Chủ nhật, 24/11/2024 04:29 (GMT+7)
Thứ ba, 05/12/2023 13:49 (GMT+7)

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam sẽ trở thành trục "xương sống"

Theo dõi KTMT trên

Chính phủ vừa yêu cầu xây dựng phương án phát triển đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam với vận tốc 350km. Đây sẽ là dự án có quy mô lớn, thực sự trở thành trục xương sống đồng thời khai thác hiệu quả tuyến đường sắt hiện có.

Căn cứ xây dựng đường sắt tốc độ cao 

Văn phòng Chính phủ đã có văn bản 502/TB-VPCP ngày 4/12/2023 thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.

Theo đó, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án năm 2010 đã được Bộ Chính trị tán thành chủ trương đầu tư, nhưng chưa được cấp có thẩm quyền thông qua.  

Căn cứ chính trị xây dựng Đề án trên cơ sở Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam sẽ trở thành trục "xương sống" - Ảnh 1
Đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam với vận tốc 350km. (Ảnh: Minh họa)

Dựa trên thực tiễn dựa trên yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, kinh nghiệm quốc tế (làm rõ thêm kinh nghiệm các nước trên thế giới về phát triển đường sắt tốc độ cao bao gồm cả phương án huy động vốn). Trên cơ sở tính tương hỗ giữa các phương thức vận tải để nghiên cứu, lựa chọn, đề xuất phương án đầu tư bảo đảm khả thi, an toàn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu giai đoạn trước mắt và lâu dài.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng, cần dựa vào nhu cầu nội tại về phát triển kinh tế - xã hội nước ta kinh nghiệm đầu tư đường sắt tốc độ cao trên thế giới để nghiên cứu đầu tư đường sắt tốc độ cao đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển trên thế giới, tốc độ thiết kế 350km/h. Đặc biệt là trở thành trục "xương sống" theo Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị, đồng thời khai thác hiệu quả tuyến đường sắt hiện có.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, địa phương và doanh nghiệp nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách "đặc thù đặc biệt cả gói" để báo cáo Bộ Chính trị, trình Quốc hội khi thông qua chủ trương đầu tư. 

Nghiên cứu tầm quan trọng của đường sắt tốc độ cao

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu giải pháp khai thác mô hình đường sắt tốc độ cao trong việc phát triển đô thị theo định hướng gắn kết với giao thông công cộng (TOD).

Về hướng tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ nghiên cứu sử dụng hiệu quả các giải pháp công trình cầu, hầm để đảm bảo hướng tuyến thẳng nhất có thể, đảm bảo khả năng thoát lũ, hạn chế ảnh hưởng đến các khu bảo tồn và chia cắt cộng đồng; xem xét phương án bố trí điểm đầu, điểm cuối tuyến tại trung tâm Thủ đô Hà Nội và TP. HCM.

Cần làm rõ việc tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư chỉ là ước tính ban đầu, số liệu chính xác sẽ tiếp tục được cập nhật ở các bước tiếp theo khi đủ điều kiện do dự án có quy mô lớn, phức tạp về kỹ thuật - công nghệ, thời gian thực hiện dài (trên 10 năm). 

Bố trí nguồn vốn trong giai đoạn đầu, giai đoạn sau nghiên cứu kết hợp nguồn thu từ giá trị gia tăng phát triển đô thị, kêu gọi xã hội hóa, thu hút vốn tư nhân đầu tư đầu máy, toa xe để kinh doanh vận tải và trả phí cho Nhà nước. 

Ngoài ra phát triển nguồn nhân lực phải đi trước một bước. Căn cứ nhu cầu, dự tính số lượng lao động chất lượng cao như tự động hóa, chế tạo máy, chuyển đổi số..., nhân viên kỹ thuật trình cấp có thẩm quyền giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai thực hiện.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu chính sách phát triển công nghiệp đường sắt và công nghiệp phụ trợ giúp phát triển đường sắt nói chung, đường sắt tốc độ cao nói riêng. 

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chủ động tổ chức công tác chuẩn bị để thực hiện quản lý, vận hành, khai thác đường sắt tốc độ cao.

Ngày 3/10/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định 1143/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia. 

Đây là tổ chức phối hợp liên ngành giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng liên quan đến việc xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quốc gia thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia (không bao gồm các dự án đường sắt đô thị…).

Nhật Hạ

Bạn đang đọc bài viết Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam sẽ trở thành trục "xương sống". Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới