Điểm tin môi trường nổi bật ngày 11/8
Miền Bắc mưa lớn vẫn tiếp tục kéo dài; Thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch tổng thể quốc gia; Các bãi rác trên thế giới thải ra lượng khí metan khổng lồ... là những tin tức môi trường nổi bật ngày hôm nay 11/8.
Miền Bắc mưa lớn vẫn tiếp tục kéo dài
Vào sáng nay (11/8), áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ bão số 2) đã tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Đông Bắc của Bắc Bộ. Vùng thấp này sau đó tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc trong ngày hôm nay và tan dần trên khu vực miền Bắc nước ta.
Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua Bắc Bộ nối với vùng thấp suy yếu từ bão số 2 nên chiều tối nay (11/8) đến ngày mai (12/8), Bắc Bộ và Thanh Hóa tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 30-70mm, có nơi trên 100mm.
Hà Nội từ chiều tối nay đến ngày mai (12/8) có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông với lượng mưa phổ biến từ 20-40mm, có nơi trên 60mm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.
Dự báo ngay sau đó, khoảng ngày 13/8, trên khu vực Bắc Bộ hình thành rãnh áp thấp. Do tác động của rãnh áp thấp này nên Bắc Bộ và Thanh Hóa - Nghệ An có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to. Đợt mưa dông này có khả năng kéo dài đến 16/8.
Tây Nguyên và Nam Bộ trong những ngày tới có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Hàng loạt chuyến bay bị lùi, hủy do ảnh hưởng của bão 2
Theo thông báo của Vietnam Airlines, hãng sẽ hủy 2 chuyến bay VN1182 và VN1175 giữa Hải Phòng và TP.HCM.
Bên cạnh đó, chuyến bay VN1512 và VN1513 giữa Buôn Mê Thuột và Hải Phòng; chuyến bay VN1580 và VN1581 giữa Cam Ranh và Hải Phòng; chuyến bay VN1520 và VN1521 giữa Đà Lạt và Hải Phòng; chuyến bay VN1178 và VN1182 từ Hải Phòng đi TP.HCM trong ngày 11/8 cũng sẽ lùi giờ khởi hành muộn hơn.
Ngoài ra, một số chuyến bay khác cũng sẽ bị ảnh hưởng dây chuyền do lịch khai thác thay đổi.
Vietnam Airlines cũng cho biết, hành khách trên các chuyến bay bị ảnh hưởng bởi cơn bão Mulan sẽ được hãng hỗ trợ theo quy định và chuyển đổi sang các chuyến bay khác cùng hành trình nếu có yêu cầu (nếu còn chỗ).
Vietnam Airlines sẽ tiếp tục theo dõi tình hình thời tiết và cập nhật trong các bản tin tiếp theo.
Hãng khuyến nghị hành khách đang có kế hoạch đến, đi từ các sân bay tại Hải Phòng, Vân Đồn, Điện Biên, Vinh, Thanh Hóa và Nội Bài nên thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết và thông tin từ Hãng.
Vietjet Air và Bamboo Airways cũng đã có thông báo về việc thay đổi kế hoạch khai thác một số chuyến bay đi/đến từ Hải Phòng trong ngày 11/8. Hành khách trên các chuyến bay bị ảnh hưởng bởi cơn bão Mulan sẽ được hãng hỗ trợ chuyển đổi sang chuyến bay khác cùng hành trình nếu có yêu cầu và còn chỗ.
Thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch tổng thể quốc gia
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 965/QĐ-TTg ngày 10/8/2022 thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định.
Hội đồng thẩm định có nhiệm vụ tổ chức thẩm định quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của pháp luật về Quy hoạch và pháp luật về Bảo vệ môi trường.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định. Cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định được sử dụng con dấu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình hoạt động.
Hội đồng thẩm định hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm và tự giải thể sau khi Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Quốc hội quyết định.
Thành viên Hội đồng thẩm định gồm:
- Bộ trưởng các Bộ: Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tài chính, Giao thông vận tải, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Y tế.
- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Tổng Thanh tra Chính phủ; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Lãnh đạo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Lãnh đạo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương; Lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Thái Nguyên, Nghệ An, Đắk Lắk.
Quảng Nam: Tăng cường kiểm soát ô nhiễm từ các hoạt động vùng bờ
Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam vừa có Công văn đề nghị các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, phòng ngừa, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương từ các hoạt động vùng bờ.
Theo đó, Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển tăng cường kiểm soát các chất thải từ các hoạt động vùng bờ như: từ các chợ cá, cảng cá, cảng biển… khu vực nuôi trồng thủy, hải sản ven bờ; các chất thải từ các hoạt động ven bờ cần được thu gom và xử lý đúng nơi quy định.
