Gần 6.000 học sinh ở miền Trung đang mắc kẹt tại vùng dịch
Năm học mới đã diễn ra hơn 1 tháng nhưng tại các tỉnh miền Trung, vẫn có khoảng gần 6.000 học sinh không thể trở về để đến trường do đang mắc kẹt tại vùng dịch.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Thanh Hóa, hiện tỉnh có 1.357 học sinh đang ở các khu vực có dịch và không thể trở về để tiếp tục đến trường. Bên cạnh đó, có 896 học sinh tại các địa phương khác đang học tại Thanh Hóa.
Tỉnh Nghệ An hiện cũng có 1.641 học sinh từ tiểu học đến THPT đang ở các tỉnh phía Nam không thể về quê.
Tỉnh Quảng Bình vẫn đang triển khai học trực tuyến. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, Quảng Bình cũng có khoảng 1.500 học sinh đang sinh sống tại các vùng có dịch và không thể trở về địa phương.
Trong khi đó, tỉnh Quảng Trị chỉ còn 40 học sinh mắc kẹt chưa thể trở về địa phương. Tuy nhiên, vẫn có khoảng 300 học sinh tại các địa phương khác đang học tập tại Quảng Trị.
Ngay từ đầu năm học Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tiếp nhận, tạo điều kiện cho học sinh học tại nơi cư trú do ảnh hưởng của Covid-19.
Gần 1 tháng qua, do diễn biến của dịch Covid-19, các tỉnh đã có những cách tổ chức dạy học phù hợp với điều kiện và tình hình dịch bệnh ở tỉnh mình. Hiện cả nước có 23 tỉnh, thành phố dạy học trực tiếp; 40 tỉnh, thành phố dạy học trực tiếp hoặc trực tuyến; Số còn lại dạy học kết hợp hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Ở bậc tiểu học, cả nước hiện có 7.478 cơ sở giáo dục cấp tiểu học đã tổ chức dạy trực tiếp; 5.047 trường dạy trực tuyến; 8.967 trường tổ chức cho học sinh học qua truyền hình.
Cấp THCS có 5.873 trong tổng số 9.763 trường (bao gồm trường có nhiều cấp học và cấp học cao nhất là THCS) đã tổ chức dạy học trực tiếp (chiếm 60,16%); 4.509 trường dạy học trực tuyến (chiếm 46,18%); 571 trường dạy học qua truyền hình (chiếm 10,37%); 466 trường chưa tổ chức triển khai dạy học.
Cấp THPT có 1.207 trên tổng số 2.876 trường tổ chức dạy học trực tiếp (chiếm 41,97%); 1.639 trường dạy học trực tuyến (chiếm 56,99%); 102 trường dạy học qua truyền hình (9,27%); 48 trường chưa triển khai tổ chức dạy học.
Năm học 2021 - 2022 là năm học thứ 2 tổ chức dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018 tại cấp tiểu học và là năm đầu tiên triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa lớp 6 (cấp THCS).
Mặc dù còn nhiều băn khoăn về chất lượng của việc dạy - học trực tuyến, nhưng đây vẫn được coi là giải pháp hữu hiệu nhằm thích ứng với những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh.
Quốc Khánh