Chủ nhật, 24/11/2024 08:44 (GMT+7)
Thứ ba, 14/04/2020 10:20 (GMT+7)

Dịch Covid-19: Các ngân hàng trung ương sẽ giải quyết các khoản nợ như thế nào?

Theo dõi KTMT trên

Các ngân hàng trung ương đang nắm giữ trong tay tương lai của nền kinh tế toàn cầu. Các công cụ và chính sách sẽ giúp các nước tránh được kịch bản tồi tệ nhất.

Dịch Covid-19: Các ngân hàng trung ương sẽ giải quyết các khoản nợ như thế nào? - Ảnh 1
Đồng tiền giấy Euro có mệnh giá 5, 10,20 và 50 Euro. Ảnh: AFP/TTXVN

Tờ Les Echos của Pháp nhận định rằng tại Mỹ, Nhật Bản và Vương quốc Anh, các ngân hàng trung ương sẽ không ngần ngại sử dụng các chính sách tiền tệ mạnh mẽ. Tuy nhiên, trong Khu vực sử dụng đồng euro Eurozone, vấn đề không đơn giản như vậy.

Có vẻ quyền chủ động đã trở lại với các ngân hàng trung ương, sau khi họ đã mất nhiều tháng giải thích rằng đây chính là thời điểm các chính phủ phải hành động, dùng chính sách tài khóa để tiếp quản chính sách tiền tệ. Nhưng trước đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 hiện nay, mọi thứ đã thay đổi. Các thể chế tài chính lớn đã được lắng nghe, và điều này vượt quá mọi mong đợi của họ.

Sau khi phải đột ngột dừng hầu hết các hoạt động kinh tế để đối phó dịch bệnh, các nhà lãnh đạo của hàng chục quốc gia sẽ tìm kiếm hàng nghìn tỉ Euro hoặc USD. Mục tiêu trước hết là để ngăn chặn cú sốc chưa từng thấy này phá hủy cấu trúc kinh tế và xã hội, sau đó là để khởi động lại bộ máy của nền kinh tế.

Các quốc gia tất nhiên sẽ huy động những khoản tiền lớn từ thị trường tài chính. Trong tình trạng hoảng loạn kể từ tháng Ba, nhiều nhà đầu tư tự trấn an bằng cách mua trái phiếu công cổ điển, như trái phiếu kho bạc. Tuy nhiên, điều đó sẽ không đủ, ngay cả khi châu Âu cuối cùng quyết định ban hành các trái phiếu không những mang tầm quốc gia mà còn mang tầm khu vực. Họ cần phải huy động tiền từ nơi khác. Mà số tiền lớn này thì chỉ các ngân hàng trung ương mới có thể cung cấp.

Về vấn đề này, cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 là một bài học tuyệt vời, thậm chí là một cơ hội. Dưới sự thúc đẩy quyết định của ông Ben Bernanke, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), các ngân hàng trung ương đã phát minh ra các công cụ "độc đáo", chẳng hạn như việc mua hàng loạt cổ phiếu trên thị trường tài chính. Vào tháng 3/2020, các ngân hàng trung ương tuyên bố sẽ sử dụng các công cụ này trên quy mô lớn.

Để cứu các quốc gia mà không khiến các khoản nợ vượt quá tầm kiểm soát, các ngân hàng trung ương sẽ phải tiến thêm một bước theo hướng này. Bước đi này đã được Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) thực hiện, tuy không chính thức thừa nhận vì nó vượt qua ranh giới đỏ. Họ sẽ phải mua trực tiếp trái phiếu chính phủ, rồi xóa bỏ chúng.

Khi nỗ lực hành động để tài trợ cho cuộc chiến y tế chống lại virus SARS-CoV-2, các ngân hàng trung ương châu Âu có lẽ đang quay trở lại mục tiêu ban đầu của họ. Các ngân hàng này đã ra đời từ thế kỷ 17 để tìm ra phương cách hiệu quả hơn trong việc tài trợ cho chiến tranh quân sự.

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) được thành lập vào năm 1694 để thực hiện việc tái thiết hạm đội Anh đã bị Pháp phá hủy. Ngân hàng trung ương Pháp (La Banque de France) ra mắt vào năm 1800 nhằm hỗ trợ các cuộc tấn công của Napoleon. Tương tự như vậy ở khắp châu Âu, từ Bồ Đào Nha đến Phần Lan.

Tình huống hơi khác một chút ở Mỹ. Nền cộng hòa được thành lập vào thế kỷ 18 đã không tham gia vào các cuộc chiến lâu dài và tốn kém với các nước láng giềng. Sự cần thiết phải có một ngân hàng trung ương chỉ thực sự xuất hiện vào đầu thế kỷ 20, trong thời kỳ hoảng loạn của giới chủ ngân hàng vào năm 1907.

Sau cuộc đầu cơ thất bại vào một công ty khai thác mỏ, nhiều nhà đầu tư đã rút tiền mặt, gây sụp đổ thị trường. Điều này đã khiến Quốc hội Mỹ phê chuẩn sự ra đời của Fed. Như một phương sách cuối cùng, “ông chủ nợ” này sẽ không ngần ngại cung cấp tiền trực tiếp cho Chính phủ liên bang Mỹ, cho dù có hay không lệnh của Tổng thống Donald Trump.

Tuy nhiên, trong Eurozone, mọi chuyện diễn ra khác hẳn. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã được xây dựng cách đây 1/4 thế kỷ theo mô hình của Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank). Nhiệm vụ của Bundesbank không phải là tài trợ cho việc tái thiết đất nước sau Chiến tranh thế giới thứ hai, mà phải tìm cách “bẻ gãy” lạm phát thông qua siết chặt tín dụng.

Chắc chắn là những dấu hiệu thay đổi đang xuất hiện. Hiện tại, đoàn kết là một niềm hy vọng, chứ không phải là một phản xạ.

Linh Hương

Bạn đang đọc bài viết Dịch Covid-19: Các ngân hàng trung ương sẽ giải quyết các khoản nợ như thế nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới