Chủ nhật, 24/11/2024 08:40 (GMT+7)
Thứ tư, 08/06/2022 18:15 (GMT+7)

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 8/6

Theo dõi KTMT trên

Tháo gỡ "nút thắt" về xử lý nhà đất trong quá trình cổ phần hóa; Chuyên gia dự báo diễn biến bất ngờ của thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm; Các ngân hàng lên tiếng về việc cho vay bất động sản… là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay, 8/6.

Tháo gỡ "nút thắt" về xử lý nhà đất trong quá trình cổ phần hóa

Tiếp tục Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, sáng 8/6, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn về lĩnh vực tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trả lời, làm rõ thêm các chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Lệ (TP. Hồ Chí Minh), đại biểu Nguyễn Thành Công (Ninh Bình) liên quan đến rà soát phương án sắp xếp, xử lý nhà đất, phê duyệt phương án sử dụng đất của doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa gặp nhiều khó khăn, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết "việc sắp xếp nhà đất và việc phê duyệt phương án sử dụng đất là 'nút thắt' trong quá trình cổ phần hóa; việc cổ phần hóa chậm cũng từ khâu này."

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 8/6 - Ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Theo đó, khi trình phương án sắp xếp tài sản công, tức là nhà cửa, đất đai của các doanh nghiệp nhà nước, UBND các địa phương được giao thẩm quyền phê duyệt phương án.

Tuy nhiên, việc phê duyệt phương án rất chậm, trong năm 2021 chỉ thực hiện bán vốn được 18 doanh nghiệp và cổ phần hóa được 4 doanh nghiệp, tổng số thu ngân sách hơn 4.402 tỷ đồng.

Đối với việc gắn sắp xếp nhà đất vào cổ phần hóa, Bộ trưởng cho rằng: "Theo Nghị định của Chính phủ, tài sản của doanh nghiệp nhà nước gắn liền với đất thuê hàng năm, không tính vào giá trị doanh nghiệp, nhưng nếu nộp tiền đất một lần được tính vào giá trị doanh nghiệp. Thực ra đây cũng là lỗ hổng cần phải được kiến tạo để đảm bảo sau chuyển sang cổ phần hóa, đất đai không bị thất thoát".

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, vừa qua, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước gây thất thoát rất nhiều, chủ yếu từ đất, chẳng hạn như Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Tổng công ty Công nghiệp Tân Thuận... Các vụ án xảy ra chủ yếu liên quan đến đất đai, cốt lõi ở chỗ chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Chuyên gia dự báo diễn biến bất ngờ của thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm

Dự báo, trong sáu tháng cuối năm 2022, phân khúc bất động sản (BĐS) “dễ thở” nhất là căn hộ đã bàn giao, có sổ đỏ, sản phẩm nhà phố trong trung tâm các TP lớn vẫn hấp dẫn, đất nền của các tỉnh, thành gần Hà Nội, TP.HCM có mức giá hợp lý sẽ không lo bị "ế hàng”.

Theo báo cáo tổng quan tình hình thị trường mới nhất của Batdongsan.com.vn, trong tháng 4, mặc dù lượng tin rao bán BĐS tăng 7% nhưng mức độ quan tâm lại giảm 6%. Trong đó, thị trường Hà Nội ghi nhận lượng tin rao bán tăng 11%, mức độ quan tâm không có sự biến động; thị trường TP.HCM ghi nhận lượng tin rao bán BĐS giảm 4% trong khi mức độ quan tâm tới các sản phẩm BĐS giảm 9%.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 8/6 - Ảnh 2

Nhịp kinh doanh BĐS của nhiều doanh nghiệp đang chậm lại so với giai đoạn hồi đầu năm, làm hưởng không nhỏ đến tâm lý của nhà đầu tư, khiến khả năng thanh khoản của thị trường có chiều hướng chững lại. (Ảnh minh họa: Đức Thanh)

Từ những dấu hiệu trên, các chuyên gia BĐS cho rằng, thời gian gần đây, cùng với loạt động thái liên quan đến việc “phanh” nguồn vốn vào bất động sản từ các kênh huy động lớn như tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, cũng như hoạt động tăng cường chấn chỉnh công tác thuế với các giao dịch bất động sản của Chính phủ và các cơ quan, ban ngành liên quan, đã phần nào khiến nhịp kinh doanh BĐS của nhiều doanh nghiệp chậm lại so với giai đoạn hồi đầu năm, làm hưởng không nhỏ đến tâm lý của nhà đầu tư, khiến khả năng thanh khoản của thị trường có chiều hướng chững lại.

Trong khi đó, Colliers Việt Nam cho rằng, nguyên nhân khiến thị trường BĐS chững lại còn do thu nhập của người mua nhà bị ảnh hưởng trong đại dịch COVID -19 kéo dài sang năm 2022. Mặt khác, thị trường nhà chung cư đang dần mất đi một lượng khách hàng đầu tư căn hộ cho thuê khi giá nhà tăng cao, nhưng việc khai thác cho thuê không còn hiệu quả như giai đoạn khoảng 5-10 năm trước.

Các ngân hàng lên tiếng về việc cho vay BĐS

Lãnh đạo một số ngân hàng như BIDV, Vietinbank khẳng định không có chủ trương “siết” cho vay BĐS. Các ngân hàng cho biết, vẫn ưu tiên cho vay bất đối với các chủ đầu tư có tiềm lực và người mua nhà nhu cầu thực.

Thời gian qua, thông tin về việc ngân hàng “siết” tín dụng BĐS đã làm cho nhiều người mua nhà có nhu cầu thực lo lắng. Tuy nhiên, mới đây, tại Tọa đàm “Khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản” do Báo Thanh Niên tổ chức, lãnh đạo các ngân hàng đã có những chia sẻ liên quan đến việc cho vay BĐS được dư luận đặc biệt quan tâm trong thời gian vừa qua.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 8/6 - Ảnh 3
Ông Nguyễn Đình Vinh, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) cho biết, cho vay tiêu dùng bất động sản tại VietinBank tính đến thời điểm hiện nay tăng khoảng 24% so với đầu năm 2022.

“Trong cuối tháng 5 vừa qua, VietinBank, BIDV, Techcombank và Vietcombank có thu xếp một khoản vay cho một chủ đầu tư dự án bất động sản lớn tại phía Bắc. Chúng tôi họp qua rất nhiều cấp và khi thu xếp xong thì chủ đầu tư nói là không vay nữa bởi vì họ huy động vốn xong rồi. Họ chỉ cần ngân hàng phát hành bảo lãnh cho người mua bất động sản”, ông Nguyễn Đình Vinh, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam, cho biết.

Vị này cho biết, thời gian vừa qua, nhiều thông tin cho thấy, có những địa phương ghi nhận giá BĐS tăng đến mấy trăm % chỉ trong vòng vài năm. Do đó mới có câu chuyện kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực này.

Quảng Bình có dự án khách sạn 6 sao đầu tiên

Dự án Dolce Penisola Quảng Bình là tổ hợp căn hộ khách sạn 6 sao, do chủ đầu tư Onsen Fuji phát triển với kinh phí đầu tư lên tới 1.500 tỷ đồng. Đây là khách sạn 6 sao đầu tiên tại Quảng Bình.

Dự án Dolce Penisola Quảng Bình tọa lạc ngay gần bờ biển Nhật Lệ - Bảo Ninh, liền kề 2 sân golf chuẩn quốc tế 36 hố, cầu Nhật Lệ II và đối diện quảng trường biển lớn nhất Quảng Bình, nơi được quy hoạch để tổ chức các sự kiện du lịch lớn của tỉnh.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 8/6 - Ảnh 4
Ảnh: cafef

Dolce Penisola Quảng Bình sở hữu những tiện ích xa xỉ như: Cầu kính chân mây Skywalk, câu lạc bộ Xì-gà, câu lạc bộ Rượu vang, onsen & Jim jil bang, rạp chiếu phim, khu vui chơi, công viên, nhà hàng À la carte, casino, spa, gym, yoga, bể bơi vô cực, bể bơi đáy kính trong suốt lần đầu tiên xuất hiện tại Quảng Bình....

Dự án được vận hành bởi Dolce Hotels & Resorts – thương hiệu cao cấp nhất của tập đoàn khách sạn Wyndham. Đây là tập đoàn khách sạn lớn và đa dạng bậc nhất thế giới, sở hữu hệ thống chi nhánh, nhượng quyền tại hơn 95 quốc gia, vùng lãnh thổ với 22 thương hiệu khác nhau, nổi bật là Dolce Hotels and Resorts.

Được biết, mới đây VHA Group và chủ đầu tư Onsen Fuji đã ký kết hợp tác. Theo đó, VHA Group chính thức trở thành đối tác chiến lược phát triển kinh doanh dự án Dolce Penasola Quảng Bình.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 8/6. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới