Gần 500 con gia súc một huyện miền núi Thừa Thiên Huế chết vì rét
Do trời mưa và rét liên tục kéo dài những ngày qua huyện miền núi A Lưới - Thừa Thiên Huế đã có gần 500 con trâu, bò bị chết.
Báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Trung tâm Thú y huyện A Lưới ngày 13/1 cho biết, đến thời điểm hiện tại trên toàn địa bàn huyện có gần 500 con trâu bò của người dân bị chết rét.
Theo đó, số lượng trâu bò bị chết tập trung chủ yếu tại các xã Hồng Trung, Hương Lâm, Đông Sơn và A Đớt.
Đây là con số thiệt hại rất lớn với tỉnh không nằm trong vùng trọng điểm của đợt rét đậm, rét hại và còn lớn hơn tổng thiệt tại của các tỉnh miền núi phía Bắc- khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt rét từ tháng 12/2020 đến nay.
Trao đổi với Vnexpress về nguyên nhân, ông Hồ Vang, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, so với thành phố Huế, nhiệt độ ở huyện vùng cao A Lưới những ngày qua thấp hơn, thường 9-11 độ C. Trước mưa lạnh người dân đã lùa gia súc từ trong rừng về chuồng trại. Tuy nhiên, mưa lạnh kéo dài cộng với việc thiếu thức ăn, chuồng trại che chắn đơn sơ, nhiều trâu, bò, dê đã chết.
"Không chỉ làm chết gia súc, mưa lạnh đã ảnh hưởng đến gieo sạ vụ lúa đông xuân. Toàn tỉnh dự kiến gieo sạ 28.000 hecta lúa song đến nay mới được 2.000 hecta, nhiều cánh đồng ở các địa phương vẫn đang ngập nước", ông Vang cho biết thêm.
Còn theo Ban chỉ đạo Trung ương, thông tin từ các địa phương phía Bắc như Cao Bằng, Lào Cai, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Lạng Sơn, Nghệ An, rét đậm, rét hại, băng tuyết thời gian qua đã làm trên 900 con gia súc bị chết, trong đó, nặng nhất là ở Lào Cai trên 200 con trâu; Sơn La gần 260 con trâu, bò; Điện Biên gần 180 con trâu, bò… Thời tiết khắc nghiệt cũng đã làm 93 hecta rau màu, 1.050 chậu địa lan của tỉnh Lào Cai bị hư hỏng.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Bắc Bộ đang bước vào giai đoạn rét khô với nhiệt độ thấp nhất ở đồng bằng vẫn dao động 7-10 độ C, vùng núi 4-7 độ C. Trạng thái rét đậm, rét hại còn xuất hiện về đêm và sáng sớm.
Những ngày tới, khi không khí lạnh suy yếu, thời tiết được cải thiện đáng kể. Ban ngày, nhiệt độ nhiều nơi lên tới 16-18 độ C và tiếp tục tăng trong những ngày tiếp theo. Dù vậy, nắng ấm chỉ duy trì ở Bắc Bộ đến hết ngày 16/1.
Ông Nguyễn Hữu Thành, Phó phòng Dự báo Thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia), cho biết sau đợt không khí lạnh mạnh tăng cường ngày 10-11/1, miền Bắc sẽ đón thêm một đợt gió mùa Đông Bắc mới vào ngày 17-18/1.
Ảnh hưởng của hình thái này tiếp tục gây ra một đợt rét đậm, rét hại diện rộng cho các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Dù vậy, đợt rét tới chỉ kéo dài 2-3 ngày.
Chuyên gia khuyến cáo các địa phương miền núi tiếp tục triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người già, trẻ nhỏ, khách du lịch, học sinh, nhất là tại các trường nội trú ở vùng núi cao.
Người dân hạn chế hoạt động dưới trời lạnh, mặc đủ ấm, không dùng bếp than để sưởi trong phòng kín. Căn cứ tình hình thời tiết cụ thể, địa phương chủ động cho học sinh nghỉ học.
Đối với những hộ chăn nuôi, việc kiểm tra, gia cố chuồng trại cần được lưu ý, đặc biệt là phía đón gió. Khẩu phần ăn cho gia súc cần được bổ sung thêm muối, thức ăn tinh.
Với rau màu ngắn ngày, nếu đến thời kỳ thu hoạch thì phải thu hoạch ngay. Và ở các diện tích khác, người dân phun nước trên mặt lá làm rụng, tan hạt sương để tránh hiện tượng cháy lá khi có ánh nắng xuyên qua.
Minh Phương