Chủ nhật, 24/11/2024 08:08 (GMT+7)
Thứ ba, 15/02/2022 14:00 (GMT+7)

Du lịch quốc tế, nội địa: Mở cửa sớm nhất nhưng không ồ ạt

Theo dõi KTMT trên

Theo đề xuất mới nhất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hoạt động du lịch quốc tế và nội địa sẽ mở lại sớm nhất có thể nhưng không ồ ạt, có tổ chức chặt chẽ và đảm bảo lộ trình, an toàn, không nóng vội và phải thực hiện đồng bộ, nhất quán.

Tổ chức chặt chẽ và đảm bảo lộ trình

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) vừa trình Thủ tướng Chính phủ phương án mở cửa hoạt động du lịch đảm bảo an toàn, hiệu quả trong bối cảnh bình thường mới bằng đường không, đường bộ, đường biển từ 15/3.

Căn cứ tình hình, kết quả phòng chống dịch bệnh Covid-19 và đánh giá kết quả đón khách du lịch quốc tế trong giai đoạn 2 để mở lại bình thường hoạt động du lịch quốc tế và nội địa. Một trong những cơ sở quan trọng cho việc này là Việt Nam đã trở thành một trong 6 nước có độ bao phủ vaccine lớn nhất thế giới. Vì vậy, Bộ VHTTDL đề xuất sớm mở cửa để khôi phục hoạt động du lịch trong bối cảnh bình thường mới với phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19’’.

Theo đó, yêu cầu được Bộ VHTTDL đặt ra là xác định cụ thể thời gian, đối tượng, yêu cầu mở cửa hoạt động du lịch. Đáng chú ý, hoạt động du lịch được mở lại sớm nhất có thể nhưng không ồ ạt, có tổ chức chặt chẽ và đảm bảo lộ trình, an toàn, khoa học, phù hợp, hiệu quả; không cầu toàn, không nóng vội và phải thực hiện đồng bộ, nhất quán.

Du lịch quốc tế, nội địa: Mở cửa sớm nhất nhưng không ồ ạt - Ảnh 1
Bộ VHTTDL đề xuất mở cửa hoạt động du lịch đảm bảo an toàn, hiệu quả trong bối cảnh bình thường mới từ ngày 15/3.

Bộ VHTTDL đề xuất phương án, từ nay đến 14/3, tiếp tục triển khai chương trình thí điểm giai đoạn 2 đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Từ 15/3, mở lại hoạt động du lịch quốc tế và nội địa trong bối cảnh bình thường mới bằng đường không, đường bộ, đường biển đảm bảo an toàn, phù hợp với thời gian triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ.

Bộ cũng đưa ra các yêu cầu đảm bảo an toàn mở cửa hoạt động du lịch. Đối với hoạt động du lịch nội địa, các địa phương cần công bố mở cửa du lịch, đón và phục vụ khách du lịch theo từng cấp độ dịch tại địa bàn gắn với các biện pháp bảo đảm an toàn dịch bệnh tương ứng.

Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch xây dựng kế hoạch, quy trình đón khách an toàn theo hướng dẫn của ngành du lịch, y tế và địa phương. Doanh nghiệp phải chuẩn bị điều kiện đón, phục vụ khách an toàn, dự phòng phương án sẵn sàng xử lý sự cố do dịch bệnh gây ra theo quy định.

Khách du lịch, khách sử dụng dịch vụ du lịch tự theo dõi sức khỏe và đảm bảo tuân thủ “Thông điệp 5K” và biện pháp phòng ngừa, kiểm soát lây nhiễm theo quy định.

Ngoài ra, khách phải tuân thủ quy định của điểm đến, quy định, hướng dẫn của đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch; có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị Covid-19...

Với hoạt động du lịch quốc tế, từ nay đến 15/3, quán triệt triển khai theo hướng về tạm thời thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam do Bộ VHTTDL ban hành.

Đối tượng áp dụng trong giai đoạn này gồm có: người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, công dân Việt Nam được tham gia vào chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế.

Phạm vi thí điểm đón khách du lịch thông qua các chuyến bay thuê chuyến hoặc thương mại quốc tế thường lệ đến các địa phương đảm bảo điều kiện đón khách.

Ngoài ra, du khách tham gia chương trình du lịch của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, cơ sở kinh doanh dịch vụ được lựa chọn trong 3 ngày đầu tiên. Cùng với đó, có chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam công nhận, hoặc có chứng nhận đã khỏi bệnh Covid-19 hay các giấy tờ tương đương xác nhận đã khỏi bệnh Covid-19 do cơ quan có thẩm quyền tại nước điều trị cấp và được Việt Nam công nhận; có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính với SARS-CoV-2 tại cơ sở lưu trú trong vòng 24h sau khi nhập cảnh; có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị Covid-19 với mức trách nhiệm tối thiểu 20.000 USD; đảm bảo các điều kiện về xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam về xuất nhập cảnh.

Ngành du lịch có nhiều tín hiệu khởi sắc đầu năm

Thống kê của Tổng cục Du lịch cho biết, trong 9 ngày Tết (từ ngày 29/1/2022-6/2/2022), ngành Du lịch đã đón và phục vụ khoảng 6,1 triệu lượt khách nội địa, trong đó có 3,2 triệu lượt khách nghỉ đêm tại các cơ sở lưu trú du lịch; tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 25 nghìn tỷ đồng. Một số tỉnh thành như TP.HCM, Quảng Ninh, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Kiên Giang... có lượng khách lớn được ghi nhận tăng gấp nhiều lần so với năm 2021.

Đây là kết quả của việc chủ động thích ứng an toàn với dịch Covid-19 và là tín hiệu tích cực của ngành du lịch trong năm 2022.

Đáng chú ý, trong 9 ngày nghỉ Tết, lượng khách du lịch nội địa đã vượt số khách cả tháng 12/2021 (5,2 triệu lượt) và không kém nhiều lượng khách nội địa trong tháng 1/2020 (7,3 triệu lượt) - thời điểm trước dịch bệnh Covid-19. Một số điểm đến có lượng khách tăng đột biến, vượt hoặc xấp xỉ lượng khách dịp Tết Canh Tý 2020.

Du lịch quốc tế, nội địa: Mở cửa sớm nhất nhưng không ồ ạt - Ảnh 2
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng đầu tiên của năm 2022. (Ảnh: Tổng cục Thống kê)

Theo báo cáo của Bộ VHTTDL, chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam được triển khai từ tháng 11/2021 đến nay đã có kết quả tích cực.

Tính đến 10/2, Việt Nam đã đón được gần 9.000 khách du lịch quốc tế chủ yếu từ các nước như Nga, Uzbekistan, Kazakhstan, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Mỹ, Canada...

Đáng chú ý, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng đầu tiên của năm 2022 ước đạt 19,7 nghìn lượt người, tăng 14,9% so với tháng trước và tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. 

Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam khẳng định, việc mở cửa du lịch là vấn đề sống còn đối với nền kinh tế Việt Nam. "Chúng ta phải có nhiều biện pháp thúc đẩy du lịch, khách du lịch mới đến Việt Nam".

Có thể thấy, những kết quả tích cực dành cho ngành du lịch ngay trong những ngày đầu năm mới Tết nguyên đán có được từ sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực của cơ quan quản lý du lịch từ trung ương đến địa phương đến các địa phương, điểm đến và doanh nghiệp trong bối cảnh phủ vắc-xin diện rộng tạo tâm lý thoải mái, lạc quan cho du khách. Tất cả hứa hẹn một năm mới ngành Du lịch sẽ phục hồi mạnh mẽ trở lại, khẳng định vị trí một ngành kinh tế quan trọng của đất nước.

Mở cửa du lịch quốc tế không ảnh hưởng tới phòng chống dịch

Du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước. 

Ông Trương Gia Bình - Trưởng ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) chia sẻ cho rằng, việc mở hay không mở cửa đón khách du lịch quốc tế thì tình hình dịch trong nước vẫn thế. Bản chất vấn đề dịch là tiêm vắc-xin và các biện pháp giãn cách cần thiết.

Việc mở cửa đón khách du lịch quốc tế cũng không làm tăng tỷ lệ tiêm vắc - xin trong nước. Đơn cử như việc thí điểm đón 9.000 khách du lịch 2 tháng qua cũng cho thấy, việc mở cửa du lịch quốc tế không ảnh hưởng gì đến tình hình dịch trong nước.

Ngoài ra, nếu không mở cửa du lịch quốc tế thì đi ngược lại chính sách của Chính phủ - mong muốn phục hồi kinh tế. Điều này có thể ảnh hưởng đến công ăn việc làm của hơn 2,5 triệu lao động, tác động đến nhiều ngành kinh tế khác, khiến Việt Nam tự đánh mất cơ hội. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp đã vượt ngưỡng chịu đựng.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Du lịch quốc tế, nội địa: Mở cửa sớm nhất nhưng không ồ ạt. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới