Chủ nhật, 24/11/2024 07:31 (GMT+7)
Thứ hai, 23/01/2023 16:10 (GMT+7)

Đổi thay ứng xử với nước từ một dự án nhân văn

Theo dõi KTMT trên

Nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm nguồn nước, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã thử nghiệm sáng kiến xây dựng mô hình quản lý và bảo vệ nguồn nước theo lưu vực tại Thôn Dy, xã Minh Quang, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội.

Nghiên cứu tìm hiểu địa điểm thí nghiệm sáng kiến

Qua nghiên cứu khái quát, vùng đệm VQG Ba Vì có diện tích 35.000 ha thuộc 15 xã của huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai (Hà Nội), Lương Sơn (Hòa Bình); trong đó 7 xã quan trọng nhất thuộc huyện Ba Vì bao quanh núi Ba Vì là: Khánh Thượng, Minh Quang, Ba Vì, Ba Trại, Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài.

Đổi thay ứng xử với nước từ một dự án nhân văn - Ảnh 1
Một góc thôn Dy.

Chất lượng nước sông suối khu vực Ba Vì ở độ cao trên 100m nhìn chung đều tốt (trừ hai điểm là hồ Tiên Sa chảy qua mỏ Đồng, cốt 265 và suối Cái xã Minh Quang chảy qua mỏ Pyrit Minh Quang). Chất lượng nước sông suối sau khi ra khỏi VQG chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của hoạt động dân sinh nên bị ô nhiễm khá cao.

Trước thực tế trên, nhóm nghiên cứu đã thực hiện thí điểm mô hình cộng đồng quản lý và bảo vệ nguồn nước tại thôn Dy, xã Minh Quang. Thôn Dy là một thôn trực thuộc xã Minh Quang, nằm phía Đông của dãy núi Ba Vì, cách Đá Chông khoảng hơn 1km.

Thôn có 200 hộ dân với gần 1000 nhân khẩu sinh sống và trong số đó là 80% số hộ là người dân tộc Mường, số còn lại là người Kinh và người Dao. Hệ thống thủy lợi tưới tiêu cho việc sản xuất nông nghiệp của thôn đều phụ thuộc chính từ hai con suối chảy từ VQG Ba vì cung cấp nguồn nước tưới cho cây trồng và từ đây chảy ra theo hệ thống suối thoát nước tới địa phận xã Ba Trại. Chất lượng môi trường nước có sự suy thoái rất lớn giữa đầu nguồn và cuối nguồn nước thôn Dy.

Xây dựng hương ước làng xã về bảo vệ nguồn nước

Theo PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, điểm cốt lõi trong việc xây dựng mô hình cộng đồng quản lý và bảo vệ nguồn nước tại thôn Dy chính là xây dựng hương ước quy định tất cả các hoạt động của cộng đồng dân cư xóm Dy. Lấy hương ước làm cơ sở cho việc người dân thực hiện các hoạt động không gây ra các tác động tiêu cực đến nguồn nước.

Đổi thay ứng xử với nước từ một dự án nhân văn - Ảnh 2
Các chuyên gia tham qua hộ gia đình được tài trợ xây dựng bếp biogas.

Xử lý thí điểm nước thải chăn nuôi và nước thải sinh hoạt đối với một số gia đình có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế bằng hệ thống biogas để làm mẫu hình cho các hộ gia đình có điều kiện kinh tế tốt hơn học tập.

Đầu tư thí điểm các thùng rác và hướng dẫn người dân phân loại rác tại nguồn nhằm ngăn chặn triệt để việc xả rác thải sinh hoạt và các chất thải xuống suối gây ô nhiễm nguồn nước, tạo ra phong trào cộng đồng thu gom và phân loại rác.

Để xây dựng hương ước, bước đầu tiên là thành lập Nhóm soạn thảo và tổ chức soạn thảo hương ước gồm các thành phần: Trưởng thôn cùng Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận. Trên cơ sở đó thống nhất các nội dung cơ bản cần soạn thảo.

Bước một, tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức và nhân dân vào dự thảo hương ước, quy ước: Họp thảo luận ở tổ, đội sản xuất, tổ dân phố, ngõ xóm, nhóm các hộ gia đình, họp thảo luận ở các tổ chức đoàn thể ở thôn, làng, ấp, bản, cụm dân cư; niêm yết để thu thập ý kiến đóng góp.

Bước hai, thảo luận và thông qua hương ước, quy ước: Tại Hội nghị cử tri hoặc Hội nghị đại biểu hộ gia đình ở làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư. Hội nghị này chỉ tiến hành khi có ít nhất là 2/3 tổng số thành phần cử tri hoặc đại biểu hộ gia đình tham dự. Hương ước, quy ước được thông qua khi có ít nhất quá 1/2 số người dự họp tán thành.

Bước ba, phê duyệt hương ước, quy ước: Chủ tịch UBND cấp xã cùng Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã xem xét nội dung của hương ước, quy ước bảo đảm phù hợp với pháp luật, thuần phong, mỹ tục và trao đổi thống nhất trước khi trình Chủ tịch UBND cấp huyện phê duyệt.

Về nội dung của hương ước, TS. Nguyễn Thị Quỳnh Hương - Viện Khoa học Môi trường đã đề xuất xây dựng 14 điều dựa trên căn cứ pháp lý gồm: Luật Tài nguyên nước 2012; Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định 42/2015/NĐ-CP quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước.

Những sự kiện nổi bật trong thời gian thực hiện sáng kiến

Ngày 5/7/2022, Trung tâm Kinh tế Môi trường (Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) tổ chức tập huấn Xây dựng mô hình quản lý và bảo vệ nguồn nước theo lưu vực cho người dân thôn Dy, xã Minh Quang, huyện Ba Vì. Tham dự tập huấn có nhóm chuyên gia thực hiện sáng kiến, lãnh đạo địa phương và đông đảo bà con thôn Dy.

Đổi thay ứng xử với nước từ một dự án nhân văn - Ảnh 3
Tập huấn Xây dựng mô hình quản lý và bảo vệ nguồn nước theo lưu vực cho người dân thôn Dy.

Buổi tập huấn được tổ chức nhằm phổ biến kiến thức đến bà con thôn Dy và thống nhất thực hiện hương ước về bảo vệ nguồn nước. Quy định các hoạt động kè bờ, nắn chỉnh dòng chảy làm mất nguồn nước hay cản trở thoát nước về mùa mưa lũ (lấy theo quy định của TP. Hà Nội về quản lý dòng chảy kênh mương). Cũng tại buổi tập huấn, nhóm nghiên cứu đã nhận được sự đồng thuận cao của bà con thôn Dy về hương ước bảo vệ nguồn nước. Nhóm nghiên cứu và nhà tài trợ đã đến thăm các hộ gia đình được hỗ trợ lắp bình biogas để đánh giá hiệu quả sáng kiến. 

Ngày 20/9/2022, Trung tâm Kinh tế Môi trường phối hợp với Mạng lưới Bảo tồn nguồn nước Việt Nam (VIWACON) tổ chức Hội thảo “Xây dựng mô hình cộng đồng quản lý và bảo vệ nguồn nước theo lưu vực Khu vực vườn Quốc gia Ba Vì, thí điểm tại thôn Dy, xã Minh Quang, huyện Ba Vì.

Đổi thay ứng xử với nước từ một dự án nhân văn - Ảnh 4
Hội thảo về Xây dựng mô hình cộng đồng quản lý và bảo vệ nguồn nước tại Ba Vì.

Tại hội thảo, PGS.TS Lưu Đức Hải đã báo cáo chung, tổng kết những kết quả thu được trong sáng kiến. Phát biểu tại Chương trình, ông Nguyễn Mạnh Thước – Phó Chủ tịch UBND xã Quang Minh cho biết: “Từ lâu nay, chính quyền địa phương đã nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường đối với cuộc sống của con người. Địa phương đã xây dựng thành công nhiều mô hình bảo vệ môi trường tại các cụm dân cư trên địa bàn xã, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót.

Cũng trong khuôn khổ chương trình, PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Ủy viên Đoàn Chủ tịch VUSTA chia sẻ, trả lời các ý kiến của người dân địa phương về các nghĩa vụ, quyền lợi của mình khi chung tay xây dựng mô hình quản lý và bảo vệ nguồn nước tại địa phương mình sinh sống. Sau phần giải đáp của PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Ban tổ chức chương trình đã đưa các đại biểu, đại diện đơn vị tài trợ đi thăm mô hình quản lý và bảo vệ nguồn nước tại thôn Dy.

Sáng kiến được đánh giá cao bởi Trung tâm Môi trường và Cộng đồng và đem lại nhiều thay đổi tích cực cho cộng đồng. Người dân tại thôn Dy đã có ý thức cần bảo vệ nguồn nước nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung. Và mô hình này được các chuyên gia đánh giá có nhiều ưu điểm và cần được nhân rộng ra các địa phương khác trong cả nước.

Linh Chi - Hà Nam

Bạn đang đọc bài viết Đổi thay ứng xử với nước từ một dự án nhân văn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới