Chủ nhật, 24/11/2024 08:49 (GMT+7)
Thứ sáu, 10/07/2020 07:41 (GMT+7)

Đề xuất thu phí ôtô vào trung tâm TP.HCM giai đoạn 2021-2025

Theo dõi KTMT trên

Đây là một trong các nhóm giải pháp thuộc đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cá nhân trên địa bàn TP.HCM trình Hội đồng nhân dân thành phố thông qua.

Tờ trình thực hiện tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP.HCM là một trong những nội dung được trình thông qua tại kỳ họp của Hội đồng nhân dân TP.HCM diễn ra từ ngày 9 đến 11/7. Đề án này do Sở Giao thông Vận tải thực hiện từ tháng 8/2016 và hoàn chỉnh vào cuối tháng 6 vừa qua.

Kinh phí thực hiện đề án này dự kiến lên tới 393.800 tỉ đồng, bao gồm các dự án đang triển khai thực hiện hoặc đã có chủ trương đầu tư. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước là 47.644 tỉ. Các nguồn lực khác từ xã hội hóa đầu tư hoặc vốn ODA.

Trong giai đoạn 5 năm 2021-2015, Sở Giao thông Vận tải liệt kê 3 giải pháp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, 17 giải pháp tăng cường vận tải hành khách công cộng.

Để kiểm soát sử dụng phương tiện cá nhân tham gia giao thông, TP.HCM đề xuất thu phí ôtô lưu thông vào khu vực trung tâm thành phố, bổ sung phí ô nhiễm môi trường vào danh mục các loại phí, lệ phí; phân vùng hạn chế hoạt động của xe môtô, gắn máy 2-3 bánh phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công công.

Các giải pháp phát triển giao thông công cộng gồm tổ chức, mở mới các tuyến xe buýt để đạt 192 tuyến, 3.100 phương tiện vào năm 2025. TP.HCM sẽ tổ chức lại mạng lưới xe buýt trên địa bàn, mở rộng kết nối đến các khu vực có nhu cầu đi lại lớn như các khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu công nghệ cao quận 9; các tuyến kết nối sân bay Tân Sơn Nhất đi Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Thành phố tập trung ưu tiên nguồn lực đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, đưa vào khai thác tối thiểu 3 tuyến đường sắt đô thị số 1, 2, 5 và 1 tuyến xe buýt nhanh BRT trước năm 2030 bằng nguồn vốn ODA. TP.HCM cũng đề xuất triển khai các dự án kết nối xe buýt với nhà ga thuộc tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành – Suối Tiên; nghiên cứu hình thành một số tuyến buýt hoạt động phục vụ 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần qua các khu vực trung tâm.

TP.HCM đồng thời muốn phát triển hệ thống xe buýt nhỏ dưới 17 chỗ (minibus) trên các trục hạn chế về hạ tầng giao thông, khu vực dân cư nội bộ, kết nối với đường sắt đô thị, BRT và các tuyến xe buýt hoạt động trên những trục chính.

Thành phố sẽ đầu tư các bến bãi xe buýt, phát triển các đầu mối trung chuyển xe buýt để tạo các điểm thu hút, hình thành các điểm “Park and Ride”, kết nối vận tải hành khách công cộng với nhau và với giao thông công cộng.

Ưu tiên đầu tư xây dựng bãi kỹ thuật xe buýt rạch Vĩnh Bình, khu vực lân cận 3 xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Phạm Văn Hai; gần bến xe Đa Phước (quốc lộ 50); gần tỉnh lộ 10 trong khu dân cư Bình Lợi (đường Trần Văn Giàu); cải tạo và nâng cấp các điểm dừng xe buýt trên địa bàn quận 3, 5, 10.

Sở Giao thông Vận Tải cũng đề xuất thí điểm xe môtô điện tại khu vực trung tâm, xe đạp công cộng trên địa bàn quận 1 bằng nguồn vốn xã hội hóa.

Trên cơ sở các nội dung được Hội đồng nhân dân TP.HCM thông qua, UBND thành phố sẽ phê duyệt đề án, xây dựng kế hoạch, phân công rõ trách nhiệm cho các cấp, ngành triển khai thực hiện, đảm bảo tiến độ.

Việt Đức

Bạn đang đọc bài viết Đề xuất thu phí ôtô vào trung tâm TP.HCM giai đoạn 2021-2025. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới