Du lịch Việt Nam sẵn sàng trở lại sau thời gian dài "cửa đóng then cài"
Sau thời gian dài đóng cửa bầu trời vì đại dịch Covid-19, ngày 15/3, Việt Nam chính thức mở cửa hoàn toàn cho du lịch quốc tế.
Đại dịch Covid-19 bùng phát từ năm 2020 đã khiến nền kinh tế toàn cầu bị tác động nặng nề trên mọi mặt, đặc biệt là lĩnh vực du lịch. Theo báo cáo của UNWTO, dịch Covid-19 đã kéo lùi ngành Du lịch thế giới về mốc cách đây 30 năm, cả về lượng khách và tổng thu du lịch quốc tế.
Hiện nay, sau hơn hai năm chống chọi với đại dịch, nhiều quốc gia đã dần điều chỉnh quan điểm chống dịch Covid-19, từ “không Covid-19” sang “thích ứng, chung sống với Covid-19”.
Nhiều nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan… cho phép đón khách du lịch quốc tế; Liên minh Châu Âu cũng đã mở cửa cho đi lại nội khối và cho phép công dân các nước thứ ba nhập cảnh có các điều kiện.
Đối với Việt Nam, trong hơn hai năm qua, do tác động của đại dịch Covid-19, ngành du lịch đã phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có.
Thị trường du lịch và các hoạt động du lịch bị đứt gãy, đình trệ, làm cho toàn ngành không đạt được các chỉ tiêu, chệnh hướng quỹ đạo tăng trưởng.
Đã có khoảng 30% doanh nghiệp lữ hành xin thu hồi giấy phép kinh doanh; 90% cơ sở lưu trú phải đóng cửa; 2,5 triệu lao động trong ngành du lịch với 800.000 lao động trực tiếp bị ảnh hưởng, trong đó đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là: hướng dẫn viên du lịch, nhân viên làm việc tại cơ sở lưu trú du lịch, khu điểm du lịch…
Mạnh dạn mở cửa và không nên lo ngại lây từ nước ngoài
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Thông báo kết luận số 43/TB-VPCP ngày 16/2/2022 về phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện mới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn thiện Phương án mở cửa lại hoạt động du lịch đảm bảo an toàn, hiệu quả trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3/2022 với việc mở cửa lại hoạt động du lịch quốc tế và nội địa thông qua đường không, đường bộ, đường biển, đường sắt đảm bảo an toàn, phù hợp với các quy định phòng, chống dịch Covid-19.
Tuy nhiên, đối với yêu cầu đảm bảo an toàn y tế cho khách nhập cảnh vẫn còn có một số ý kiến khác nhau. Vì vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Việc mở lại hoạt động du lịch cần đảm bảo bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 28/TB-VPCP ngày 28/1/2022, đó là “Hoạt động du lịch được mở lại sớm nhất có thể nhưng không ồ ạt, có tổ chức chặt chẽ và đảm bảo lộ trình, an toàn, khoa học, phù hợp, hiệu quả; không cầu toàn, không nóng vội và phải thực hiện đồng bộ, nhất quán’’.
Phát biểu tại diễn đàn "Luồng xanh cho du lịch cất cánh", ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay Việt Nam có khoảng hơn 5 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó, 99,7% là trong nước, 0,3% là nhập cảnh. Do đó nên mạnh dạn mở cửa và không nên lo ngại lây từ nước ngoài. Tuy nhiên, cần cảnh giác khi có biến chủng mới xuất hiện.
Ông Trần Đắc Phu cho rằng thời điểm hiện nay so với đợt dịch bùng phát tại TP.HCM là hai thời điểm khác nhau. Số ca mắc hiện nay lớn nhưng không nhiều người mắc có triệu chứng nặng. Đội ngũ y tế đã có kinh nghiệm, năng lực sau khi trải qua hơn 2 năm chống dịch, mặt khác việc phân tầng điều trị được triển khai tốt, hệ thống y tế sẽ không quá tải.
Về phòng dịch trong du lịch, ông Trần Đắc Phu cho biết công tác này sẽ phức tạp hơn vì liên quan tới nhiều nơi, nhiều tình huống, nhiều môi trường khác nhau (như ngoài trời, trong phòng kín…). Đối với 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, do nguy cơ dịch bệnh khác nhau, việc triển khai du lịch có thể không giống nhau…
Do đó, theo ông Trần Đắc Phu, cần áp dụng giải pháp phòng bệnh đặc thù cho từng hoạt động. Cần mở cửa du lịch đồng bộ nhưng phòng bệnh cũng phải đồng bộ, khuyến khích du lịch theo nhóm khép kín, nới lỏng nhưng không buông lỏng.
Đối với công tác phòng chống dịch trong ngành du lịch, ông Trần Đắc Phu lưu ý, cần thống nhất lại nhận thức từ vấn đề khoa học và thực tiễn thì mới thích ứng linh hoạt, "dĩ bất biến, ứng vạn biến" trong từng hoàn cảnh cụ thể. Thống nhất và linh hoạt không chỉ ở người đứng đầu mà cả những người điều hành tour, hướng dẫn viên, các điểm đến…
Ông Trần Đắc Phu cho rằng mặc dù còn có những ý kiến khác nhau về thực hiện 5K hiện nay, nhưng về dự phòng cá nhân thì 5K vẫn vô cùng cần thiết, cần vận dụng linh hoạt để bổ trợ cho nhau.
Theo ông Trần Đắc Phu, trong du lịch, 5K trong nhà khác, 5K ngoài trời khác… Việc đeo khẩu trang cần được thực hiện tối đa. Khử khuẩn là biện pháp quan trọng tại tất cả các điểm đến. Hạn chế tiếp xúc giữa các đoàn, các nhóm. Khai báo y tế là vô cùng quan trọng để biết nguy cơ lây nhiễm ở đâu từ đó giúp xử lý gọn và triệt để.
Đây là thời điểm vàng của ngành du lịch
Theo bà Trần Thị Lan Anh, Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động VCCI cho biết, ở góc độ kinh doanh, trong hơn hai năm qua, do tác động của đại dịch Covid-19, du lịch Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Thị trường du lịch và các hoạt động du lịch bị đứt gãy, đình trệ, làm cho toàn ngành không đạt được các chỉ tiêu, chệnh hướng quỹ đạo tăng trưởng.
"Tuy vậy, trước làn sóng mở cửa toàn cầu, thời điểm này chính là cơ hội đặc biệt để ngành đón đầu nhu cầu du lịch mang tính toàn cầu đó", bà Lan Anh nói.
Dữ liệu phân tích của Google theo dõi xu hướng du lịch cho thấy, ngay từ tháng 1 đầu năm 2022, số người nước ngoài tìm thông tin về chuyến bay đến Việt Nam tăng 425% so với cùng kỳ năm 2021. Người Mỹ, Australia, Nga, Pháp, Đức, Nhật Bản, Ấn Độ, Anh, Canada có lượng tìm kiếm thông tin du lịch Việt Nam nhiều nhất.
"Việt Nam cũng là 1 trong 10 nước có tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 cao nhất thế giới. Đây là một trong những cơ sở để Việt Nam tự tin mở lại đường bay đến các nước và vùng lãnh thổ và hiện là chuẩn bị đến du lịch. Đồng thời, du lịch không chỉ thân thiện, mà còn phải an toàn cho du khách và người dân", Tổng thư ký VCCI nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Vũ Thế Bình, mở cửa du lịch không chỉ cho riêng ngành du lịch mà là mở cửa cho các ngành kinh tế khác. Khi du lịch hồi phục thì các ngành nghề khác sẽ hồi phục. Do đó rất cần sự phối hợp và liên kết chặt chẽ của 3 thành phần: Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.
"Chúng tôi không đòi hỏi Nhà nước phải hỗ trợ thêm cho ngành du lịch, mà chỉ mong muốn chúng ta khôi phục lại những gì đã có trước năm 2020.
Những chính sách đã ban hành cần phải dễ hiểu, dễ thực hiện và mong rằng những quy định đó nên đơn giản, để các doanh nghiệp có thể thực hiện được.
Chính sách của chúng ta cũng tương đồng với các nước khác đặc biệt là những nước đang phát triển du lịch", ông Vũ Thế Bình chia sẻ.
Hà Lan (T/h)