Chủ nhật, 24/11/2024 07:39 (GMT+7)
Chủ nhật, 24/04/2022 13:30 (GMT+7)

Đồng Nai kiến nghị UNESCO cho ý kiến về đề xuất xây dựng cầu Mã Đà

Theo dõi KTMT trên

UBND tỉnh Đồng Nai gửi văn bản xin ý kiến của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và Tổ chức UNESCO tại Việt Nam về việc xây dựng quốc lộ 13C, cầu Mã Đà đi qua vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Chiều 22/4, ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh vừa có văn bản xin ý kiến của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và Tổ chức UNESCO tại Việt Nam về việc xây dựng quốc lộ 13C, đoạn cầu Mã Đà đi qua vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai

Theo văn bản của UBND tỉnh Đồng Nai, việc xây dựng dự án quốc lộ 13C, trong đó gồm cả việc xây dựng cầu Mã Đà sẽ làm ảnh hưởng đến công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn và phục hồi nguyên trạng tự nhiên; Bảo tồn và giữ gìn các giá trị lịch sử văn hóa của vùng đất cách mạng Chiến khu Đ.

Đồng thời, việc xây dựng xuyên qua rừng của Khu bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai và vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai sẽ đi ngược lại định hướng chung là hạn chế phương tiện và dân cư lưu thông xuyên qua rừng nhằm bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, tránh tình trạng xâm hại đến tài nguyên rừng.

Đồng Nai kiến nghị UNESCO cho ý kiến về đề xuất xây dựng cầu Mã Đà - Ảnh 1
Sự đa dạng sinh học tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai có nguy cơ bị đe dọa nghiêm trọng nếu đề xuất xây dựng quốc lộ 13C, cầu Mã Đà được phê duyệt.

Trước đó, vào ngày 20/1/2022, Ủy ban quốc gia Chương trình con người và sinh quyển Việt Nam (MABVN) đã có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai, Bộ TN&MT, Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội.

Trong văn bản do GS.TS Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch MABVN ký, nhấn mạnh: Việc xây đường, cầu Mã Đà sẽ hình thành tuyến đường đi qua vùng lõi rừng đặc dụng thuộc Khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận năm 2011, gây chia cắt hệ sinh thái, mất liên kết hành lang đa dạng sinh học, suy thoái môi trường, vi phạm Chiến lược Seville của UNESCO/MAB (chương trình Con người và sinh quyển), đi ngược định hướng của Chiến lược MAB 2015-2025, kế hoạch Hành động Lima 2016-2025, tạo tiền lệ xấu trong cộng đồng 929 Khu dự trữ sinh quyển thế giới và nếu tổ chức UNESCO can thiệp thì sẽ bị thu hồi danh hiệu. Việt Nam đã cam kết phát triển bền vững Khu dự trữ sinh quyển thế giới, nếu vi phạm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín quốc gia và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã cam kết.

Chính vì thế, MABVN đã kiến nghị không xây dựng cầu Mã Đà vì việc xây dựng đường, cầu và các hạng mục phụ trợ sẽ kéo theo việc hình thành tuyến đường dài hơn 40km đi xuyên qua vùng lõi của rừng đặc dụng sẽ gây ra những tác động nghiêm trọng tới vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai.

Đồng thời, trong báo cáo về dự án Xây dựng cầu trên tuyến đường Bà Hào - sân bay Rang Rang (tỉnh Đồng Nai) và Đồng Xoài - Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) của Khu bảo tồn gửi UBND tỉnh vào tháng 1/2022, Giám đốc Khu bảo tồn - Nguyễn Hoàng Hảo cho biết, năm 2004, Khu bảo tồn được thành lập, nằm trong hệ thống rừng đặc dụng và di sản văn hóa của Việt Nam.

Khu bảo tồn thuộc tiểu vùng bảo tồn sinh thái khẩn cấp (khu vực SA5 - lưu vực sông Đồng Nai - WWF, 2001) nằm trong hệ sinh thái Trường Sơn, một trong 200 vùng sinh thái quan trọng của thế giới được xác định trong “Global 200 Ecoregions”. Là sinh cảnh ưu tiên được xác định bởi Quỹ Bảo tồn Việt Nam (VCF 2003-2004).

Nhiều năm qua, tỉnh Đồng Nai đã tập trung bảo vệ diện tích rừng hiện còn, trồng thêm rừng mới đồng thời thực hiện một số giải pháp lâm sinh để làm giàu rừng. Năm 2011, Khu bảo tồn cùng với Vườn quốc gia Cát Tiên đã được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới.

Từ thực tế đó, Khu bảo tồn cho rằng, việc xây dựng cầu Mã Đà sẽ tạo ra tuyến đường gần 40km đi xuyên qua vùng lõi rừng đặc dụng Khu bảo tồn sẽ làm ảnh hưởng đến việc bảo vệ nghiêm diện tích rừng hiện hữu, sinh cảnh sống của các loài động vật quý hiếm và gây khó khăn cho công tác quản lý và bảo vệ rừng do Khu bảo tồn đang quản lý.

Cùng với đó, việc người dân tự ý lưu thông trên đường rừng sẽ gây khó khăn về phòng, chống cháy rừng trong mùa khô. Trên địa bàn do Khu bảo tồn quản lý có 3 di tích lịch sử cấp quốc gia nên việc xây dựng cầu Mã Đà sẽ làm phá vỡ cảnh quan, ảnh hưởng đến công tác bảo tồn các di tích lịch sử cách mạng.

Cũng theo đánh giá của Khu bảo tồn, việc xây dựng cầu Mã Đà trong giai đoạn hiện nay là chưa phù hợp với đề án Bảo tồn và phát triển Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021 - 2030 của Khu bảo tồn đã được UBND tỉnh phê duyệt vào các năm 2016 và 2021. “Cả 2 đề án này đều nêu rõ mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học và bảo tồn giá trị văn hóa bản địa” - báo cáo của Khu bảo tồn khẳng định.

Do đó, UBND tỉnh Đồng Nai kính đề nghị Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam và Tổ chức UNESCO tại Việt Nam cho ý kiến về việc xây dựng cầu Mã Đà để kết nối và nâng cấp tuyến đường Bà Hào - sân bay Rang Rang (tỉnh Đồng Nai) với đường Đồng Xoài - Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) thành quốc lộ 13C đi qua lõi của Khu dự trữ sinh quyển thể giới Đồng Nai.

Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thứ 580 của thế giới vào ngày 29/6/2011. Với tổng diện tích 969.993 ha, Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai được hình thành trên cơ sở mở rộng Di sản Thiên nhiên Thế giới Cát Tiên cũ (công nhận ngày 10/11/2001).

Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai gồm vùng lõi, vùng đệm và vùng chuyển tiếp, trải rộng trên địa bàn các tỉnh: Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Phước và Đắk Nông, trong đó 80% diện tích bảo tồn nằm ở tỉnh Đồng Nai. Nơi đây có giá trị cao về đa dạng sinh học với hơn 1.400 loài thực vật, là môi trường sống lý tưởng cho các loài động vật, nhất là động vật có vú, chim, bò sát và cá… với 1.781 loài.

Đây còn có rừng mưa ẩm nhiệt đới cuối cùng còn sót lại ở miền Nam Việt Nam với rất nhiều loài động thực vật đặc hữu, quý hiếm đang bị đe dọa tuyệt chủng như voi châu Á, bò tót, gấu chó…, đặc biệt là loài tê giác một sừng và các loài cây quý hiếm như cẩm lai, gõ đỏ, giáng hương…

Đồng thời, Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai gắn liền với những địa danh như Vườn Quốc gia Cát Tiên, Khu bảo tồn Thiên nhiên-Văn hóa Đồng Nai, Khu Bảo tồn vùng nước nội địa Trị An-Đồng Nai, Khu Ramsar Bàu Sấu, 3 di tích lịch sử cấp quốc gia là căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ, căn cứ Trung ương Cục miền Nam Việt Nam và địa đạo Suối Linh trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước.

Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai còn ẩn chứa các giá trị văn hóa như di chỉ khảo cổ học Cát Tiên có niên đại từ thế kỷ thứ 3 đến thế kỷ thứ 6 với bộ Lynga-Yoni lớn nhất khu vực Đông Nam Á và còn nhiều điều bí ẩn đầy thách thức đối với các nhà khoa học.

Tùng Anh

Bạn đang đọc bài viết Đồng Nai kiến nghị UNESCO cho ý kiến về đề xuất xây dựng cầu Mã Đà. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới