Đức: Phát hiện nhà máy điện hạt nhân Isar 2 bị rò rỉ
Theo Bộ Môi trường Đức, sẽ mất khoảng 1 tuần để khắc phục tình trạng rò rỉ nếu nhà máy vẫn duy trì hoạt động sau ngày 31/12. Trong thời gian sửa chữa, nhà máy sẽ tạm dừng hoạt động.
Ngày 19/9 vừa qua, Bộ Môi trường Đức thông báo đã nhận được tin về vụ rò rỉ tại nhà máy điện hạt nhân Isar 2 của nước này.
Mặc dù vụ việc không gây ảnh hưởng về an ninh nhưng cũng làm phức tạp thêm kế hoạch cung cấp năng lượng vào mùa Đông.
Theo bộ trên, sẽ mất khoảng 1 tuần để khắc phục tình trạng rò rỉ nếu nhà máy vẫn duy trì hoạt động sau ngày 31/12. Trong thời gian sửa chữa, nhà máy sẽ tạm dừng hoạt động.
Nhà máy Isar 2 nằm ở bang Bavaria, dự kiến sẽ ngừng hoạt động vào cuối năm nay trong khuôn khổ kế hoạch của Đức về loại bỏ điện hạt nhân.
Tuy nhiên, cuộc xung đột tại Ukraine và tình trạng giảm mạnh nhập khẩu năng lượng từ Nga đã dẫn tới việc thay đổi chính sách.
Chính phủ Đức đang lên kế hoạch duy trì hoạt động của 2 trong số 3 cơ sở điện hạt nhân sang năm tới. Bộ Môi trường khẳng định đang cùng Bộ Kinh tế đánh giá tình hình mới và tác động đến thiết kế và việc triển khai chế độ dự phòng.
PreussenElektra, chi nhánh của tập đoàn E.ON và chịu trách nhiệm điều hành Isar 2, xác nhận lò phản ứng sẽ tiếp tục hoạt động cho đến thời điểm đóng cửa như kế hoạch.
Tuy nhiên, việc tạm dừng hoạt động trong 1 tuần vào tháng 10 sẽ là cần thiết nếu nhà máy tiếp tục vận hành sang năm sau.
Dưới thời Thủ tướng Đức Angela Merkel, năm 2011, Chính phủ Đức đã quyết định từ bỏ năng lượng hạt nhân sau khi xảy ra sự cố tại nhà máy điện hạt nhân ở tỉnh Fukushima của Nhật Bản.
Tháng Ba vừa qua, Đức đã tiến hành kiểm tra áp lực trên lưới điện và kết luận các nhà máy điện hạt nhân không còn cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng, do đó có thể dần loại bỏ vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, thị trường điện tại nước này bị ảnh hưởng do tình hình xung đột ở Ukraine, trong khi hóa đơn điện tăng vọt một phần do Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt cho châu Âu.
Ngoài ra, đợt hạn hán vào mùa Hè khiến các dòng sông tại Đức khô cạn và cản trở vận chuyển than đến các nhà máy nhiệt điện.
Do đó, Đức đã quyết định tạm dừng việc loại bỏ nhà máy điện hạt nhân, duy trì 2 nhà máy điện hạt nhân là Neckarwestheim và Isar 2 đến giữa tháng 4/2023 nhằm đề phòng nguy cơ xảy ra khủng hoảng năng lượng.
Đức bác bỏ việc kéo dài 'tuổi thọ' của các nhà máy điện hạt nhân
Phó Thủ tướng đồng thời là Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck tuyên bố Đức sẽ không kéo dài "tuổi thọ" của 3 nhà máy điện hạt nhân còn lại để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra ở nước này.
Ông Habeck cũng đồng thời trấn an người dân không nên hoảng sợ về viễn cảnh thiếu khí đốt trong những tháng mùa Đông lạnh giá, ông cũng cho rằng nếu các hộ gia đình và ngành công nghiệp cắt giảm mức sử dụng 15-20% thì dễ dàng để vượt qua mùa Đông.
Phát biểu tại “ngày mở cửa” của Chính phủ liên bang diễn ra vào 21/8, ông Robert Habeck cho biết việc cho phép 3 nhà máy điện hạt nhân cuối cùng của nước này tiếp tục hoạt động sẽ không mang lại nhiều lợi ích trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng của đất nước.
Bộ trưởng Kinh tế Habeck cũng nhấn mạnh ngay cả khi Nga cắt hoàn toàn nguồn cung, sẽ không có tình trạng Đức không có nguồn cung khí đốt nào. Na Uy và Hà Lan đang tăng thêm nguồn cung khí đốt.
Bên cạnh đó, các cảng tiếp nhận khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) mới sẽ đi vào hoạt động từ cuối năm nay. Về lâu dài, ông Habeck cho biết Đức phải mở rộng đầu tư vào năng lượng tái tạo và loại bỏ dần các nhiên liệu hóa thạch.
Ông Robert Habeck cũng lên tiếng phản đối đề xuất đưa vào vận hành tuyến đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2), khẳng định đề xuất này đồng nghĩa với sự nhượng bộ dành cho Nga.
Hà Anh