Nước thải từ tàu thuyền, nước súc rửa tàu phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường, không được pha loãng nhằm đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi thải ra biển. Đồng thời, kiểm soát, quản lý chặt chẽ các dòng xả nước thải ra môi trường, ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường tại các khu, cụm công nghiệp ven biển trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, các địa phương có kế hoạch thu gom và xử lý chất thải rắn trôi nổi tại các vùng biển ven bờ nhằm bảo vệ môi trường vùng bờ. Riêng chất thải nhựa phát sinh từ các hoạt động du lịch và dịch vụ biển; kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và tài nguyên khoáng sản biển; nuôi trồng và khai thác thủy sản phải được thu gom, lưu giữ và chuyển cho cơ sở có chức năng tái chế và xử lý theo quy định.
Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam khuyến khích các cá nhân, tổ chức sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần và sản phẩm thay thế bao bì nhựa khó phân hủy sinh học.
Đề nghị chủ phương tiện vận chuyển, lưu giữ xăng, dầu có nguy cơ gây sự cố tràn dầu trên biển phải có kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố tràn dầu và được cơ quan chức năng phê duyệt theo đúng quy định tại Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Các địa phương hằng năm, xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật về bảo vệ môi trường biển và hải đảo cho cộng đồng dân cư ven biển và các đối tượng thường xuyên hoạt động trên biển. Tích cực vận động các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tăng tường tái chế, tái sử dụng rác thải nhựa để hạn chế phát thải ra môi trường.
Các bãi rác trên thế giới thải ra lượng khí metan khổng lồ
Theo một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Science Advances (Mỹ), việc phân hủy rác thải thải thực phẩm đang thải ra hàng nghìn tấn khí metan tại các bãi rác ở Buenos Aires (Argentina), Delhi và Mumbai (Ấn Độ) và Lahore (Pakistan).
Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ, với khoảng 570 triệu tấn khí nhà kính thải ra hàng năm từ các quá trình công nghiệp và tự nhiên, nồng độ khí metan trong khí quyển đang tăng với tốc độ kỷ lục.
Ở một số quốc gia, nguồn phát thải khí metan lớn nhất là từ ruộng nông nghiệp và động vật trang trại - đặc biệt là bò nhưng cũng có cả gia súc và gà. Tại Mỹ, ngành dầu khí chịu trách nhiệm chính. Tuy nhiên, rác thải là một nguồn phát thải lớn khác về khí metan trên toàn cầu.
Một nhóm các nhà khoa học đã xem xét kỹ hơn để xác định các nguồn phát thải cho biết, dữ liệu từ một máy dò gắn trên vệ tinh cho thấy nồng độ khí metan cao ở các thành phố ở Ấn Độ, Pakistan và Argentina.
Các hình ảnh vệ tinh độ phân giải cao được chụp vào năm 2020 cho thấy khí mê-tan từ các bãi chôn lấp rác ở thủ đô Buenos Aires của Argentina, các thành phố New Delhi và Mumbai của Ấn Độ và thành phố Lahore lớn thứ hai của Pakistan. Trong đó, theo kết quả nghiên cứu, một bãi rác ở Mumbai thải ra khoảng 9,8 tấn metan mỗi giờ, tương đương 85.000 tấn mỗi năm. Bãi rác Buenos Aires thải ra khoảng 250.000 tấn hàng năm - tương đương 50% tổng lượng khí metan của thành phố.
Đồng tác giả Joannes Maasakkers, nhà khoa học môi trường tại Viện Nghiên cứu Vũ trụ Hà Lan cho biết, những quan sát này có thể cho chúng ta biết nơi phát thải khí metan lớn và nơi có thể tiến hành giảm thiểu lượng khí này. Các bước giảm thiểu có thể bao gồm ủ thực phẩm hoặc thu giữ khí metan để làm khí sinh học.
Theo ông Maasakkers, trong khoảng thời gian 20 năm, metan tác động đến hiện tượng nóng lên toàn cầu gấp 80 lần so với CO2, do đó, việc giảm phát thải khí metan hiện nay có thể tác động nhanh chóng đến biến đổi khí hậu.
Theo Ngân hàng Thế giới, rác thải từ bãi chôn lấp - chịu trách nhiệm cho khoảng 11% lượng khí metan toàn cầu - dự kiến sẽ tăng khoảng 70% vào năm 2050 khi dân số toàn cầu tiếp tục tăng lên.
Lan Anh