Chủ nhật, 24/11/2024 05:59 (GMT+7)
Thứ hai, 21/09/2020 14:50 (GMT+7)

EVFTA: Không chỉ nắm cơ hội ưu đãi thuế

Theo dõi KTMT trên

Việc được hưởng các ưu đãi về thuế quan có thể mang lại những thuận lợi trước mắt cho nông sản Việt Nam ở thị trường EU, tuy nhiên, về lâu dài, việc sản xuất đảm bảo truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm là vô cùng quan trọng.

EVFTA: Không chỉ nắm cơ hội ưu đãi thuế - Ảnh 1
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản. (Ảnh: VGP/Đỗ Hương)

Đây là quan điểm của ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) khi trao đổi với báo chí về những ưu đãi thuế quan do EVFTA mang lại hiện nay.

Thời gian qua, nhiều mặt hàng nông sản tăng tốc xuất khẩu sang thị trường châu Âu và thu được những kết quả khả quan nhờ những ưu đãi về thuế quan. Sau tôm, cà phê, chanh leo, trái cây, sắp tới là gạo cũng sẽ từng bước chinh phục thị trường EU. Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng xuất khẩu nông sản Việt sau EVFTA?

Ông Nguyễn Quốc Toản: Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu rau quả nói riêng, xuất khẩu nông sản nói chung đạt được rất nhiều thành tựu, bước tiến đáng kể. Chỉ tính riêng mặt hàng rau quả, kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt 4 tỉ USD. Theo tôi, tiềm năng xuất khẩu nông sản, rau quả sẽ còn mở ra rất lớn khi EVFTA chính thức được thực thi.

Với EVFTA sẽ tạo ra cú hích tấn công thị trường EU, vốn là một thị trường vô cùng khó tính, đòi hỏi khắt khe nhưng nếu đáp ứng được thì sức cạnh tranh cũng được cải thiện đáng kể. Quan trọng hơn, vào được thị trường EU, nông sản Việt sẽ được cải thiện, nâng cao hình ảnh thương hiệu, nâng cao khả năng cạnh tranh. EU giống như tín chỉ đảm bảo để nông sản Việt vào được những thị trường khó tính khác.

Mặc dù được đánh giá sẽ mang lại nhiều cơ hội nhưng xuất khẩu nông sản sang EU cũng phải vượt qua nhiều rào cản kỹ thuật. Theo ông, làm thế nào để doanh nghiệp, người dân có thể vượt qua rào cản này?

Ông Nguyễn Quốc Toản: Ngay trong quá trình Việt Nam và châu Âu đàm phán EVFTA, Bộ NN&PTNT đã đề nghị các địa phương, doanh nghiệp hướng dẫn, liên kết với nông dân thành chuỗi giá trị, chuẩn hóa các quy định về rào cản kỹ thuật và buộc phải vượt qua nó. Với EU, hai rào cản lớn nhất là an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.

Trước mắt, chúng ta có lợi thế về mặt thuế quan, nhưng về lâu dài chúng ta phải sản xuất sản phẩm đạt chuẩn, có thương hiệu, truy xuất được nguồn gốc thì mới có thể đưa nông sản đi tới 27 nước EU.

Trong thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ, phối hợp với các địa phương hướng dẫn nông dân đổi mới phương thức sản xuất, tăng cường liên kết doanh nghiệp với nông dân. Tôi cho rằng đây là quá trình chuyển đổi sản xuất của doanh nghiệp và người dân, theo đó bà con nông dân phải từng bước thay đổi tư duy sản xuất gắn liền với thị trường.

Chúng ta phải thấy rằng, đây là cả một quá trình, là quyết tâm của tất cả các chủ thể, từ các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương, doanh nghiệp, người dân cũng phải thay đổi tập quán canh tác để đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu.

Chính phủ cũng vừa ban hành đề án sản xuất nông nghiệp hữu cơ, với những giải pháp thúc đẩy người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất hữu cơ, tạo ra nông sản sạch. Tôi hy vọng, với đề án này, sẽ có ngày càng nhiều sản phẩm nông sản đáp ứng được yêu cầu của thị trương châu Âu.

EVFTA: Không chỉ nắm cơ hội ưu đãi thuế - Ảnh 2
Nhiều loại nông sản chủ lực của Việt Nam đang đứng trước cơ hội gắn kết với toàn cầu, mang lại giá trị kinh tế cao. (Ảnh: VGP/Đỗ Hương)

Ông đánh giá như thế nào về dư địa xuất khẩu các loại nông sản chủ lực của Việt Nam ở thị trường EU?

Ông Nguyễn Quốc Toản: EVFTA là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, với những cam kết sâu rộng và toàn diện nhất từ trước đến nay giữa hai bên, cơ chế thực thi chặt chẽ và thậm chí bao hàm cả những lĩnh vực được coi là “phi truyền thống” như lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ, minh bạch hóa, cơ chế giải quyết tranh chấp về đầu tư.

Chúng tôi coi đây là cơ hội để gắn kết sâu rộng vào thị trường toàn cầu có giá trị cao và chất lượng cao. Quan hệ thương mại giữa EU và Việt Nam có tính bổ trợ lẫn nhau, chứ không cạnh tranh trực tiếp. EU nổi tiếng với các sản phẩm công nghệ cao về cơ khí, máy móc, dược phẩm, nông sản ôn đới và chế biến mà Việt Nam có nhu cầu. Ngược lại, Việt Nam có thế mạnh về các sản phẩm công nghiệp sử dụng nhiều lao động, các sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới mà thị trường EU cần. Thông qua quan hệ thương mại và đầu tư với EU, Việt Nam kỳ vọng sẽ tiếp thu năng lực công nghệ, năng lực quản trị hiện đại, từng bước chuẩn hóa, nâng cấp các quy trình sản xuất của Việt Nam để gắn kết với chuỗi giá trị toàn cầu.

Chúng ta có nhiều nông sản chủ lực, nhưng không vì những ưu đãi thuế quan mà chủ quan vì phải cạnh tranh với các thị trường khác. Do vậy, điều quan trọng là xác định tâm thế, nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới sản xuất, xây dựng vùng sản xuất tập trung để vượt qua mọi rào cản kỹ thuật.

Xin cảm ơn ông!

Đỗ Hương

Bạn đang đọc bài viết EVFTA: Không chỉ nắm cơ hội ưu đãi thuế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới