Chủ nhật, 24/11/2024 08:16 (GMT+7)
Thứ bảy, 18/07/2020 09:32 (GMT+7)

Doanh nghiệp du lịch gồng mình vượt khó

Theo dõi KTMT trên

Chỉ trong vòng vài tháng qua, đã có gần 1.000 doanh nghiệp tại Khánh Hòa đăng ký tạm ngưng hoạt động, nhiều doanh nghiệp đang hoạt động “cầm chừng”.

Mấy ngày nay, sau khi học sinh được nghỉ hè, hoạt động du lịch tại tỉnh Khánh Hòa bắt đầu sôi động sau thời gian dài trầm lắng vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Nhiều khách sạn đã hoạt động trở lại, nhưng công suất thấp chỉ vì chủ yếu đón khách du lịch nội địa.

Tại thành phố Nha Trang, nhiều khách sạn đóng cửa, nhân viên vẫn nghỉ việc. Mặc dù chỉ duy trì các bộ phận cần thiết như bảo vệ, kỹ thuật... nhưng các khách sạn 3- 4 sao, mỗi tháng cũng tiêu tốn cả trăm triệu đồng chi phí tiền điện, tiền nhân công.

Hiện nay, các doanh nghiệp mở cửa kèm nhiều hình thức khuyến mãi, giảm giá sâu để kích cầu. Vì thế, giá phòng rẻ, chỉ bằng một nửa so với trước. Công suất phòng thấp, giá bán giảm nên các khách sạn mở cửa hoạt động không có lãi, thậm chí phải bù lỗ nhiều hơn cả khi không hoạt động. Nhiều chủ khách sạn đã chọn giải pháp tạm ngưng hoạt động để hạn chế thua lỗ.

Doanh nghiệp du lịch gồng mình vượt khó - Ảnh 1
Nhiều cơ sở kinh doanh khách sạn chưa hoạt động trở lại, doanh nghiệp đang cần sự trợ lực của Nhà nước.

“Dọn phòng, bếp, lễ tân, kế toán đi làm. Đâu phải mở ra, có khách vô ở là có lãi. Kích cầu du lịch, hạ giá và không có sự đồng hành như thế nào đó, muốn giữ hòa vốn thì lượng khách phải đạt 70- 80%, mà lượng khách đạt mức 70-80% thì xa thực tế. Công suất phòng 10-20-30% là lỗ nặng rồi. Phải đóng cửa để bảo toàn, lỗ nhẹ còn hơn lỗ nặng”, ông Võ Tường Trọng, chủ khách sạn Florida ở thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa lý giải.

Để thu hút khách lưu trú, ngoài việc giảm giá, tặng kèm thêm các dịch vụ vui chơi, ăn uống... một số khách sạn đã đẩy mạnh việc tiếp thị, bán hàng trực tuyến. Tuy vậy, đa phần các khách sạn chỉ đạt 1/3 công suất. Số lượng phòng ít, doanh thu sụt giảm nên nhiều cơ sở mới chỉ có một phần nhân viên đến làm việc, số còn lại vẫn phải nghỉ ở nhà.

Ông Lê Bá Tài, Tổng giám đốc Khách sạn Green World Nha Trang cho biết, trước khi hoạt động trở lại vào cuối tháng 6, cơ sở đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để nâng cấp các trang thiết bị nội thất. Khách sạn Green World Nha Trang chấp nhận hoạt động không lợi nhuận để tạo việc làm cho người lao động.

“Phải có khách thì khách sạn mới có thể hoạt động, không bị hư hỏng về trang thiết bị, nhân viên cũng không bị lụt nghề. Sự canh tranh hiện nay rất khốc liệt, có nhiều khách sạn mới. Khách hàng đa số vẫn thích khách sạn mới hơn. Sau đợt dịch này, nhân sự phải gọn lại, có chất lượng hơn, chỉ còn khách nội địa, cũng không thể nào đông đến mức phủ kín phòng được”, ông Lê Bá Tài chia sẻ.

Sau nhiều năm ồ ạt trào lưu xây dựng khách sạn, đến nay, tại tỉnh Khánh Hòa có đến hơn 50.000 phòng lưu trú. Khách nội địa khó lấp đầy nên các khách sạn đang trông chờ đón khách quốc tế. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 tại các quốc gia đang diễn biến phức tạp chưa biết đến khi nào thị trường khách du lịch quốc tế mở cửa trở lại. Chỉ trong vòng vài tháng qua đã có gần 1.000 doanh nghiệp tại Khánh Hòa đăng ký tạm ngưng hoạt động.

Ông Nguyễn Xuân Thùy, Chủ tịch Hội Doanh nhân cựu chiến binh tỉnh Khánh Hòa cho biết, nhiều chính sách hỗ trợ chưa đến được với người lao động, doanh nghiệp đang rất cần sự trợ lực, liều thuốc mạnh của Nhà nước để vượt qua khó khăn.

Doanh nghiệp du lịch gồng mình vượt khó - Ảnh 2
Đến nay, mới chỉ có một số cơ sở du lịch mở cửa trở lại nên nhiều người lao động vẫn khó khăn trong tìm việc làm.

“Chúng tôi mong muốn Chính phủ cho giãn tiền lãi dài hơn. Tất nhiên, bản thân doanh nghiệp nếu làm ăn kinh doanh, có doanh thu, trả tiền gốc, tiền lãi thì chúng tôi cũng không muốn nợ. Nhưng bây giờ kinh doanh chưa có doanh thu, lợi nhuận chưa có, chỉ đủ cầm hơi cho cán bộ, công nhân viên để giữ lực lượng lao động, bắt chúng tôi đóng đủ thứ hết thì rất khó khăn”, ông Nguyễn Xuân Thùy nói.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ điều hành linh hoạt chính sách tỉ giá để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp. Ngành ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách cơ cấu nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi suất vay đối với doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh do tác động của đại dịch Covid-19.

Các bộ, ngành đang tham mưu để sửa đổi Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn, trong đó có việc tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến gói vay 16.000 tỉ đồng tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

“Khi Quyết định 15 này được sửa đổi, chúng tôi sẽ sẵn sàng giải ngân ngay. Cũng khẳng định rằng, ngành ngân hàng sẽ đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho các tổ chức tín dụng. Các tổ chức tín dụng sẵn sàng nguồn vốn cho các doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn. Cũng sẽ điều chỉnh tăng trưởng tín dụng khi các tổ chức tín dụng đề nghị”, bà Nguyễn Thị Hồng khẳng định.

Thái Bình

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp du lịch gồng mình vượt khó. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới