Chủ nhật, 24/11/2024 09:44 (GMT+7)
Thứ tư, 06/01/2021 09:21 (GMT+7)

Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với mùa mặn

Theo dõi KTMT trên

Sang tháng 1 cũng là thời kỳ Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) bước vào mùa xâm nhập mặn. Dự báo xâm nhập mặn năm 2020-2021 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như mùa khô năm 2019-2020.

Theo Trưởng phòng Dự báo Thủy văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Phùng Tiến Dũng cho biết, các đợt xâm nhập mặn cao nhất ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 2 (từ 10 - 15/2, từ 26/2 - 2/3), tháng 3 (từ 12 - 16/3, từ 25 - 29/3); riêng các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3, 4 (từ 9 - 14/4, từ 24 - 28/4), sau giảm dần.

"Tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông, triều cường và còn biến động trong thời gian tới. Các địa phương ở vùng Đồng bằng Nam Bộ cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng, chống xâm nhập mặn", ông Dũng nhấn mạnh.   

Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với mùa mặn - Ảnh 1
Dự báo xâm nhập mặn khu vực Nam Bộ từ ngày 6-10/1/2021.

Ông Phùng Tiến Dũng cho biết, từ ngày 6 - 10/1, ở thượng nguồn sông Mê Kông và khu vực Nam Bộ phổ biến ít mưa; khu vực miền Tây Nam Bộ nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 21 - 24 độ C, cao nhất từ 30 - 33 độ C.

Mực nước các trạm trên dòng chính sông Mê Kông biến đổi chậm, mực nước các trạm thượng lưu ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,1 - 1,2m, mực nước các trạm trung, hạ lưu ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,1 - 0,2m. Mực nước trên sông Tiền và sông Hậu biến đổi chậm. Mực nước cao nhất tuần tại Tân Châu là 1,65m; tại Châu Đốc 1,75m, cao hơn trung  bình nhiều năm cùng kỳ từ 0,14 - 0,29m.

Xu thế xâm nhập mặn từ ngày 6 - 10/1 ở ĐBSCL ít biến đổi trong những ngày tới. Độ mặn cao nhất tại các trạm phổ biến ở mức thấp hơn độ mặn cao nhất tháng 1/2020.

Chiều sâu ranh mặn 1g/l trong thời kỳ này có khả năng như sau: Sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây: Phạm vi xâm nhập mặn 45 - 50 km; Sông Cửa Tiểu, Cửa Đại: Phạm vi xâm nhập mặn 40-45km; Sông Hàm Luông: Phạm vi xâm nhập mặn 45 - 50 km; Sông Hậu, Cổ Chiên: Phạm vi xâm nhập mặn 35 - 40 km; Sông Cái Lớn: Phạm vi xâm nhập mặn 35 - 40 km;

Chiều sâu ranh mặn 4g/l trong thời kỳ này có khả năng như sau: Sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây: Phạm vi xâm nhập mặn 35 - 40 km; Sông Cửa Tiểu, Cửa Đại: Phạm vi xâm nhập mặn 25 - 35 km; Sông Hàm Luông: Phạm vi xâm nhập mặn 35 - 40 km; Sông Cổ Chiên, sông Hậu: Phạm vi xâm nhập mặn 25 - 32 km; Sông Cái Lớn: Phạm vi xâm nhập mặn 25 - 32 km. Mức độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở ĐBSCL ở cấp độ 1.

"Trong thời kỳ này, các địa phương cần tranh thủ tích trữ nước ngọt khi triều cường thấp phục vụ nông nghiệp và dân sinh", ông Dũng khuyến cáo.

Để chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh, trước hết là trong các tháng mùa khô năm 2020 - 2021, Thủ tướng Chính phủ Chỉ thị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực ĐBSCL theo dõi chặt chẽ diễn biến, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, tình hình xâm nhập mặn, chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cho mùa khô năm 2020 - 2021 với các kịch bản khả năng ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, bao gồm cả các kịch bản ứng phó với xâm nhập mặn cực đoan như đã xảy ra các năm 2015 - 2016, 2019 - 2020.

Cùng với đó, các địa phương cần xác định từng vùng, từng khu vực có khả năng bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn để chỉ đạo, triển khai giải pháp cụ thể, bảo đảm giảm thiểu ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh. Trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn nghiêm trọng cần ưu tiên nguồn nước để cấp nước sinh hoạt cho người dân, chăn nuôi gia súc và tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao; quán triệt phương châm không để hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt.

Bộ TN&MT chỉ đạo tổ chức theo dõi, tăng cường dự báo, cung cấp các bản tin nhận định về tình hình khí tượng thủy văn, diễn biến nguồn nước thượng nguồn về ĐBSCL, diễn biến xâm nhập mặn cho các cơ quan liên quan và các địa phương phục vụ chỉ đạo sản xuất phù hợp với điều kiện nguồn nước và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống xâm nhập mặn.

Đồng thời, tổ chức thu thập thông tin về nguồn nước và điều tiết các hồ chứa thủy điện ngoài lãnh thổ Việt Nam để phục vụ công tác dự báo nguồn nước, xâm nhập mặn ở ĐBSCL; đề xuất cấp thẩm quyền xem xét đề nghị tăng cường xả nước từ hồ chứa thủy điện thượng nguồn để góp phần đẩy mặn cho ĐBSCL trong trường hợp cần thiết và hiệu quả…

Theo số liệu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, do hạn hán, xâm nhập mặn giai đoạn từ cuối năm 2019 đến tháng 4/2020, toàn vùng có gần 100 nghìn hộ dân thiếu nước sạch sinh hoạt. Số hộ thiếu nước sạch sinh hoạt tập trung tại các tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau và Tiền Giang. Hạn, mặn cũng đã gây thiệt hại nặng nề đến sản xuất lúa ở các địa phương. Bên cạnh đó, hiện đã có gần 29.700 ha vụ mùa 2019 và Đông - Xuân 2019 - 2020 ở ĐBSCL bị thiệt hại. 

Các nghiên cứu, đánh giá của Việt Nam và quốc tế cũng cho thấy các thay đổi của hạn hán, xâm nhập mặn tại ĐBSCL bị tác động bởi các lý do như: Xâm nhập mặn vào sâu nội địa xảy ra sớm, ranh mặn đã sâu hơn trung bình từ 5-15 km; kỷ lục năm 2019-2020, sâu hơn trung bình nhiều năm từ 10-25 km và kéo dài, được đánh giá là nghiêm trọng. Độ mặn cũng cao hơn. Theo số liệu đo tại các trạm mùa khô 2019-2020, độ mặn cao hơn từ 1-7g/l so với trung bình nhiều năm.

Hoài Thu

Bạn đang đọc bài viết Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với mùa mặn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới