'Du lịch nội địa là nút mở duy nhất lúc này'
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho rằng lần kích cầu du lịch thứ hai sẽ gặp nhiều thách thức, trong đó có việc mùa du lịch đã qua và cung - cầu yếu.
Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) vừa khởi động chương trình kích cầu du lịch lần hai. Đợt kích cầu trước diễn ra từ tháng 5 sau đó bị đình trệ bởi làn sóng dịch Covid-19 thứ hai. Sau khi dịch được kiểm soát, Tổng cục khởi động chương trình kích cầu với sự tham gia rộng rãi của nhiều doanh nghiệp và địa phương.
Tuy nhiên, đợt kích cầu này gặp không ít thách thức khi mùa cao điểm du lịch đã qua đi. Ngoài ra, cung và cầu du lịch đang yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới nền kinh tế.
Nhân dịp này, Zing đã có cuộc phỏng vấn Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh.
Thách thức nằm ở cung và cầu
- Thưa ông, mục đích của chương trình kích cầu lần này là gì?
- Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 về cơ bản đã được kiểm soát, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục triển khai chương trình kích cầu hướng tới mục tiêu khôi phục, đẩy mạnh hoạt động du lịch.
Chúng tôi mong muốn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân du lịch tới các vùng miền trong cả nước, giúp cộng đồng doanh nghiệp du lịch vượt qua giai đoạn khó khăn, góp phần ổn định phát triển kinh tế, an sinh xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế xã hội.
- Đợt kích cầu du lịch lần này diễn ra trong bối cảnh năm học mới đã bắt đầu, mùa du lịch đã qua ở nhiều tỉnh miền Bắc và miền Trung. Đó có phải là thách thức không thưa ông?
- Chắc chắn đây sẽ là thách thức không nhỏ với ngành du lịch. “Mùa vàng của du lịch nội địa” là vào dịp nghỉ hè, sau đó bước vào thời điểm thấp điểm nhất trong năm, đặc biệt năm nay tâm lý khách còn e ngại vì dịch bệnh.
Chính vì vậy, ngành du lịch tận dụng thời gian này để sắp xếp lại nguồn lực, nghiên cứu kỹ về xu hướng thị trường mục tiêu, xây dựng các chính sách, gói kích cầu và tổ chức truyền thông, hướng đến giai đoạn quyết định chi tiêu của khách là tháng 11 và 12 thậm chí lan tỏa sang Tết Nguyên đán 2021.
Rõ ràng có nhiều khó khăn và thách thức nhưng ngành du lịch không thể khoanh tay ngồi chờ mà chủ động vượt khó theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.
- Tổng cục Du lịch còn thấy được những thách thức nào cho đợt kích cầu lần này? Giải pháp là gì thưa ông?
- Ngoài thách thức trên thì còn thách thức nằm ở cung và cầu. Do dịch bệnh kéo dài, nhiều lĩnh vực sản xuất bị thu hẹp, đình trệ, thu nhập người lao động bị giảm, tâm lý hạn chế chi tiêu ảnh hưởng rất lớn tới tiêu dùng du lịch của đại bộ phận người dân, nhu cầu của thị trường giảm sút.
Mặt khác, cộng đồng doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, nguồn lực và quy mô sẽ bị hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng cung ứng. Tuy nhiên chương trình lần này cũng có những cơ hội như nguồn khách outbound chuyển sang đi du lịch trong nước, người nước ngoài làm việc và sinh sống tại Việt Nam trong thời gian tới tăng lên.
Ngoài ra, khách du lịch trong nước tham gia các lễ hội cuối năm, khách MICE… sẽ là những động lực và đối tượng trọng tâm của chiến dịch lần này.
Khách du lịch là đối tượng được thụ hưởng nhiều nhất
- Nỗ lực của Tổng cục Du lịch và các doanh nghiệp trong ngành như thế nào để du khách có thể vừa mua tour với giá vừa rẻ, vừa hưởng chất lượng dịch vụ cao nhất?
- Theo chia sẻ của các tập đoàn và doanh nghiệp lớn, nhiều sản phẩm và dịch vụ kích cầu được đưa ra với mục đích truyền thông quảng bá thương hiệu, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và công việc làm cho người lao động, lợi nhuận không phải là mục tiêu duy nhất vào thời điểm này. Do đó, khách du lịch là đối tượng được thụ hưởng nhiều nhất.
Rút kinh nghiệm từ đợt trước, chúng tôi khuyến khích sự tham gia gắn kết hỗ trợ của các liên minh kích cầu để tối ưu hóa nguồn lực của các bên. Đồng thời, tăng cường chế độ kiểm tra, giám sát tại địa phương, đảm bảo đúng như cam kết về chất lượng và giá cả.
- Dịch bệnh chưa được kiểm soát trên toàn thế giới, Việt Nam vẫn có nguy cơ tái bùng phát dịch. Vậy làm thế nào để có thể đảm bảo an toàn cho du khách khi đi du lịch?
- Việc đảm bảo an toàn cho du khách sẽ được thực hiện đúng hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế. Tổng cục Du lịch cũng đã ban hành bộ tiêu chí an toàn du lịch rất cụ thể.
Hơn nữa, với xu hướng khách du lịch giai đoạn này thích di chuyển gần, sử dụng xe cá nhân nên cũng hạn chế bớt việc di chuyển đại trà như trước đây. Đại đa số các điểm đến trọng điểm về du lịch đều an toàn trong lần bùng phát dịch thứ hai vừa rồi, đây cũng là cơ sở của môi trường du lịch an toàn.
- Sau hai đợt dịch, nhiều doanh nghiệp du lịch phá sản, ngừng hoạt động, nhiều khách sạn đóng cửa. Việc khôi phục lại ngành du lịch không phải là điều dễ dàng. Vậy làm thế nào để khôi phục hoạt động cho các doanh nghiệp, giúp chương trình kích cầu thành công?
- Chín tháng qua là một cuộc khủng khoảng nặng nề với ngành du lịch toàn cầu trong đó có các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn của Việt Nam. Việc khôi phục lại ngành du lịch cần từng bước thực hiện song song với kết quả phòng chống dịch.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công văn gửi Thủ tướng để xuất các giải pháp cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trước bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19. Bộ cũng đề nghị các địa phương hỗ trợ doanh nghiệp tham gia kích cầu; khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp cùng chung tay hành động theo khối liên mình nhằm tối ưu hóa các nguồn lực, khuyến khích doanh nghiệp lớn tiên phong hành động, có tác dụng lan tỏa thị trường.
Du lịch nội địa cứu ngành du lịch
- Ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của khách du lịch nội địa trong bối cảnh hiện nay? Du lịch nội địa có thể “cứu” được ngành du lịch chịu ảnh hưởng của dịch bệnh hay không?
- Du lịch nội địa đã cứu ngành du lịch khi gặp khủng hoảng, giai đoạn tháng 5, 6 và 7 vừa rồi cũng vậy. Trong thời gian ngắn, hoạt động du lịch trở nên khởi sắc, đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong bối cảnh hiện nay, du lịch nội địa là nút mở duy nhất cho ngành du lịch duy trì hoạt động, trong khi du lịch quốc tế chưa thực sự trở lại.
- Trước đợt dịch Covid-19 lần thứ hai, Tổng cục Du lịch có nghiên cứu, đề xuất kế hoạch đón du khách quốc tế?
- Thị trường du lịch quốc tế sẽ được mở cửa từng bước trong điều kiện cho phép. Hiện nay, Thủ tướng đã cho phép nối lại 6 đường bay quốc tế từ 15/9, khách du lịch sau khi nhập cảnh chấp hành đầy đủ quy định về cách ly và an toàn phòng chống dịch bệnh được chào đón đi bất kỳ điểm du lịch nào của Việt Nam.
- Việt Nam đã mở cửa đường bay quốc tế. Vậy lộ trình đón khách quốc tế sẽ diễn ra như thế nào?
- Tổng cục Du lịch đã xây dựng kế hoạch từng bước mở cửa thị trường du lịch quốc tế, trong đó có sự phối hợp chặt chẽ của các chủ thể trong chuỗi cung ứng: vận chuyển, lữ hành, lưu trú, vui chơi giải trí và dịch vụ khác để đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh và phục vụ tốt nhất cho du khách.
Bên cạnh đó, chúng tôi có các hoạt động xúc tiến, quảng bá, truyền thông tạo dựng hình ảnh du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn.
Hiếu Công