'Đường đi mới' gỡ khó tiêu thụ nông sản
Khó khăn chồng chất khó khăn, nông nghiệp lại lao vào “giải cứu” nông sản. Để giải bài toàn nông sản, vận chuyển đường biển có phải là giải pháp tối ưu.
Chuyên gia đánh giá vận chuyển đường biển là giải pháp cốt lõi
Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) – cho hay, đây thời điểm khâu vận chuyển đang bị ùn tắc và nói nhiều đến câu chuyện chuyển sang xuất khẩu chính ngạch. Từ 5-6 năm nay, Bộ đã nhiều lần khuyến cáo các địa phương thay đổi phương thức từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch. Theo ông Hải, đây không chỉ là vấn đề xuất khẩu qua cửa khẩu mà còn là vấn đề thay đổi tư duy của các thành phần liên quan, từ các cơ quan Trung ương đến các hiệp hội, các hộ sản xuất,… Nếu không thay đổi đồng bộ thì rất khó chuyển sang chính ngạch.
“Đây là thời điểm mà chúng ta cần có quyết tâm để chuyển đổi. Vừa thay đổi tư duy doanh nghiệp, hộ sản xuất, còn là thay đổi bạn hàng. Ví dụ, thanh long chủ yếu bán cho thương nhân trong khu vực biên giới, như vậy, với các thương nhân đó, chuyển sang bằng đường biển thì họ không tiếp nhận được. Do đó, ở đây còn là việc thay đổi khách hàng lớn, mua hàng trong nội địa, thay vì dựa vào thương lái dọc vùng biên, điều này cần có quá trình. Nếu các thương lái, chủ hàng ngại việc này, thì chúng ta sẽ lại quay trở lại câu chuyện như hiện nay” – ông Trần Thanh Hải phân tích.
Ngoài ra, ông Hải cũng nhấn mạnh, với việc gỡ khó cho xuất khẩu nông sản hiện nay, nếu hãng tàu có thiện chí thì số lượng cũng không đáng kể. Vì vậy, về lâu dài, muốn tàu tăng công ổn định cần phải có cam kết lượng hàng đi mỗi tháng.
Đề xuất các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản bằng đường biển, ông Lê Quang Trung – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty hàng hải Việt Nam- cho rằng, cần có các giải pháp căn cốt hơn cho vấn đề mở tuyến đường biển, bởi đây là vấn đề liên quan đến việc xây dựng hệ thống, đầu tư tàu,… Do đó, trong trường hợp có thể tạo ra tuyến ổn định, mong muốn Bộ NN&PTNT sẽ là đầu mối để làm sao gom được, tập trung được các nhu cầu để phía vận tải, các công ty trong hiệp hội logistics có thể đưa ra các giải pháp trọng tâm.
Bên cạnh đó, nếu xây dựng tổ công tác để chuyển đổi trong dài hạn từ xuất khẩu nông sản đường bộ sang đường biển, Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, các hội viên sẽ là đầu mối để gặp gỡ các chủ hàng, các nhà xuất khẩu lớn,… Từ đó, sẽ đưa ra các giải pháp về chi phí làm sao cho các nhà xuất khẩu Việt Nam có được bài toán kinh tế và ổn định hơn trong dài hạn.
Về giải pháp của ngành hàng hải thời gian tới, ông Nguyễn Xuân Sang - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải - thông tin, đã đạt thỏa thuận với một số hãng tàu trong việc vận chuyển nông sản thẳng từ đồng bằng sông Cửu Long ra cảng Cái Mép – Thị Vải, giúp giảm thiểu độ trễ trong quá trình lưu thông.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Sang cho hay, vận chuyển bằng đường biển sẽ có thủ tục chỉn chu hơn, đồng thời, cần có thời gian hình thành các tuyến. Vừa qua, các hãng tàu đã có những nỗ lực nhưng không thể gánh được hết do năng lực về phía hàng hải nếu tăng ngay cũng không thể tăng quá lớn, cần có thời gian để xây dựng thêm.
“Trong trường hợp muốn tăng lượng nông sản xuất khẩu bằng đường biển thì cần có thời gian, cần có sự làm việc giữa chủ hàng với hãng tàu mới có thể xuất khẩu sang Trung Quốc. Về phía Bộ Giao thông Vận tải sẵn sàng cùng với Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT làm cầu nối giữa chủ hàng, nhà xuất khẩu và người mua của phía bạn” - Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cho biết.
Trước ý kiến của các Bộ, ngành, doanh nghiệp về vấn đề xuất khẩu bằng đường biển, ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT – cho biết, Bộ sẽ giao nhiệm vụ cho Tổ công tác 970 phối hợp với Hiệp hội rau quả, các doanh nghiệp để cùng tính toán kỹ lưỡng và có các đề xuất, gợi ý đi đường biển số lượng bao nhiêu, thời gian nào để Cục Hàng hải liên hệ đến các hãng tàu… nhằm giảm chi phí cho đường biển.
Ngoài ra, ông Trần Thanh Nam cũng đề nghị các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương ở biên giới như: Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh để nắm thông tin kịp thời, liên hệ thường xuyên để đảm bảo lượng hàng không bị ùn tắc. Đây là vấn đề các doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý.
Khó khăn khi xuất đường biển
Trả lời Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, hiện nay nếu các đơn vị, doanh nghiệp Việt Nam có thể xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc theo đường biển thì sẽ giảm tải áp lực lên các cửa khẩu phía Bắc. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại việc xuất khẩu bằng đường biển đang gặp nhiều khó khăn.
Thứ nhất, hiện nay lượng tàu không ổn định, hay bị chậm trễ. Thứ hai, container rỗng lạnh đang bị thiếu hụt nhiều. Thứ ba, bên phía Trung Quốc kiểm dịch Covid-19 rất chặt chẽ. Từ đó dẫn đến việc tốc độ thông quan chậm. Mỗi ngày bên phía Trung Quốc chỉ thông quan 5 container trong khi số lượng container của Việt Nam đưa sang lên đến hàng trăm chiếc.
“Với tình trạng thiếu tàu, thiếu container cùng với chính sách Zero Covid bên phía Trung Quốc, việc xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường đông dân nhất thế giới đang gặp rất nhiều khó khăn, kể cả qua đường bộ hay đường biển. Tốc độ thông quan đường biển của Trung Quốc chậm nên Việt Nam chỉ có thể đi với số lượng ít chứ không thể xuất hết hàng nghìn xe tại các cửa khẩu đường bộ như thời gian vừa qua”, ông Đặng Phúc Nguyên nêu vấn đề.
Bên cạnh đó, các cửa khẩu Trung Quốc sắp dừng hoạt động để các tài xế, nhân viên hải quan, nhân viên bốc xếp hàng hóa… có thể về quê, thực hiện cách ly y tế và nghỉ tết.
“Các doanh nghiệp nên hạn chế việc đưa nông sản lên các cửa khẩu vào thời điểm hiện tại vì nếu hàng hóa bị kẹt tại cửa khẩu qua tết Nguyên đán sẽ hỏng.
Nên để sau tết khoảng 2 - 3 tuần, sau đó xác định lại tình hình và yêu cầu của thị trường Trung Quốc để lên phương án cụ thể cho việc xuất khẩu”, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam đưa ra kiến nghị.
Ông Nguyên cũng cho rằng, sau Tết Nguyên đán, các cơ quan quản lý Nhà nước nên làm việc với các đơn vị vận chuyển, các hãng tàu để bố trí conatiner lạnh phục vụ cho việc xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp.
“Tại Trung Quốc, dịp tết Nguyên đán là một trong những dịp lễ lớn nhất trong năm. Người dân Trung Quốc có tập tục nghỉ tết Nguyên đán rất lâu. Trong khi năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên người lao động Trung Quốc khi về quê ăn Tết phải cách ly thêm 14 ngày. Tất cả những yếu tố đó làm cho khâu thông quan tại các cửa khẩu bên phía Trung Quốc trì trệ hơn rất nhiều vì chỉ cần thiếu một khâu thôi cả hệ thống cửa khẩu cũng không thể hoạt động”, ông Đặng Phúc Nguyên chia sẻ.
Nguyễn Linh (T/h)