Chủ nhật, 24/11/2024 06:09 (GMT+7)
Chủ nhật, 16/05/2021 10:38 (GMT+7)

Doanh nghiệp tìm cách thích ứng và vươn lên trong đại dịch Covid-19

Theo dõi KTMT trên

Các doanh nghiệp cần vận dụng sáng tạo những giải pháp sản xuất kinh doanh linh hoạt để có thể bám trụ, tăng trưởng bền vững, trong thế giới đầy biến động vì đại dịch.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, kinh tế đất nước 4 tháng qua vẫn đạt nhiều kết quả quan trọng: Lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định. Điều này cho thấy ngoài nỗ lực của Chính phủ trong điều hành kinh tế là sự chủ động, sáng tạo của nhiều doanh nhân, doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực...

Tuy nhiên, sự tái bùng phát dịch Covid-19 tại nhiều quốc gia có mối quan hệ thương mại với nước ta, đặc biệt là các quốc gia láng giềng, đi kèm các biện pháp phong tỏa, đứt gãy chuỗi cung ứng; Cùng diễn biến phức tạp của dịch bệnh từ trong nước, đã và đang cho thấy những thách thức đối với cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế.

Doanh nghiệp tìm cách thích ứng và vươn lên trong đại dịch Covid-19 - Ảnh 1
Ảnh minh họa. 

Không còn là chuẩn bị tâm thế như thế nào trong giai đoạn này, các doanh nghiệp cần vận dụng sáng tạo những giải pháp sản xuất kinh doanh linh hoạt, đã mang lại hiệu quả thực tế từ 3 đợt dịch trước, để cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ, có thể trụ được, tăng trưởng bền vững trong thế giới đầy biến động vì đại dịch.

Công ty CP Đầu tư HT Vina có trụ sở chính tại khu công nghiệp Hapro, Gia Lâm, Hà Nội chuyên sản xuất - kinh doanh bao bì carton cho các đối tác lớn trong nước và xuất khẩu, thời gian kinh tế biến động do đại dịch bệnh Covid 19, công ty cũng bị ảnh hưởng tiêu cực, như nhiều doanh nghiệp cùng lĩnh vực.

Ông Đỗ Xuân Thọ, Giám đốc công ty cho biết, từ khi xuất hiện đại dịch Covid đơn hàng của công ty giảm mạnh. Thời điểm này khó khăn nhất lại không còn là đầu ra mà là đầu vào nguyên liệu vì đa phần là giấy phế liệu nhập khẩu từ Mỹ, Nhật, châu Âu. Dịch covid còn gây thiếu container vận chuyển, hàng hóa bị ách tắc ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh… Tuy nhiên, do doanh nghiệp nhanh chóng đa dạng hóa sản phẩm nên về mặt doanh thu vẫn tăng trưởng khoảng 10%.

Tương tự, ở lĩnh vực sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng, Khang Minh Group là ví dụ khá điển hình cho câu chuyện thực tế này. Ông Nguyễn Văn Tiếm, Giám đốc sản xuất của Khang Minh Group cho biết, những năm trước đại dịch, doanh nghiệp đang phát triển theo đà từ 10-30% cả về doanh số, doanh thu. Khi dịch bùng phát, nguyên vật liệu nhiều lúc bị gián đoạn, hàng hóa sản phẩm bán ra bị co hẹp, giảm sản lượng.

“Doanh nghiệp đã có nhiều chủ trương thay đổi sản xuất, như tăng khả năng sáng tạo, tiết giảm chi phí trong sản xuất ở tại nhà máy để quá trình sản xuất ra rẻ nhất, cạnh tranh được với thị trường. Doanh nghiệp cũng dự trữ nguyên vật liệu để không bị gián đoạn quá trình sản xuất. Đồng thời mở rộng bán hàng, thông tin sản phẩm đến người tiêu dùng thông qua internet, facebook, thông qua quảng cáo trên báo chí và mở rộng thị trường bán hàng để sản phẩm của mình không bị ảnh hưởng trong quá trình dịch bệnh”, ông Tiếm cho hay.

Linh hoạt thích ứng với thời cuộc là nỗ lực cần có trong mỗi doanh nhân-doanh nghiệp, đặc biệt trước diễn tiến của đại dịch Covid 19. Hay nói như ông Phạm Đình Đoàn – Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, Phó Chủ tịch Hội đồng Trung ương các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam thì “vai trò bà đỡ của Nhà nước rất cần thiết, nhưng sự chủ động của doanh nghiệp buộc phải có trước, nếu không muốn sụp đổ trước khi nhận được sự trợ giúp”.

“Các doanh nghiệp cần xây dựng khả năng linh hoạt và ứng biến để tồn tại. Phải theo dõi sát diễn biến của dịch vì nó sẽ tác động trực tiếp chuỗi cung ứng và nhu cầu thị trường; phải tái cơ cấu vận hành, từ quy trình mua-bán, dịch vụ hỗ trợ, tìm kiếm các phân khúc thị trường, đầu tư nghiên cứu sản phẩm mới, cách bán hàng mới, bố trí lao động, chế độ làm việc cắt giảm chi phí… những nỗ lực này phải cao hơn cả những lần trước”, ông Đoàn khuyến cáo.

4 tháng đầu năm nay, cả nước có 51.500 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục và hoàn tất thủ tục giải thể - tăng 23,3% so với cùng kỳ 2020 là năm đầu tiên chịu tác động của đại dịch. Diễn biến khó lường của đại dịch tiếp tục thách thức sự tồn tại của nhiều doanh nghiệp, đòi hỏi sự nhạy bén, linh hoạt của từng chủ doanh nghiệp, cùng sự đồng thuận của cả bộ máy sản xuất trong từng công ty, đơn vị, từng lĩnh vực, ngành nghề và toàn nền kinh tế.

Thu Trang VOV1

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp tìm cách thích ứng và vươn lên trong đại dịch Covid-19. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới