Chủ nhật, 24/11/2024 05:32 (GMT+7)
Thứ năm, 29/09/2022 18:00 (GMT+7)

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 29/9

Theo dõi KTMT trên

Hoàng Mai (Hà Nội): Khu đô thị mới Thịnh Liệt gần hai thập kỷ vẫn chưa thành hình; Đề xuất cho chuyển 21 dự án có đất lúa tại TP.HCM sang làm nhà ở; Người trong cuộc nói gì về việc sở hữu chung cư có thời hạn?... là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.

Hoàng Mai (Hà Nội): Khu đô thị mới Thịnh Liệt gần hai thập kỷ vẫn chưa thành hình

Sau 18 năm kể từ khi được phê duyệt, dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) đang lộ ra khung cảnh hoang tàn, nhếch nhác, gây lãng phí tài nguyên đất và mất mỹ quan đô thị. Điều này ảnh hưởng tới người dân sống xung quanh và khiến dư luận bức xúc.

Năm 2004, UBND TP.Hà Nội quyết định thu hồi khoảng 35 ha đất tại các phường Tương Mai, Hoàng Văn Thụ, Thịnh Liệt thuộc quận Hoàng Mai, và giao cho Công ty TNHH MTV Nhà ở và Đô thị Licogi – thuộc Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng (Tổng công ty Licogi) làm chủ đầu tư, để tổ chức điều tra, lập phương án giải phóng mặt bằng, chuẩn bị triển khai dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 29/9 - Ảnh 1
Một trạm trộn bê tông cùng nhiều phương tiện vận chuyển, máy móc bỏ hoang nhiều năm bên trong dự án.

Theo kế hoạch, dự án được chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn 1 dự kiến kết thúc vào cuối năm 2008 với các công việc như giải phóng mặt bằng, xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, xây thô nhà vườn, cụm chung cư phục vụ tái định cư… Giai đoạn 2 là tiến hành xây dựng nhà cao tầng, cụm nhà biệt thự và kết thúc vào năm 2011.

Theo thông tin báo chí cho biết, tại Văn bản số 590/TB-UBND ngày 19/6/2017 về việc Thông báo kết luận của tập thể lãnh đạo UBND TP.Hà Nội tại cuộc họp về điều chỉnh dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt. Thông báo nêu rõ, dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt được phê duyệt từ năm 2004 nhưng tiến độ giải phóng mặt bằng quá chậm, nguyên nhân chính là do chủ đầu tư - Công ty TNHH MTV Nhà ở và Đô thị Licogi (Công ty TNHH Licogi) chưa chủ động trong triển khai thực hiện dự án.

Tuy nhiên điều lạ là, sau kết luận đó, dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt lại thoát khỏi “án tử” thu hồi khi chính quyền TP.Hà Nội vẫn để chủ đầu tư tiếp tục thực hiện dự án, với điều kiện Công ty TNHH Licogi phải quyết liệt giải phóng mặt bằng và sớm đầu tư xây dựng.

Đề xuất cho chuyển 21 dự án có đất lúa tại TP.HCM sang làm nhà ở

Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM có công văn Số 8068/TTr- STNMT-QLĐ ngày 23/09/2022 trình HĐND TP.HCM danh mục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, danh mục cần thu hồi đất trên địa bàn để thực hiện dự án.

Theo Sở Tài nguyên Môi trường, hiện nay tổng diện tích đất nông nghiệp năm 2020 là 111.875 ha, giai đoạn 2015-2020 diện tích đất nông nghiệp giảm 3.623 ha, trung bình giảm 725 ha/năm. Do trong quá trình đô thị hóa đất nông nghiệp chủ yếu chuyển sang đất phi nông nghiệp để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng và đất ở.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 29/9 - Ảnh 2

Đề xuất cho chuyển 21 dự án có đất lúa tại TP.HCM sang làm nhà ở. 

Trong đó diện tích đất trồng lúa năm 2020 là 15.586 ha, giảm 3.089 ha so với 2015 (đất chuyên trồng lúa giảm 1.468 ha). Như vậy, chỉ tiêu đất trồng lúa còn lại để chuyển mục đích sử dụng là 10.172 ha.

Dù quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất góp phần phát triển ổn định thị trường bất động sản, khai thác tốt hơn nguồn lực đất đai, làm cho việc sử dụng đất đai ngày càng tiết kiệm và đạt hiệu quả cao, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và tăng thu ngân sách.

Tuy nhiên hiện nay quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đạt thấp so với chỉ tiêu đề ra; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, nhiều dự án kéo dài đến nay vẫn chưa kết thúc, dẫn đến tiến độ dự án chậm, vốn đầu tư tăng; các dự án có sử dụng vốn ngân sách để bồi thường, đầu tư xây dựng được bố trí vốn chậm, hạn chế.

Do đó, căn cứ pháp lý của việc chuyển mục đích sử dụng đất sử dụng đất trồng lúa: văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư hoặc văn bản quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Sở Tài nguyên Môi trường đề xuất cho 18 dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 10 ha diện tích 31,74 ha và 3 dự án có chuyển mục đích đất trồng lúa trên 10 ha với diện tích 170,11 ha. Trong đó, nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án nhà ở khoảng gần 30 ha.

Người trong cuộc nói gì về việc sở hữu chung cư có thời hạn?

Bộ Xây dựng vẫn đang lấy ý kiến về dự thảo Luật. Nhà ở (sửa đổi), trong đó đề cập đến vấn đề thời hạn sở hữu nhà chung cư. Bộ đưa ra 2 phương án: hoặc bổ sung mới quy định về thời hạn sở hữu nhà. xác định theo thời hạn sử dụng của công trình; hoặc giữ nguyên thời hạn sử dụng như quy định hiện nay, nghĩa là không quy định niên hạn.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 29/9 - Ảnh 3
Ảnh minh hoạ.

Đây có lẽ đang là vấn đề được quan tâm nhiều nhất thời điểm này, Bởi, câu chuyện quy định thời hạn chung cư tác động nhiều bên, từ doanh nghiệp địa ốc, đến người mua nhà chung cư.

Tại hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) do Bộ Xây dựng tổ chức mới đây, một số đại diện các doanh nghiệp BĐS đã bày tỏ băn khoăn về quy định thời hạn sở hữu căn hộ chung cư khi cho rằng điều này có thể ảnh hưởng tâm lý của người mua và ảnh hưởng tới thị trường BĐS.

Bày tỏ không ủng hộ quy định thời hạn sở hữu chung cư, đại diện Tập đoàn Sun Group cho hay, theo quy định của Luật Đất đai khi lập quy hoạch, lập kế hoạch sử dụng đất đều thể hiện rõ chỉ tiêu đất ở, dân số. Nhà đầu tư được giao đất thông qua đấu thầu, đấu giá cũng xác định đó là đất ở lâu dài, vì vậy tài sản trên đất cũng phải lâu dài.

Còn ông Trần Đạo Đức, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn CEO, cho rằng việc quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư tại thời điểm hiện nay chưa phù hợp với tâm lý chung người mua nhà, vô hình trung khuyến khích tâm lý mua đất ở, ảnh hưởng lớn tới chính sách phát triển nhà ở chung cư.

Đề xuất quy định thời hạn 'sử dụng' thay vì 'sở hữu' nhà chung cư

Thay vì quy định thời hạn sở hữu, chuyên gia đề xuất nên quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư.

Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Với thời hạn sở hữu nhà chung cư, cơ quan này đưa ra 2 phương án: Hoặc bổ sung mới quy định về thời hạn sở hữu nhà xác định theo thời hạn sử dụng của công trình; Hoặc giữ nguyên thời hạn sử dụng như quy định hiện nay – tức không quy định niên hạn.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 29/9 - Ảnh 4
Thị trường nhà chung cư phía Đông TP.HCM. (Ảnh: Quỳnh Trần)

Tại Hội nghị góp ý sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản ngày 28/9, TS. Nguyễn Quang Tuyến, Phó chủ tịch Hội đồng trường Đại học Luật Hà Nội, cho rằng trong Luật Nhà ở, chỉ nên quy định thời hạn sử dụng chung cư thay vì tranh luận quyền sở hữu. Theo ông, tất cả tài sản đều có hạn sử dụng, bao gồm cả nhà chung cư. Do vậy, khi hết hạn sử dụng nhà, các cơ quan liên quan có trách nhiệm thẩm định.

"Nếu cần phải sửa chữa, thậm chí xây dựng lại, người dân phải được đảm bảo quyền sở hữu tài sản, quyền được ở ngay tại chính chỗ đó. Còn nếu di dời phải đền bù thoả đáng, đảm bảo chỗ ở của người dân", ông Tuyến nói.

Luật sư Nguyễn Hồng Chung, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, cũng đồng tình khi đặt vấn đề nên đổi cụm từ: "thời hạn sở hữu nhà chung cư" thành "thời hạn sử dụng nhà chung cư".

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 29/9. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới