Chủ nhật, 24/11/2024 02:47 (GMT+7)
Thứ tư, 14/09/2022 07:30 (GMT+7)

Đồng Nai: Chuyền đổi số còn nhiều khó khăn

Theo dõi KTMT trên

Hiện nhiều địa phương tại Đồng Nai đã thành lập ban chỉ đạo và tổ giúp việc để thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn. Tuy nhiên, do là vấn đề mới nên trong quá trình thí điểm, triển khai các công việc liên quan đến chuyển đổi số còn gặp nhiều khó khăn.

Nhiều khó khăn trong công tác chuyển đổi số

Theo Báo cáo kinh tế số Đông Nam Á, dự báo tới năm 2025, nền kinh tế số của Việt Nam sẽ chạm mốc 50 tỷ USD. Điều này càng khẳng định, chuyển đổi số đang trở thành nguồn lực quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để đạt được con số ấn tượng này, Chính phủ và các địa phương đnag tích cực chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực, nhất là hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nhằm hướng dẫn chuyển đổi số cho chính quyền cấp xã trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, từng bước hoàn thành mục tiêu xây dựng chính quyền số, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền cấp xã, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 2588/UBND-KGVX ngày 15/03/2022 về việc hướng dẫn tạm thời thực hiện chuyển đổi số cấp xã đến năm 2025. Theo đó, triển khai các nội dung, nhiệm vụ chuyển đổi số cho các xã trên 03 trụ cột gồm: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và gắn với công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng…

Đồng Nai: Chuyền đổi số còn nhiều khó khăn - Ảnh 1

Giám sát giao thông thông minh tại Trung tâm điều hành đô thị thông minh thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai

Đồng Nai hiện đang triển khai thực hiện thí điểm chuyển đổi số cấp xã ở 3 địa phương gồm: xã Long Phước (huyện Long Thành), xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu) và xã Bảo Hòa (huyện Xuân Lộc). Lãnh đạo UBND tỉnh vừa có buổi họp về công tác chuyển đổi số với các địa phương trong tỉnh. Trong đó, lãnh đạo 03 xã thực hiện thí điểm chuyển đổi số cấp xã của tỉnh và các đơn vị liên quan đã báo cáo các kết quả đạt được, những tồn tại, khó khăn trong quá trình thực hiện thí điểm.

Cuối tháng 8 vừa qua, tại cuộc họp với các địa phương trong tỉnh Đồng Nai về công tác thực hiện chuyển đổi số, Phó chủ tịch UBND H.Thống Nhất - Trần Đức Hòa chia sẻ, địa phương đã chỉ đạo triển khai nhiều nội dung, kế hoạch liên quan đến CĐS trên địa bàn. Một trong những vấn đề mà địa phương băn khoăn, mong muốn các sở, ngành liên quan và đơn vị viễn thông hỗ trợ đó là việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho quá trình chuyển đổi số. Bởi thực trạng hạ tầng ở địa phương còn gặp khó khăn, nhiều hệ thống máy móc, thiết bị công nghệ thông tin chưa đồng bộ. Trong đó, có vấn đề liên quan đến đảm bảo sóng viễn thông, việc lắp đặt trạm thu phát sóng (BTS) cần được triển khai đồng bộ, đảm bảo các quy định và đúng với quy hoạch…

Tương tự, bà Võ Thị Ngọc Lắm - Phó chủ tịch UBND H.Cẩm Mỹ cho hay, địa phương băn khoăn về nguồn kinh phí để triển khai đề án về chuyển đổi số một cách phù hợp với thực trạng và kế hoạch đề ra. Ngoài ra, đối với việc triển khai các nội dung liên quan đến xã hội số, huyện gặp các khó khăn như: ở khu vực nông thôn, nhiều người dân vẫn chưa quen với việc tiếp cận, sử dụng điện thoại thông minh nên việc tiếp cận các nội dung chuyển đổi số còn nhiều hạn chế; hệ thống ngân hàng thương mại trên địa bàn còn ít nên việc tiếp cận các dịch vụ ngân hàng số, đăng ký tài khoản ngân hàng… còn nhiều khó khăn hơn các địa phương khác nên cần có lộ trình triển khai phù hợp.

Không chỉ ở khu vực nông thôn, ngay cả các đô thị, thành phố lớn, việc triển khai chuyển đổi số cũng gặp phải các vấn đề nhất định, nhất là việc nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến. Cụ thể, theo lãnh đạo Phòng Văn hóa Thông tin TP. Biên Hòa chia sẻ, trên địa bàn Thành phố hiện nay tỷ lệ sử dụng một số dịch vụ công trực tuyến vẫn chưa cao. Đơn cử, đối với các thủ tục về tư pháp và đất đai, phần lớn người dân vẫn chọn hình thức đăng ký hồ sơ trực tiếp bởi nhiều thủ tục, giấy tờ đi kèm chưa dễ triển khai theo hình thức trực tuyến. Trong thời gian tới, thành phố sẽ rà soát các nội dung có liên quan để vừa đơn giản hóa các thủ tục hành chính, vừa đảm bảo thực hiện đúng quy định.

Đồng bộ, bài bản trong việc triển khai chuyển đổi số

Theo lãnh đạo nhiều địa phương trong tỉnh Đồng Nai, việc triển khai chuyển đổi số cần có lộ trình, phương án phù hợp, nhất là vấn đề về nguồn kinh phí, nhân lực cho quá trình chuyển đổi số.

Cụ thể, theo Phó chủ tịch UBND H.Thống Nhất Trần Đức Hòa chia sẻ, đối với Đề án Xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh nói riêng và các nội dung về chuyển đổi số nói chung, cần có cơ chế tài chính, có hướng dẫn, chỉ tiêu cụ thể hơn để các địa phương triển khai một cách hợp lý, đúng quy định…

Đồng Nai: Chuyền đổi số còn nhiều khó khăn - Ảnh 2
Tỉnh Đồng Nai tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số

Tương tự, Phó chủ tịch UBND H.Xuân Lộc Huỳnh Thị Lành bày tỏ, quá trình chuyển đổi số được địa phương ngày càng quan tâm, chú trọng. Trong thời gian tới, địa phương mong muốn các cấp, các ngành có thêm sự hỗ trợ, xây dựng bộ khung chuẩn để triển khai công tác chuyển đổi số phù hợp; từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động, tuyên truyền về chuyển đổi số, tỷ lệ người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, nhất là đối với cấp độ 3 và cấp độ 4. Bên cạnh đó, đối với việc phát triển đô thị thông minh, việc trước mắt cần làm là xây dựng hệ thống dữ liệu một cách bài bản, hệ thống, qua đó từng bước triển khai các nội dung liên quan đến chính quyền số, kinh tế số… theo lộ trình phù hợp.

Cũng với vấn đề này, ông Nguyễn Sơn Hùng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh, các sở, ngành, địa phương cần tham khảo, học tập, rút kinh nghiệm việc triển khai của các địa phương thí điểm để có phương án triển khai chuyển đổi số một cách hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, thực hiện đúng các quy định pháp luật, đảm bảo an toàn, an ninh mạng… Trước mắt, các sở, ngành, đơn vị liên quan và các địa phương khẩn trương rà soát, đánh giá về thực trạng cơ sở vật chất, nhân sự về chuyển đổi số một cách chính xác, kỹ lưỡng; tập trung xử lý những vấn đề cấp thiết liên quan đến chuyển đổi số ở các địa phương.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đồng Nai, tính đến tháng 8-2022, đã có 9/11 huyện, thành phố hoàn thành và thành lập được 789 tổ công nghệ số cộng đồng với tổng số 5.588 thành viên.

Tổ công nghệ số cộng đồng sẽ làm nhiệm vụ hướng dẫn người dân, hộ gia đình sử dụng dịch vụ công trực tuyến và tương tác với chính quyền qua nền tảng số; tham gia sàn thương mại điện tử uy tín; cũng như hướng dẫn người dân kỹ năng sử dụng phần mềm bảo đảm an toàn thông tin mạng ở mức cơ bản; kỹ năng sử dụng mạng xã hội văn minh, an toàn; nhận diện, phòng ngừa thông tin xấu, độc trên không gian số…

Còn theo nhiều địa phương, để đảm bảo hoạt động của các tổ công nghệ cộng đồng có hiệu quả thì cần có cơ chế hoạt động phù hợp, nguồn kinh phí để hỗ trợ các chuyên viên, tình nguyện viên tham gia tổ này. Đồng thời, cần có thêm các hoạt động hướng dẫn, các chương trình, lớp tập huấn để giúp các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng nâng cao kỹ năng số phục vụ cho nhiệm vụ được giao…

Vũ Thanh

Bạn đang đọc bài viết Đồng Nai: Chuyền đổi số còn nhiều khó khăn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới