Du lịch Việt ‘vượt bão’, kỳ vọng phục hồi trong năm 2021
Năm 2020 sắp khép lại, du lịch thế giới đã hứng chịu một năm tổn thất nặng nề chưa từng có trong lịch sử vì đại dịch Covid-19. Du lịch Việt cũng không ngoại lệ.
Theo số liệu thống kê mới nhất từ Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), dịch Covid-19 đã làm giảm 1 tỉ lượt khách, tổng thiệt hại 1.100 tỉ USD, khiến cho khoảng 230 - 240 triệu người lao động mất việc làm và GDP thế giới giảm khoảng 2%. Dịch bệnh đã khiến ngành du lịch thế giới bị kéo lùi về thời điểm năm 1990, với lượng du khách sụt giảm tới 72% chỉ tính trong 10 tháng đầu năm.
Năm 2020, du lịch Việt Nam cũng giảm gần 80% lượng khách quốc tế, giảm 50% khách nội địa và giảm 90% khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài đồng thời khoảng 40 - 60% lao động ngành du lịch bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công. Tính đến đầu tháng 12, có hơn 320 doanh nghiệp du lịch, lữ hành phải ngưng hoạt động, tổng thiệt hại ước tính lên tới 23 tỉ USD.
Cụ thể, trong năm 2020, có tới 338 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép kinh doanh, tăng 3 lần so với năm 2019; có 201 doanh nghiệp xin cấp giấy phép mới, giảm hơn 1/3 lần. Tổng thu từ khách du lịch năm 2020 là 312.200 tỉ đồng, giảm gần 60% so với cùng kỳ năm 2019.
Hiện cả nước có 3.339 doanh nghiệp lữ hành, trong đó có 2.519 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 820 doanh nghiệp lữ hành nội địa.
Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, trong số các doanh nghiệp du lịch chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, khối lữ hành chịu thiệt hại nặng nề nhất khi là đơn vị trung gian, thực hiện các dịch vụ cho du khách. Nhiều đơn vị lữ hành đã phải đóng cửa, dừng hoạt động; không ít nơi phải chấm dứt hợp đồng với người lao động.
Theo ông Bình, vấn đề cần đặt ra cấp thiết lúc này là lữ hành Việt phải khôi phục hoạt động trong tình trạng bình thường mới. Lữ hành phải hoạt động thế nào, thay đổi phương thức quản lý và kinh doanh ra sao để vừa khôi phục được hoạt động du lịch mà vẫn phòng chống được dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho người dân.
Khi việc đón khách quốc tế còn là tương lai xa thì sản phẩm du lịch chắc chắn sẽ phải thay đổi, định hướng tập trung vào du lịch nội địa. Đặc biệt, du khách giờ đây sẽ không còn như thời trước Covid-19, bởi tư duy, sở thích, phương thức tiếp cận với du lịch của họ đã thay đổi.
"Do đó ngành du lịch sẽ gần như phải bắt đầu từ vạch xuất phát, phải nghiên cứu để điều chỉnh sản phẩm phù hợp. Tôi tin rằng du lịch sẽ chuyển sang một trạng thái mới, một phương thức hoạt động mới để đáp ứng với tình hình mới", ông Bình nói.
Hiện dịch bệnh tại Việt Nam đang được kiểm soát tốt nên nhiều doanh nghiệp du lịch, lữ hành kỳ vọng vào sự khởi sắc mới ở năm 2021, bắt đầu từ dịp Tết Dương lịch và sau đó là Tết Nguyên đán 2021, khi tập trung khai thác thị trường nội địa với các chương trình đa dạng, kèm theo mức khuyến mãi và giảm giá khủng.
Phân tích về triển vọng ngành du lịch trong năm 2021, tại Diễn đàn “Lữ hành Việt Nam 2021 - Giải pháp khôi phục và phát triển” diễn ra mới đây, các đại biểu cho rằng hoạt động kích cầu cần bảo đảm thời gian đủ dài và quy mô đủ lớn; cần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, bổ sung thêm những giá trị mới nhằm kích thích nhu cầu ngoài yếu tố giảm giá; cần có sự liên kết chặt chẽ của tất cả các bên từ cơ quan quản lý tại địa phương, cơ sở cung cấp dịch vụ tại điểm đến, phương tiện vận chuyển cho đến công ty lữ hành, cơ quan thông tấn báo chí.
Ông Cao Chí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đề xuất 8 giải pháp kích cầu như duy trì tốt công tác phòng, chống dịch để giữ gìn điểm đến an toàn; triển khai giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, khôi phục hoạt động kinh doanh; tổ chức thí điểm hoạt động phục vụ phát triển kinh tế ban đêm thu hút khách; chuẩn bị các sản phẩm du lịch mới...
Nói về chính sách kích cầu, bà Nguyễn Thị Lê Hương, Phó Tổng Giám đốc Vietravel cho biết: “Hiện nay các chương trình kích cầu của các doanh nghiệp còn manh mún và nhỏ lẻ, chưa thực sự tạo được hiệu ứng lan truyền và chính sách giá chưa thực sự hấp dẫn. Điểm mấu chốt của kích cầu chính là giải quyết vấn đề về lượt khách, nên phải thực sự có một chương trình tạo được hiệu ứng lan tỏa cao”.
Khi bàn luận đến hoạt động lữ hành quốc tế trong giai đoạn tới, ông Lại Minh Duy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM nhấn mạnh yêu cầu nâng tầm du lịch nội địa, đưa nội địa thành bộ phận chủ lực của du lịch Việt Nam.
Phân tích về thị trường nội địa, TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Du lịch giới thiệu sự phát triển nhanh các loại hình du lịch MICE - một loại hình du lịch kết hợp với hội nghị, triển lãm, các cuộc họp…, phát huy thế mạnh tài nguyên du lịch, nhằm nâng cao sự hấp dẫn và tính cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
Theo TS Nguyễn Anh Tuấn, việc phát triển du lịch MICE ở Việt Nam thời gian tới có rất nhiều cơ hội, thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Để có được một ngành công nghiệp du lịch MICE chuyên nghiệp, đẳng cấp quốc tế và phát triển bền vững, có trách nhiệm với môi trường và xã hội cần có sự quan tâm và nỗ lực của tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội nghề nghiệp/doanh nghiệp và của cả cộng đồng.
Nhật Hạ