Doanh nghiệp TP.HCM lo thiếu hụt lao động
Dịch Covid-19 khiến nhiều lao động ở TP.HCM về quê phòng, tránh dịch. Khi doanh nghiệp phục hồi sản xuất thì lao động không kịp quay trở lại làm việc.
Doanh nghiệp đứng trước nhiều nỗi lo
Sáng ngày 2/10, trong buổi tiếp xúc với Đoàn ĐBQH TP.HCM, ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp của thành phố chia sẻ, từ đầu năm 2021 đến tháng 8/2021, có 24.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường.
Bên cạnh đó, có tới gần 30% lao động bị mất việc làm. “Người lao động gặp khó khăn do mất việc, không có thu nhập tăng cao áp lực lên công tác an sinh xã hội của thành phố.
Số người lao động phải rời thành phố về quê để phòng, chống dịch ngày càng nhiều. Một bộ phận người lao động không muốn quay lại làm việc. Đây là khó khăn lớn khi doanh nghiệp phục hồi sản xuất trở lại, có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tốc độ phục hồi kinh tế thành phố trong thời gian tới”, ông Chu Tiến Dũng cho biết.
Phó Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM Phạm Văn Việt nêu, TPHCM có tổng số hơn 4,7 triệu người lao động đang làm việc, trong đó có trên 3,2 triệu lao động thuộc khối sản xuất, kinh doanh; Hơn 50% trong số này là lao động ngoại tỉnh.
Thời gian qua, TP.HCM phối hợp với các địa phương đưa trên 33.000 người về các tỉnh, thành. Chưa kể những người đã tự về quê trước đó chưa được thống kê.
Nhiều người lao động có nguyện vọng quay lại TP.HCM làm việc nhưng vẫn chưa thể quay lại. Chính vì thế, doanh nghiệp vốn đang sức yếu lại phải đứng trước nỗi lo thiếu hụt lao động, làm giảm năng suất, nguy cơ đứt chuỗi cung ứng.
Các doanh nghiệp tại TP.HCM đều mong muốn có chính sách hỗ trợ để cho người lao động thuận tiện trong việc quay trở lại làm việc trong thời gian tới, nhất là những lao động ở các tỉnh thành khác.
Cùng tháo gỡ khó khăn
Trước ý kiến mà doanh nghiệp đưa ra, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2021, lực lượng lao ộng giảm trên 22% so với cùng kỳ, cho thấy khó khăn của doanh nghiệp trước nguy cơ thiếu hụt lao động là rất lớn.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước, chính quyền TP.HCM, trước hết là ngành tài chính, thuế, các bộ ngành của Trung ương đang và sẽ tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, từng bước nới lỏng xã hội, giúp phục hồi kinh tế TP.HCM. Đặc biệt, đã và sẽ có một số chính sách hỗ trợ cụ thể đối với doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Chủ tịch nước nêu rõ, tại cuộc tiếp xúc này, các ĐBQH lắng nghe các kiến nghị của doanh nghiệp và thúc đẩy các cơ quan chức năng trả lời các vấn đề đặt ra của các doanh nhân.
Điều đó nhằm tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nguồn lao động, xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư... giúp doanh nghiệp từng bước mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh đảm bảo an toàn trong bối cảnh mới.
Theo Chủ tịch nước, muốn tập trung thành công, kinh doanh thắng lợi, bền vững thì doanh nhân, doanh nhân cần đề cao cảnh giác, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch một cách tốt nhất, trong đó cần tuân thủ 5K.
Chủ tịch nước mong muốn các cấp của TP.HCM, đặc biệt là các ngành của Trung ương và Đoàn ĐBQH cùng lắng nghe ý kiến doanh nghiệp, cùng chung tay tháo gỡ khó khăn.
Chủ tịch nước tin tưởng rằng với truyền thống của TP.HCM, nhất định trong quý 4/2021 và đặc biệt là năm 2022, sự khởi sắc của TP.HCM sẽ trở lại với sự góp mạnh mẽ của doanh nghiệp, doanh nhân TP.HCM.
Hồ Duy