Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 1/3
Bắt đầu lấy ý kiến nhân dân về dự Luật đất đai sửa đổi; Cú lội ngược dòng của bất động sản cho thuê ; Thị trường trầm lắng, nhà liền kề tiền tỷ ở Hà Nội thành nơi nuôi bò;... là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.
Thị trường trầm lắng, nhà liền kề tiền tỷ ở Hà Nội thành nơi nuôi bò
Khu nhà ở xã Tân Lập - Cienco 5 (Đan Phượng, Hà Nội) có nhiều căn nhà liền kề bỏ hoang, đang được người dân tận dụng làm nơi nuôi bò.
Khu nhà ở xã Tân Lập - Cienco 5 nằm tại xã Tân Lập, huyện Đan Phượng có tổng diện tích gần 11 ha do Cienco 5 làm chủ đầu tư. Dự án nằm ngay sau khu đô thị Lideco (thuộc địa phận huyện Hoài Đức, Hà Nội), cách mặt Quốc lộ 32 không xa.
Dự án có quy mô dân số dự kiến khoảng 2.200 người với mức tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng, bắt đầu được xây dựng từ năm 2009.
Theo Dân trí đưa tin, hiện tại, không ít căn nhà liền kề trong dự án đã được chủ đầu tư xây dựng xong phần thô nhưng chưa có người vào ở và đang trong tình trạng để hoang.
Dự án khu nhà ở xã Tân Lập - Cienco 5 nằm gần như song song và có chiều dài gần bằng khu đô thị Lideco do Công ty cổ phần Phát triển đô thị Từ Liêm (Lideco). Số phận nhiều ngôi nhà của hai dự án này không khác nhau là mấy, đều bị để hoang.
Cú lội ngược dòng của bất động sản cho thuê
Năm 2022, nhiều tài sản cho thuê được lấp đầy trở lại, giá thuê bật tăng 10-30%, đánh dấu một năm lội ngược dòng sau cú sốc rớt giá, ế ẩm đợt dịch 2021.
Năm qua, trừ 3 tháng đầu năm hiệu suất kém, giá thuê thấp, trong 9 tháng còn lại, đặc biệt là 3 tháng cuối năm, các loại hình bất động sản cho thuê gồm: văn phòng, căn hộ, nhà phố, mặt bằng bán lẻ đều ghi nhận tăng nhiệt trở lại sau giai đoạn ảm đạm vì dịch bệnh bùng phát.
Báo cáo thị trường cho thuê của trang Batdongsan cho biết, quý IV/2022 mức độ quan tâm các loại tài sản cho thuê thể hiện qua lượt tìm kiếm trực tuyến trên hệ thống của đơn vị này đã tăng 103%. Trong đó, lượt tìm kiếm văn phòng tăng 244%, tìm thông tin thuê nhà mặt phố tăng 263%, tìm chung cư và nhà trọ cho thuê tăng lần lượt 57-84%.
Bên cạnh mức độ quan tâm bất động sản cho thuê nóng dần, giá thuê cũng hồi phục mạnh mẽ. Mức giá thuê căn hộ tại quận 3, 7, 9 lần lượt tăng 15-18% trong khi giá thuê căn hộ tại Bình Thạnh và quận 4 tăng 23-31% so với đầu năm. Ở nhóm tài sản cho thuê là nhà phố, giá thuê cũng trong xu hướng đi lên. Giá thuê nhà phố tại quận 3, Phú Nhuận tăng 5-10% còn giá thuê nhà phố tại quận 1, 7, 10 tăng 13-18%.
Đối với phân khúc văn phòng cho thuê, đà hồi phục cũng đã thể hiện rõ rệt qua tỷ lệ lấp đầy cao, giá tăng nhẹ trở lại. Thống kê từ hệ thống văn phòng cho thuê VNO với chuỗi hơn 10 tòa nhà cho thuê tại TP.HCM cho thấy, tính đến quý IV, tỷ lệ lấp đầy phân khúc văn phòng giá vừa túi tiền 15-20 USD một m2 một tháng đạt 85-90% diện tích tòa nhà tùy vị trí và quy mô. Giá thuê văn phòng phân khúc này tăng nhẹ 3-5% so với cùng kỳ năm ngoái, do vừa kết thúc giai đoạn ưu đãi kích cầu sau đại dịch.
Giao dịch đất nền giữa mùa “ngủ đông”
Giao dịch thành công lô đất cho nhà đầu tư tại TP.HCM, anh Q, một môi giới BĐS Nhơn Trạch (Đồng Nai) mừng khấp khởi, vì đã lâu anh chưa được kí giấy tờ chuyển nhượng cho nhà đầu tư tại phòng công chứng.
Đất nền có lẽ là phân khúc bị ảnh hưởng mạnh nhất trước các chính sách siết tín dụng, thuế chuyển nhượng. Suốt nửa năm nay, phân khúc này gần như “bất động” giao dịch, nhất là tại các “điểm nóng sốt” trước đến nay. Môi giới, nhà đầu tư đất nền vì thế cũng “ngủ đông” suốt thời gian qua. Nhiều người chạy xe ôm, kinh doanh online, mở quán bún phở… để kiếm kế sinh nhai qua ngày.
Tuy vậy, thời điểm cận Tết, thị trường đất nền lại xuất hiện một số giao dịch lẻ tẻ, khiến nhiều môi giới có thêm động lực vào thị trường. Mới đây, anh Q, một môi giới chuyên BĐS khu vực Nhơn Trạch (Đồng Nai) đã giao dịch thành công lô đất với một nhà đầu tư TP.HCM. Chia sẻ niềm vui này, anh Q cho hay, đã rất lâu mới có cảm giác được ngồi “kí tá” và ra phòng công chứng làm hồ sơ, giấy tờ cho khách. Được biết, hơn nửa năm nay, anh Q cùng nhóm anh em gần như không bán được hàng, do hoạt động đầu tư mua bán im ắng tại khu vực.
“Dù một giao dịch nhỏ nhưng cũng có động lực để trụ với nghề. Đây cũng là lô đất ngộp giá, bán thấp hơn 100 triệu đồng so với mặt bằng chung thị trường khu vực”, anh Q cho biết.
Sau bao ngày “ngồi chơi xơi nước”, mới đây, anh Th, môi giới tự do (hoạt động chủ yếu tại thị trường khu Đông TP.HCM) nhận cọc 200 triệu đồng từ khách nhờ bán căn nhà tại TP.Thủ Đức. Có giao dịch những ngày cận Tết, anh Th tỏ ra vui mừng khôn xiết. Môi giới này cho hay, sau những ngày “chịu cày”, đến lúc tưởng chừng chán nản thì phát sinh giao dịch. Nếu các giao dịch này xuất hiện thời điểm trước thì cảm xúc cũng bình thường. Thế nhưng lúc này thật sự rất quý. Khi được hỏi, anh định hướng thế nào với nghề nghiệp của mình trong bối cảnh thị trường khó khăn, anh Th cho biết, vẫn rất hi vọng vào sự phục hồi của thị trường vào năm 2023 để làm nghề tốt hơn. “Giờ không làm môi giới BĐS cũng không biết làm nghề gì”, anh Th chia sẻ.
Bắt đầu lấy ý kiến nhân dân về dự Luật đất đai sửa đổi
Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) được đưa ra lấy ý kiến từ ngày 3/1 đến 15/3/2023. Người dân có thể góp ý trực tiếp qua website: luatdatdai.monre.gov.vn.
Theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) bắt đầu từ ngày 3/1 và kết thúc ngày 15/3/2023.
Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ nội dung lấy ý kiến nhân dân phải toàn diện và có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số nội dung, chính sách lớn của dự thảo Luật đ ất đai (sửa đổi), các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân được dư luận quan tâm.
Trên cơ sở đó, Chính phủ tổ chức lấy ý kiến về toàn văn dự thảo luật, trong đó tập trung vào các nội dung trọng tâm cũng như phân công cụ thể trách nhiệm của các cơ quan đầu mối lấy ý kiến đối với các nhóm đối tượng cụ thể theo từng ngành, từng lĩnh vực.
Hình thức góp ý có thể trực tiếp bằng văn bản; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thông qua cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các phương tiện thông tin đại chúng, các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin, các hình thức phù hợp khác.
Ý kiến đóng góp của nhân dân phải được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan và được nghiên cứu, tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện dự thảo Luật đ ất đai (sửa đổi).
Huyền Diệu