Chủ nhật, 24/11/2024 08:59 (GMT+7)
Thứ bảy, 26/02/2022 07:00 (GMT+7)

Doanh nghiệp kỳ vọng gì từ gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng?

Theo dõi KTMT trên

Gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm, tối đa 40.000 tỷ đồng là một trong những cấu phần quan trọng của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đang nhận được sự quan tâm từ các doanh nghiệp, mong mỏi sớm được triển khai để khôi phục sản xuất.

Chờ nguồn tài chính để sớm khôi phục sản xuất

Triển khai Nghị quyết số 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ lãi suất 2%/năm tối đa 40.000 tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với các khoản vay cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ và có khả năng phục hồi trong một số ngành, lĩnh vực. Gói hỗ trợ này đang được các đối tượng nằm trong chương trình mong mỏi sớm được triển khai để khôi phục lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo ghi nhận của cộng đồng doanh nghiệp, ảnh hưởng từ dịch Covid 19 trong hai năm qua đã khiến nhiều doanh nghiệp lao đao điêu đứng và bên bờ vực phá sản. Đón nhận thông tin được hỗ trợ lãi suất 2%/năm sẽ giúp họ sẽ có thêm nguồn tài chính để đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm phục hồi lại các hoạt động của mình.

Doanh nghiệp kỳ vọng gì từ gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng? - Ảnh 1
Doanh nghiệp mong mỏi gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng sớm được triển khai để khôi phục sản xuất. (Ảnh minh họa)

Ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty Quốc tế Delta bày tỏ, trong bối cảnh giá cả xăng dầu đang leo thang, việc giảm lãi suất cho doanh nghiệp sẽ góp phần hỗ trợ để vượt qua khó khăn vì dịch bệnh cũng như các tác động của thị trường.

"Giảm lãi suất cho vay thông qua các gói hỗ trợ, chúng tôi cũng đang rất mong chờ được hưởng lợi từ các chính sách này. Nhưng đến bây giờ chúng tôi cũng chưa biết sẽ được triển khai như thế nào? Nội dung mới chỉ nằm trong Nghị quyết của Quốc hội. Vì vậy, chúng tôi cũng rất mong muốn những gói hỗ trợ nằm trong nhóm chính sách tiền tệ của Chính phủ, sẽ hỗ trợ chúng tôi tốt hơn, để vượt qua dịch bệnh, cũng như là để đối phó với biến động giá cả xăng dầu như hiện nay" - ông Nghĩa cho biết.

Cũng cho ý kiến về gói hỗ trợ này, Tổng Giám đốc một Ngân hàng thương mại cổ phần tại TP.HCM cho biết các doanh nghiệp rất mong chờ gói hỗ trợ này để tiếp cận nguồn vốn ưu đãi nhằm khôi phục sản xuất. Thế nhưng, ngân hàng cũng đang chờ hướng dẫn vì thiếu thông tin về gói hỗ trợ.

"Để chính sách phát huy tác dụng, đến đúng đối tượng, các ngân hàng mong muốn có cơ chế phù hợp và chính sách phải rõ ràng từ cấp Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN)  và triển khai đến các ngân hàng thương mại. Mặt khác, chính sách phải vận hành một cách rõ ràng, nếu không sẽ rất khó đi vào thực tiễn hoặc sẽ tạo ra những khó khăn hậu quá trình bù lãi suất như đợt trước đây. Đó là bài toán không dễ dàng", vị này nói.

Điều kiện để được hỗ trợ lãi suất 2%/năm là gì?

Liên quan đến vấn đề này, mới đây, NHNN đã tiến hành cuộc họp lấy ý kiến tham gia đối với dự thảo Nghị định về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và Thông tư hướng dẫn Nghị định.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, NHNN đã bắt tay ngay vào soạn thảo dự thảo Nghị định về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và Thông tư hướng dẫn Nghị định.

“Việc sớm lấy kiến đóng góp vừa giúp Nghị định, Thông tư sớm ban hành mà còn đảm bảo các quy định đồng bộ, rõ ràng, cụ thể, bao quát được các vấn đề, hạn chế tối đa các vấn đề phát sinh, nhất là đúng đối tượng thụ hưởng đảm bảo sự công bằng”, Phó Thống đốc nhấn mạnh và thông tin thêm, dự thảo Nghị định dựa trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, theo nguyên tắc quy định hoạt động tín dụng và từ kinh nghiệm triển khai gói hỗ trợ năm 2009.

Dự thảo Nghị định có nội dung rõ ràng là: Đối tượng áp dụng, Nguyên tắc hỗ trợ lãi suất, Điều kiện được hỗ trợ lãi suất, thời hạn và mức lãi suất hỗ trợ, phương thức hỗ trợ lãi suất cũng như trình tự, thủ tục tạm cấp bù lãi suất và quyết toán cấp bù lãi suất. Trên cơ sở đó, cũng phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong triển khai Nghị định.

Cụ thể, hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022 - 2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi trong các ngành, lĩnh vực: hàng không, vận tải kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo; nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; công nghiệp chế biến, chế tạo (đã bao gồm máy móc, trang thiết bị, thuốc, hoá dược, dược liệu); xuất bản phần mềm; lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan; hoạt động dịch vụ thông tin; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua. Các khoản vay của khách hàng sẽ được hỗ trợ giảm lãi suất đến hết ngày 31/12/2023 hoặc tổng số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đạt tối đa 40.000 tỷ đồng.

Để được hỗ trợ lãi suất, khách hàng phải có đơn đề nghị và được ngân hàng cho vay chấp thuận tại thời điểm giải ngân hoặc thời điểm ký kết thỏa thuận cho vay. Định kỳ trả lãi, khách hàng vay sẽ được ngân hàng giảm trừ trực tiếp số tiền lãi vay phải trả bằng với số tiền lãi vay được hỗ trợ lãi suất.

Dự thảo cũng quy định khách hàng sẽ không được hỗ trợ lãi suất nếu khoản vay của khách hàng có số dư nợ gốc bị quá hạn và/hoặc số dư lãi chậm trả, khách hàng sẽ tiếp tục được hỗ trợ lãi suất sau khi đã trả hết số dư nợ gốc quá hạn và/hoặc số dư lãi chậm trả. Ngoài ra, khoản vay của khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và không được giữ nguyên nhóm nợ không được hỗ trợ lãi suất kể từ ngày cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Khách hàng chỉ được tiếp tục hỗ trợ lãi suất khi trả đầy đủ gốc và lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại trong thời gian tối thiểu 3 tháng đối với nợ trung hạn, dài hạn, 1 tháng đối với nợ ngắn hạn, kể từ ngày bắt đầu trả đầy đủ nợ gốc và lãi theo thời hạn được cơ cấu lại.

Nhóm ngân hàng thương mại cho vay là nhóm chủ lực trong cho vay đối với nền kinh tế, với quy mô dư nợ chiếm 94% tổng dư nợ cho vay của hệ thống tổ chức tín dụng.

Như vậy, gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm, tối đa 40.000 tỷ đồng sẽ được thực hiện một cách căn cơ, bài bản để đảm bảo hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Hà Lan (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp kỳ vọng gì từ gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới