, Bộ này chọn phương án các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu căn cứ các chi phí thực tế của mình để tự xác định và công bố giá bán lẻ của doanh nghiệp mình, thực hiện kê khai giá khi thay đổi giá và báo cáo về Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để giám sát.

    Doanh nghiệp có thể tự định giá xăng dầu

    Theo Bộ Công Thương, thời gian qua, thị trường xăng dầu có nhiều biến động, nguồn cung xăng dầu có thời điểm bất ổn. Một trong những nguyên nhân là bởi các chi phí kinh doanh chưa tính đúng, tính đủ trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu do nhà nước điều hành, dẫn đến doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị thua lỗ, không có động lực duy trì hoạt động kinh doanh.

    Đề xuất doanh nghiệp tự quyết giá bán lẻ xăng dầu - Ảnh 1
    Ảnh minh họa

    Khắc phục tình trạng trên, Bộ Công Thương đề xuất Bộ Tài chính phối hợp rà soát sửa đổi, bổ sung quy định về công thức giá cơ sở mặt hàng xăng dầu theo các phương án:

    Phương án 1: Tiếp tục điều hành giá xăng dầu theo quy định hiện hành và sửa đổi công thức giá cơ sở hiện hành theo hướng rà soát, bổ sung một số chi phí thực tế phát sinh của doanh nghiệp, nhưng chưa được tính trong giá cơ sở hiện hành, như rà soát nội dung quy định về premium trong nước.

    Đồng thời, rà soát các quy định về phương thức xác định các chi phí, tần suất xác định chi phí, bảo đảm tính đúng, tính đủ, kịp thời các chi phí trong giá cơ sở do Nhà nước công bố.

    Phương án 2: Sửa đổi công thức giá và phương pháp công bố giá cơ sở mặt hàng xăng dầu theo hướng Nhà nước chỉ công bố các yếu tố cấu thành giá gồm giá thế giới, các loại thuế thu vào ngân sách Nhà nước, lợi nhuận định mức, mức trích lập, chỉ sử dụng Quỹ bình ổn giá để định hướng cho việc tính và quyết định giá bán lẻ xăng dầu cụ thể của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.

    Các doanh nghiệp căn cứ các chi phí thực tế của mình, gồm các chi phí kinh doanh, chi phí vận chuyển, premium... để tự xác định và công bố giá bán lẻ của doanh nghiệp mình, thực hiện kê khai giá khi thay đổi giá và báo cáo về Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để giám sát.

    Chỉ rõ vấn đề này, Bộ Công Thương lựa chọn phương án 2, theo đó nhà nước chỉ công bố giá định hướng (gồm các yếu tố giá thế giới, thuế, lợi nhuận định mức, mức trích lập Quỹ bình ổn giá), các chi phí khác do các doanh nghiệp tự xác định và chịu trách nhiệm trước các cơ quan kiểm toán.

    Lý do lựa chọn phương án này, Bộ Công Thương cho rằng sẽ giúp đưa giá xăng dầu dần về thị trường, giảm dần sự can thiệp của Nhà nước. Đồng thời, bảo đảm phản ánh đủ chi phí thực tế phát sinh của các doanh nghiệp trong giá cơ sở xăng dầu, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể, giúp duy trì nguồn cung xăng dầu cho thị trường.

    Rút ngắn thời gian điều hành giá xuống 7 ngày

    Tại dự thảo, Bộ Công Thương cũng đề xuất 2 phương án thay đổi điều hành giá.

    Phương án 1: Giữ nguyên thời gian điều hành giá như hiện nay, tức 10 ngày một lần vào các ngày 1, 11 và 21 hàng tháng. Khi thị trường có biến động lớn, Thủ tướng chỉ đạo liên Bộ Công Thương - Tài chính thời gian điều hành giá xăng dầu phù hợp diễn biến từng giai đoạn.

    Phương án 2: Rút ngắn thời gian điều hành, công bố giá xăng dầu xuống 7 ngày, quy định vào một ngày cụ thể trong tuần.

    Bộ Công Thương chọn phương án rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu xuống còn 7 ngày, vào ngày thứ Năm hàng tuần, không kể ngày nghỉ lễ, trừ trường hợp trùng vào ngày mùng 1, 2 và 3 tháng 1 Âm lịch của Tết Nguyên đán (sẽ được chuyển sang ngày mùng 4).

    Theo Bộ này, lý do là để đảm bảo giá xăng dầu bám sát hơn với diễn biến trên thị trường thế giới. Việc điều hành kể cả vào ngày nghỉ lễ nhằm tránh giá có biến động lớn, ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng hoặc doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này.

    Tuy vậy, Bộ Công Thương cho rằng, việc rút ngắn xuống 7 ngày này cũng có nhược điểm là thời gian nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam (từ lúc đặt hàng tới khi về đến cảng) khoảng 10 - 15 ngày, nên khi thị trường bất ổn theo xu hướng bất lợi, doanh nghiệp sẽ lại có ý kiến. Bởi việc này có thể ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp khó đoán định được giá trong nước khi nhập khẩu xăng dầu, nhất là lúc chu kỳ giá đi xuống.

    Hoàng Hà

    Bạn đang đọc bài viết Đề xuất doanh nghiệp tự quyết giá bán lẻ xăng dầu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới