Hà Nội: Dự án Khu xử lý rác thải Châu Can - Phú Xuyên bao giờ khởi công? (Bài 6)
Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Châu Can được UBND TP.Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công ty CP dịch vụ môi trường Thăng Long từ năm 2015, công suất 500 tấn/ngày đêm nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai.
Lỡ hẹn...
Theo Quyết định QH609 của Thủ tướng Chính phủ năm 2014, khu xử lý chất thải rắn Châu Can thuộc vùng II. Cụ thể Khu xử lý chất thải rắn Châu Can (xây dựng mới). Vị trí: xã Châu Can, huyện Phú Xuyên. Diện tích đến năm 2020 là 7,5 ha; năm 2030 là 13 ha; năm 2050 khoảng 20 ha. Công suất xử lý đến năm 2020 khoảng 450 tấn/ngày; năm 2030 khoảng 800 tấn/ngày; đến năm 2050 khoảng 1.000 tấn/ngày.
Chức năng: Xử lý chất thải rắn sinh hoạt, phân bùn bể phốt, chất thải rắn y tế thông thường. Công nghệ áp dụng: Tái chế nhựa, giấy, sắt thép... Công nghệ sinh học xử lý chất thải rắn hữu cơ thành phân vi sinh. Công nghệ đốt kết hợp thu hồi năng lượng. Chôn lấp hợp vệ sinh có thu hồi năng lượng. Phạm vi phục vụ: Các huyện (Thường Tín, Phú Xuyên), một phần huyện Thanh Trì.
Tuy nhiên, những ngày đầu tháng 9/2022, nhóm PV Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường có mặt tại khu vực dự định triển khai dự án vẫn là khu đất ao hồ của người dân nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi gia cầm dọc theo đường Quốc lộ 1A cũ tại thôn Lễ Thượng, xã Châu Can. Chưa có dấu hiệu nào của việc triển khai dự án đã được UBND TP.Hà Nội phê duyệt từ năm 2015.
Những người dân địa phương khi được hỏi về dự án đều tỏ ra khá bất ngờ vì từ trước tới giờ chưa nghe thấy bao giờ: Chúng tôi không biết dự án nào như vậy ở đây, cũng chẳng thấy ai, cơ quan nào thông báo về việc này. Khu vực này vẫn là cánh đồng và khu ao hồ canh tác của dân, ông Lê Văn H., thôn Lễ Thượng nói.
Theo Báo cáo số 18/BC-UBND ngày 21/01/2020 của UBND TP.Hà Nội gửi Bộ Xây dựng về việc rà soát quy hoạch xử lý chất thải rắn thủ đô theo QH609 cũng nêu về thực trạng của Khu XLCT Châu Can, Phú Xuyên: Dự án được UBND TP chấp thuận đầu tư từ năm 2015 công suất 500 tấn/ngày đêm, dự án chưa được triển khai.
Nhà đầu tư đang đề xuất lập quy hoạch chi tiết 1/500 toàn bộ khu xử lý với quy mô 20ha, công suất 1.000 tấn/ngày đêm. Để đáp ứng nhu cầu xử lý phân bùn bể phốt cho khu vực phía Nam thành phố, dự kiến đề xuất kêu gọi đầu tư nhà máy xử lý phân bùn bể phốt, áp dụng công nghệ hiện đại (chức năng phù hợp quy hoạch).
Còn theo báo cáo số 2025/STNMT-CCBVMT ngày 05/4/2022 của Sở Tài nguyên và Môi trường gửi UBND TP.Hà Nội về việc báo cáo thực hiện rà soát quy hoạch xử lý chất thải rắn thủ đô thì Khu xử lý Châu Can (Phú Xuyên) đã được UBND huyện Phú Xuyên phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 tại quyết định số 4063/QĐ-UBND ngày 29/10/2020 quy mô 23,7ha (trong đó có 4,85 ha dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt do công ty CP Fịch vụ Môi trường Thăng Long triển khai), công suất dự kiến 1.000 tấn/ngày đêm.
Chậm triển khai có thể bị thu hồi
Ngày 9/12/2021, tại phiên trả lời chất vấn của HĐND TP.Hà Nội, Giám đốc Sở KHĐT Đỗ Anh Tuấn cho biết, dự án nhà máy xử lý rác thải rắn ở Phú Xuyên chậm tiến độ do nguyên nhân mặt bằng. Sau đó, TP có chủ trương chuyển đổi công nghệ, tăng quy mô diện tích từ 4,8ha lên 20ha. Công ty Cổ phần Dịch vụ Môi trường Thăng Long đã liên hệ với huyện Phú Xuyên, cam kết thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB). “Do công tác GPMB để kéo dài, và do kinh nghiệm triển khai của chủ đầu tư, dẫn đến chưa đảm bảo tiến độ dự án”, ông Tuấn nói và cho biết, TP đã yêu cầu chủ đầu tư có phương án triển khai, cam kết tiến độ.
Ông Tuấn cũng cho biết, về dự án này, qua báo cáo thẩm định, đề xuất chủ trương đầu tư của chủ đầu tư chưa đảm bảo theo quy định, Sở KHĐT đã 3 lần yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục, chủ đầu tư nêu lý do dịch bệnh. Quá hạn thời gian do với yêu cầu của TP. “Tới đây, chúng tôi sẽ xử phạt hành chính, và nếu tiếp tục chậm trễ lần 2, chúng tôi sẽ kiến nghị TP thu hồi dự án”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Tham gia trả lời chất vấn, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông cho biết, trung bình mỗi ngày Hà Nội thu gom khoảng 7.000 tấn rác thải sinh hoạt. Đối với dự án nhà máy xử lý rác thải triển khai ở Phú Xuyên, đề nghị Sở KHĐT kiểm tra năng lực nhà đầu tư, nếu Công ty Môi trường Thăng Long không đảm bảo yêu cầu, có thể thu hồi lại dự án.
PGS.TS Vũ Thanh Ca (Khoa Môi trường, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường), người từng có kinh nghiệm nghiên cứu, xây dựng các mô hình quản lý chất thải rắn đô thị và nông thôn, cũng như các vấn đề ô nhiễm đại dương cho rằng, rác thải sinh hoạt ở Việt Nam là một vấn đề môi trường rất nghiêm trọng.
Vì vậy, để bảo đảm tính hiệu quả của việc xử lý rác thải sinh hoạt, Việt Nam cần phải kiên quyết thực hiện việc xây dựng và vận hành một nền kinh tế tuần hoàn. Nền kinh tế tuần hoàn đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Luật cũng nêu rõ, Chính phủ sẽ quy định các tiêu chí, lộ trình, cơ chế khuyến khích thực hiện kinh tế tuần hoàn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước ta. Chính sách này sẽ thúc đẩy Chính phủ cùng các địa phương xử lý tốt hơn vấn đề rác thải.
Còn tiếp...
Kiên Giang